22/11/2020 9:25  
Nhìn những chiếc đàn tranh, đàn ghi ta, đôi dép... làm bằng tre, bé xíu nhưng tinh xảo nhiều người không tin chúng được tạo ra bởi một chàng trai tay khuyết tật.

Trong túp lều rộng chừng 30 m2, nằm ven bờ sông Tiền, Triệu Hồng Hồ Em, 32 tuổi, lúi cúi cắt những thanh tre để chuẩn bị nguyên liệu cho tác phẩm mới của mình. Bàn tay trái yếu ớt nhưng vẫn đủ sức cầm đốt tre xoay đều, tay phải cầm máy vuốt. Chừng 15 phút, đốt tre đã biến thành một cái lọ đựng tăm nhỏ xinh. Đây chỉ là một trong hàng trăm sản phẩm mang lại nguồn thu nhập cho chàng trai khiếm khuyết và người mẹ 71 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Ảnh, mẹ Hồ Em kể, khi mới chào đời chàng trai này cũng khỏe khoắn, lành lặn và đáng yêu như ba đứa con khác. Đến năm lớp Ba, một trận sốt đã khiến tay trái và chân trái của cậu bé gần như không còn sức lực, cái cổ không thể cử động, đi lại khó khăn. Hồ Em lớn lên như chiếc đèn dầu trước gió, cứ vài năm lại nằm liệt giường, tưởng chừng không qua khỏi.

Tuổi 17 đáng lẽ là tuổi xuân của đời người nhưng đó lại thời điểm đánh dấu một loạt những biến cố và đẩy Triệu Hồng Hồ Em vào cảnh bế tắc. Trước đó vài năm, anh trai cậu bị tai nạn giao thông rồi qua đời. Bố mất vì ung thư. Hai anh chị lớn đều có gia đình nên chẳng thể chăm sóc mẹ và cậu em tật nguyền. Giữa lúc này, con bò bà Ảnh mua nhờ vay vốn ngân hàng cũng bị gãy chân mà chết.

"Tia hy vọng cuối cùng cũng tắt. Tôi nghĩ mình không còn điểm tựa nào để tiếp tục sống", Hồ Em nhớ lại.

Buổi sáng, trong lúc mẹ ra chợ, Hồ Em tập tễnh đi đến các tiệm thuốc tây, gom mỗi chỗ một vỉ thuốc ngủ, về giấu đầu giường định để tối mang ra uống. Đêm đó, bà Ảnh vào giường xoa bóp, nói chuyện với con trai. Mệt quá, bà ngồi ngủ gục lên cánh tay con trai. Hình ảnh đó khiến chàng thiếu niên bừng tỉnh: "Sao mình lại nghĩ đời không còn điểm tựa trong khi vẫn có mẹ?".

Kể từ hôm sau đó, cậu tự cắt giấy chữ "tập thể dục" dán lên tường để nhắc nhở mình tập luyện ngay trên giường, mong sẽ khỏe lại. Không còn bị những cơn đau hành hạ, nhưng lòng Hồ Em luôn xáo trộn vì mình còn trẻ thì ngồi một chỗ trong khi mẹ già dậy từ mờ sáng hái rau ra chợ.

Có lần, Hồ Em ngồi xe lăn, nhờ mẹ đẩy ra ngồi trước cửa nhà chơi. Thấy mẹ đang thu dọn những thân tre, buồn tay, cậu bảo mẹ lấy cho mình "nghịch". Hí hoáy một buổi chiều, anh tạo được mô hình cây cầu bắc qua con sông ở trước cửa nhà. Được đứa em hàng xóm tấm tắc khen đẹp, Hồ Em phấn chấn hẳn lên. Những ngày hôm sau, nhìn thấy viên gạch ở góc nhà, đôi dép của mẹ,... anh chẻ tre tạo hình rồi tặng lũ trẻ trong xóm.

Một người dân trong xã Long Điền thấy món đồ bắt mắt nên đặt anh một nhà mô hình nhà rông Tây Nguyên. "Đó là 15 nghìn đồng thu nhập đầu tiên giúp tôi thấy mình sống có ý nghĩa. Từ đó, tôi nuôi ý định làm các sản phẩm từ tre", Hồ Em kể.

"Thằng nhỏ háo hức, làm không kể ngày đêm. Có lần tay trái yếu nên mất cảm giác, nó bị dao cứa vào, đến lúc máu chảy lã chã mới biết", bà Ảnh kể. Hàng ngày, người mẹ đi mua tre về cho con trai làm.

Nhiều lần sản phẩm làm ra không được như ý, chàng trai cặm cụi đến gần sáng. Đôi tay chai sần nham nhở những vết dao cắt, tre cứa nhưng Hồ Em biết đây là con đường sáng nhất cho cuộc đời mình nên vẫn cố.

Sản phẩm làm ra ưng ý, nhưng khách hàng hiếm khi ghé qua. Năm 2010, Hồ Em viết thư gửi đài truyền hình địa phương kể về công việc của mình. Một phóng sự về chàng trai khiếm khuyết đã xuất hiện trên TV vào những ngày đầu năm mới. Nhiều người biết đến anh nên đặt hàng. Các mạnh thường quân cũng gửi tiền giúp Triệu Hồng Hồ Em trả nợ và mua máy móc phục vụ công việc.

Hồ Em cũng được một chủ homestay ở Tiền Giang mời đến chỗ họ làm sản phẩm bán cho khách Tây. Nghĩ đó là cơ hội tốt, chàng trai đồng ý. Nhưng ở suốt cả tháng trời, khách đa phần là "Tây balo" chẳng ai mua. Hồ Em đành chịu lỗ, tự bỏ tiền túi thuê xe chở máy móc, thiết bị làm tre về nhà. "Tôi xác định phải tự làm chủ, phát triển thương hiệu của riêng mình", Hồ Em nói.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Thư, 41 tuổi, ở Bình Thạnh, TP HCM, tình cờ biết đến các sản phẩm của Triệu Hồng Hồ Em qua Facebook bốn năm trước rồi trở thành khách hàng thân thiết của anh đến tận bây giờ.

Chị Thư mua các sản phẩm từ thân tre của Hồ Em để trang trí cho quán cà phê và làm quà tặng bạn bè. "Các món đồ tỉ mỉ, tinh tế nên khách đến quán đều rất thích", chị Hoàng Thư nhận xét.

Sau 10 năm khởi nghiệp, chàng trai khiếm khuyết đã có lượng khách hàng ổn định, nhưng nguyên liệu còn bấp bênh nên thu nhập trồi sụt theo tháng.

Xem thêm các sản phẩm từ tre của anh Triệu Hồng Hồ Em:

  

Nguồn tin: vnexpress.net


HCM   khách Tây   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...