17/01/2021 15:05  

Giáp ranh một thuở Nghĩa Bình

Bước lên bậc toa chuyến tàu SE4 khởi hành lúc 19 giờ 25, tôi quăng cái balo đựng vài bộ quần áo lên chiếc giường nhỏ. Chai nước suối và nắm xôi. Quyển sách Thương nhớ miền Trung tuyển những bài viết hay từ cuộc thi của Báo Thanh Niên. Từ Sài Gòn, tàu xình xịch chạy qua bao phố phường, làng xóm. Chìm dần vào đêm. Mải miết!
Nơi tôi đến là ga Bồng Sơn (Bình Định), một địa danh đã từng nhiều lần đi qua nhưng chưa bao giờ dừng lại. Lần bước chân xuống những bậc toa này là đầu tiên, vẫy tay chào đoàn tàu tiếp tục thẳng ra hướng Bắc. Lúc ấy là 9 giờ sáng hôm sau. Balo trên vai, tôi trực chỉ Sa Huỳnh.
Chú tài xế taxi tên Sĩ chở tôi vượt qua đèo Bình Đê, ngọn đèo giáp ranh một thuở Quảng Ngãi và Bình Định nhập lại thành tỉnh Nghĩa Bình năm nào. Sĩ nói: “Đèo thấp nhưng vượt qua những năm bao cấp ấy cũng lắm gian nan. Năm 1989 khi tách tỉnh, trở thành giáp ranh hai tỉnh qua lại”. Bao vườn dừa nghiêng ngả xứ Bồng Sơn, và rồi Sa Huỳnh hiện ra đẹp thơ mộng một vùng biển xanh lô nhô nhà phố, vườn tược.
Như lời hẹn với người bạn là nhà thơ Trần Cao Duyên, 30km từ Bồng Sơn ra Sa Huỳnh, để có thể sẽ khám phá nhiều điều về vùng đất này, tự dưng lòng tôi vui, cảm thấy nhẹ bâng trong đùm đề khăn áo và bắt đầu đón gió từ biển mặn!

Trầm tích Sa Huỳnh

Điều ấn tượng nhất là khi chạy xe máy đèo anh Duyên dọc theo QL1A liêu xiêu rét, rồi rẽ vào con đường nhỏ, tìm đến với Nhà trưng bày hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh. Trời dưới 15 độ, và cơn gió buốt đã khiến người canh địa chỉ này dường như thấy vắng khách nên tìm về bếp lửa ở ngôi nhà mình cạnh đó. Khách đến chỉ có hai chúng tôi. Chị vợ, trùm nón và khăn kín mít ra mở cửa bật đèn. Một vầng sáng hiển lộ những trầm tích tự ngàn xưa. Ngay sau đó là anh chồng tên Rồi ra tiếp. Tôi như thấy mình lạc vào vùng đất đã từng hàng ngàn năm dung chứa nhiều bộ lạc tổ tiên mình. Những gì họ đã chống chọi với đủ thứ khắc nghiệt của thiên nhiên, để ghè đẽo, săn bắt, canh tác, ăn uống, yêu đương… đều hiện hữu nơi này.
Lược ghi lại lời giới thiệu, dù chỉ đôi dòng ngắn ngủi, nhưng cũng hình dung được công sức vô cùng lớn lao của những nhà khảo cổ Pháp - Việt. “Là nền văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí, được hình thành đỉnh cao văn minh thuộc sơ kỳ đồ sắt có niên đại 500 năm trước công nguyên (tính ra đã hơn 2.500 năm - NV) đến thế kỷ đầu công nguyên. Là kết quả hội tụ phát triển của các dòng chảy tiền Sa Huỳnh thuộc giai đoạn đồng thau trước đó, khoảng 1.500 đến 500 năm trước công nguyên (tức từ hơn 2.500 năm đến hơn 4.000 năm - NV). Phân bố của văn hóa Sa Huỳnh là ở miền Trung Việt Nam, phía Bắc giao thoa với văn hóa Đông Sơn ở Quảng Bình, phía Nam giao thoa với văn hóa Đồng Nai ở Bình Thuận, phía Tây là rìa Tây nguyên thuộc vùng thung lũng Đông Trường Sơn và phía Đông vươn ra các đảo gần bờ”…
Từ những chỉ dẫn ấy của sự kết tinh bao năm nghiên cứu, tôi nhận ra thêm một điều, kể từ hơn 110 năm trước, năm 1909, khi viên thuế quan người Pháp là M. Vinet ở Sa Huỳnh tình cờ phát hiện ra kho chum cổ khoảng 200 chiếc chôn vùi không sâu lắm ở những cồn cát ven biển Quảng Ngãi, cho đến năm 1936, trong những công trình khảo cứu của mình, một người Pháp khác là M. Colani đã đặt tên chính danh, là nền “Văn hóa Sa Huỳnh”. Dấu-mốc-huyền-thoại ấy khởi đầu cho một hành trình khảo cổ tìm tòi lâu dài bền bỉ, theo từng bước chân của nhiều nhà khảo cổ Việt Nam về nếp sống của người bản địa sơ khai, mà trong đó ghi dấu ấn đậm nét nhất là công lao của nhà sử học-khảo cổ học, cố giáo sư Trần Quốc Vượng. Ông đã say mê tìm tòi, đào xới và nâng niu từng vật phẩm, di chỉ từ lòng đất Quảng Ngãi, để rồi trong buổi sáng tháng chạp này, tôi được chiêm nghiệm những tầng vỉa lịch sử, một bước chân quá dài của người Việt cổ, từ những chum vại, nồi niêu, đồ trang sức, rìu cuốc, vật sinh hoạt đủ thứ… còn lại nơi đây.
Để rồi, trong khi mơ màng theo những bước chân Giao Chỉ ngàn năm có chiếc ngón cái tõe ra, đã từng đi lại thuở rất xa xưa trong nắng ấm và gió rét, trong từng ngọn lửa bùng lên qua hàng thế kỷ miệt mài kỳ công giữ lửa, tôi như nhận ra bóng dáng của tiền nhân dân tộc Việt. Và càng thêm trân quý công lao của những người đã nghiên cứu, dẫn dắt, cũng như rất nhiều người âm thầm trong hàng chục cuộc đào xới, khai quật suốt bao năm.

