16/02/2021 9:45  

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1-2021, cả nước chỉ có 194 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoà với tổng giá trị vốn góp 220,8 triệu đô la Mỹ, lần lượt giảm 78,1% và giảm 58,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Và so với hai hình thức đầu tư khác gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dự án FDI đang hoạt động tăng vốn, thì hình thức góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại thấp hơn nhiều.

Cụ thể vốn đăng ký mới của doanh nghiệp FDI trong tháng vừa qua đạt trên 1,3 tỉ đô la thông qua 47 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong khi vốn FDI điều chỉnh trong cùng thời gian này đăng ký tăng thêm đạt trên 472,2 triệu đô la, thông qua 46 lượt dự án.

Đại dịch Covid-19 kéo dài với lệnh phong tỏa biên giới ở nhiều quốc gia đang làm chậm lại các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, dịch bệnh sẽ khiến thị trường bùng nổ với nhu cầu gia tăng cả bên bán và bên mua.

Và các nhà đầu tư và giới phân tích tin vào sức bật của thị trường M&A Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19. Bởi lẽ cùng với xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thị trường quốc tế, tiềm năng của một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, cấu trúc dân số “vàng” và những thành công trong việc kiểm soát Covid-19… sẽ tạo lực đẩy để thị trường M&A tại Việt Nam nhanh chóng bật dậy.

Trước đó, Euromonitor xếp Việt Nam trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có triển vọng M&A tích cực, cùng với Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Ả-rập Saudi… và dự báo Việt Nam giữ vị trí thứ 2 trong nhóm 20 quốc gia có chỉ số đầu tư M&A cao nhất (Top 20) năm 2021, vượt qua Trung Quốc, Indonesia, chỉ sau Mỹ.

Một trong những động lực cho các thương vụ M&A tại Việt Nam đến từ việc các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Trung Quốc để tránh những rủi ro liên quan đến thương chiến Mỹ - Trung. Các điểm đến đáng chú ý của những công ty này là Việt Nam, Indonesia, Tây Ban Nha và Phần Lan.

Trong khi đó, Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, khiến hầu hết chính phủ phương Tây phải hạ lãi suất cơ bản để giảm chi phí vay. Euromonitor nhận định, những yếu tố này sẽ tạo ra cơ hội tốt cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động tại nước ngoài thông qua kênh M&A.

Tương tự, theo Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập (CMAC), thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Cụ thể, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỉ đô la vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỉ đô la vào năm 2022. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021.

Giới phân tích cho rằng đứng đầu bảng trong nhóm ngành truyền thống vẫn là lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Lĩnh vực tiếp theo là bất động sản. Một lĩnh vực truyền thống khác sẽ không kém phần sôi động trong thời gian tới là sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ và lĩnh vực công nghiệp cũng được dự báo nóng trở lại.

Theo ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu về dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, xu hướng M&A của các công ty Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng gia tăng.

Yếu tố đầu tiên ông Yoshida đưa ra là hầu hết các lĩnh vực ở Nhật Bản đều đã phát triển đến đỉnh điểm, nên họ cần tìm kiếm thị trường mới để mở rộng bên ngoài Nhật Bản. Ông dẫn chứng rằng gần một phần ba (27,7%) dân số Nhật Bản hiện nay trên 65 tuổi. Điều này đang khiến độ tuổi trung bình của người Nhật là 48,4 tuổi (hơn người Việt Nam gần 20 tuổi) và dân số giảm khoảng 276.000 mỗi năm.

Yếu tố thứ hai theo ông Yoshida là “chiến lược tăng trưởng M&A” được hỗ trợ bởi nguồn tiền tích lũy dồi dào trong 20 năm qua, đạt hàng ngàn tỉ đô la Mỹ. Ông cho biết xu hướng M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á ngày càng cao, trong đó Việt Nam đạt số thương vụ cao nhất với 33 thương vụ trong 2019, cao hơn 1,5 lần so với năm trước đó, minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của các công ty Nhật Bản đối với Việt Nam, ông nói.

Ông cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang hướng về Việt Nam trong quá trình tìm kiếm, mở rộng thị trường, tận dụng dân số trẻ. "Có thể nói rằng, sự quan tâm từ nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam là rất lớn ngay cả trong đại dịch Covid-19, diễn tiến chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian", ông Yoshida nhận định, và cho rằng: "Một khi rào cản về cách ly và hạn chế đi lại do đại dịch tại Việt Nam được dỡ bỏ, một làn sóng lớn các công ty Nhật Bản - vốn đang chờ đợi để tiến hành các thủ tục đầu tư - sẽ xuất hiện".

Tương tự, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cũng cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất quan tâm tới ngành sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống và bán lẻ. Đây là những ngành có thị trường tiêu thụ lớn, tốc độ tăng trưởng cao, nên rất dễ hiểu khi doanh nghiệp trong những ngành này trở thành mục tiêu M&A hàng đầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, bất động sản là lĩnh vực tỷ suất lợi nhuận lớn, hiệu quả dài hạn, luôn là kênh thu hút đầu tư với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỉ đô la trong hơn một thập kỷ qua.

Những kết quả và thành công mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2016-2019 và năm 2020 khi cơ bản đạt được “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát được đại dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tại diễn đàn M&A vào năm ngoái, hầu hết các chuyên gia, nhà đầu tư đều đánh giá Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài và cũng là thị trường M&A đáng chú ý khi dịch được kiểm soát.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng cần có nhiều quy định bảo vệ nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện cho các thương vụ M&A bùng nổ ở Việt Nam trong thời gian tới. Và để thành công trong M&A, bên bán là các doanh nghiệp trong nước cần định giá đúng với giá trị thực. Mặt khác, những vấn đề hậu M&A hiện nay khá phức tạp, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến pháp lý.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Nhật Bản   Trung Quốc   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất   thực phẩm   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...