Điệu bài chòi trong ngôi làng cổ

Trước đó, bởi háo hức cố hình dung về ngôi làng cổ Gò Cỏ thuộc xã Phổ Thạnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã từng đọc qua trong những phóng sự của anh Trần Cao Duyên, nên tôi đã đề nghị tìm về ngôi làng này. Con đường vào làng quanh co, vẫn tồn tại rất nhiều đá minh chứng cho sự vĩnh hằng, cho sự “giao lưu” giữa đất liền và biển khơi qua hàng hàng thế kỷ. Đá chồng đá, đá làm tường bao cho các ngôi nhà. Đá lớn từng tảng vươn ra đường và đá xây dựng nền móng cho các homestay nhỏ xinh. Đây rồi, bảng tên đường chỉ dẫn vào “Nhà Tranh homestay” đầu tiên của chị gia chủ tên là Bùi Thị Vân. Chị Vân niềm nở ra chào, giới thiệu đôi nét về cách đặt phòng, ăn ở và sinh hoạt của khách phương xa muốn khám phá địa chỉ thơ mộng này.
Nhà tường gạch, dựng trụ cột nhỏ và rui mè bằng tre, lợp tranh đan 4 hom, mái có bọc lưới để tránh gió bão. Chị ôn tồn cho biết làng có 15 hộ gia đình được cấp chứng nhận kinh doanh homestay. Giá cả rất mềm, theo như chiếc bảng nhỏ đơn sơ gắn lên vách. Trải nghiệm của du khách khi đến đây có thể là tiếng sóng biển, mùi hoa trái buổi sớm và cả mùi… phân bò trong chuồng thoang thoảng. Kể cả trải nghiệm những bữa ăn truyền thống của dân làng, với cá biển, rau sạch và có khi được thưởng thức bài chòi do các nghệ nhân trong làng thể hiện. Tình cờ, tôi phát hiện cây đàn guitar treo trong góc nhỏ, chị Vân cười nói: “Để cho khách chơi!”.
Rồi, một chị trong làng ghé lại. Chị tên là Gái, cũng là người hát bài chòi cùng thôn. Cả hai chị say sưa nói về làng cổ, về bài chòi và hát những khúc bài chòi nhịp điệu thoảng âm sắc ngũ cung. Chị Vân nhiệt tình lấy ra một cặp sắc bùa do mình tự chế, kẹp giữa đôi tay nhỏ nhắn và đánh nhịp theo câu hát. Rồi cả hai chị cùng cười có vẻ e ấp, rồi cùng hoài niệm về những đêm trăng đẩy trục ép mía, rồi kể về tình tự thuở xa xưa. Một tiếng lòng ngân lên trong tôi, tưởng như trở ngược về quá khứ, những năm giữa thế kỷ 20, mà bỗng dưng đã xa típ tắp tự bao giờ…
… Rời Sa Huỳnh, rời những đống muối phủ bạt ngày gió nhiều và cánh cò chấp chới trên đồng theo sau máy bừa của người nông dân ven đường thôn thẳng ra quốc lộ, tôi dừng lại chụp vài tấm hình, nghe như trong giá rét có chút hơi ấm mùa xuân, đâu đó đã vội thoảng về…
Sa Huỳnh - Sài Gòn tháng chạp Canh Tý

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bình Thuận   Việt Nam   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...