27/10/2020 17:15  
Kỳ vọng trở thành khu vực dẫn dắt đầu tàu kinh tế TP.HCM với mũi nhọn là kinh tế tri thức, tài chính và đổi mới sáng tạo, thành phố Thủ Đức đang trở thành điểm nóng được chú ý.

Thành phố sáng tạo phía Đông

Theo đề án, thành phố Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập ba quận phía Đông TP.HCM gồm quận Thủ Đức, quận 2, quận 9; có diện tích hơn 211km2, dân số hơn 1 triệu người, bằng 10% diện tích và chiếm khoảng 10% dân số toàn TP.HCM. 

Với vị trí là cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, thành phố Thủ Đức có rất nhiều lợi thế vốn có về hạ tầng giao thông khi kết nối trực tiếp với các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây cũng được kết nối hệ thống hạ tầng đồng bộ như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn - Đồng Nai. Đồng thời, khu vực đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức.

Hiện khu vực phía Đông đã bước đầu hình thành những trung tâm mới về tài chính tại Thủ Thiêm (quận 2), khu nghiên cứu khoa học - khu công nghệ cao tại quận 9 và Thủ Đức... Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành với sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước và cũng đã tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu, ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao... Trong đó, khu công nghệ cao tại quận 9 và khu Đại học Quốc gia hiện thu hút nhiều tập đoàn, công ty công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung... 

Không chỉ vậy, Thủ Đức sẽ là thành phố sáng tạo khi được xây dựng với 8 trung tâm đổi mới sáng tạo, gồm khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, khu công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia TP.HCM, khu Tam Đa, Long Phước, khu Trường Thọ, Trung tâm kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ... Trong số này, khu Trường Thọ sẽ là đô thị tương lai. Nơi đây được các chuyên gia xem là địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một "phòng thí nghiệm đô thị" thu hút nhân tài, người thu nhập cao. Những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ sẽ diễn ra tại đây.

Khu đô thị tương lai này được Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã phác họa như "một khu đô thị mới với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải mới và thông tin mới, công nghệ xây dựng có khả năng chuyển đổi và một không gian công cộng chuyển đổi theo số liệu thực và độc đáo về nghệ thuật và giải trí".

Cực tăng trưởng mới 

Theo các chuyên gia, với lộ trình đang được triển khai, thành phố Thủ Đức được kỳ vọng trở thành động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM với ba cực phát triển. Trong đó, quận Thủ Đức sẽ trở thành trung tâm hành chính của thành phố Thủ Đức, quận 2 sẽ trở thành trung tâm tài chính và quận 9 là trung tâm sáng tạo, công nghệ và là khu vực phát triển năng động nhất. Riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, đồng thời là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Mô hình này sẽ biến nơi đây thành hạt nhân thúc đẩy kinh tế thành phố và vùng kinh tế phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện Thành phố đã có định hướng, kế hoạch cho từng khu vực trong thời gian tới. Cụ thể, Thành phố sẽ xây dựng công viên khoa học kết nối với khu công nghệ cao quận 9, xem xét thông qua việc thành lập Viện Phát triển công nghệ đổi mới tại quận 9, kết nối khu Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức) với nhiều trường đại học trên địa bàn và cả nước.

Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, xây dựng đề án khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đang tham mưu xây dựng thành phố Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại 1 và sẽ trình Quốc hội xem xét vào phiên họp tháng 12 tới.

Nhưng để thành phố Thủ Đức phát triển đúng mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới, trong 5 năm tới, Thành phố có nhiều phần việc cần thực hiện. "Thành phố đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng thành phố Thủ Đức. Những kế hoạch, hành động vụ thể đã được thực hiện nhằm đáp ứng tiến độ, yêu cầu đặt ra. Trong 5 năm tới, chú trọng đến tiến độ các công trình trọng điểm, giải quyết ùn tắc và khép kín hệ thống giao thông đô thị khi kết nối với các tỉnh phía Nam", ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Các chuyên gia cho rằng, thành phố Thủ Đức sẽ thành khu có hạ tầng hiện đại nhất của TP.HCM trong tương lai. Sự ra đời thành phố này sẽ là cơ sở thúc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào TP.HCM. Mới đây, TP.HCM đã đề xuất quy hoạch lại ba khu vực ở thành phố Thủ Đức là Linh Trung, Trường Thọ và Tam Đa để thu hút các dự án đầu tư. Khi đầu tư gia tăng sẽ kéo theo sự phát triển đô thị mạnh mẽ, thị trường bất động sản khu Đông Sài Gòn trong tương lai được dự báo sẽ sôi động hơn. Nhiều nhà đầu tư, người dân bắt đầu quan tâm đến bất động sản khu vực thành phố Thủ Đức sau nhiều động thái tích cực về việc thành lập thành phố này. 

Và chính những thông tin tích cực từ việc thành lập thành phố Thủ Đức đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

Điểm nóng bất động sản

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers International tại Việt Nam cho biết: "Việc UBND TP.HCM hợp nhất quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để tạo ra một khu đô thị vi mô đổi mới sáng tạo mới trong phạm vi TP.HCM sẽ là một bước tiến lớn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội".

Thực tế, trong nhiều năm qua, thị trường bất động sản khu Đông bao gồm quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 đã là "điểm nóng" phát triển của thị trường bất động sản TP.HCM. Đặc biệt, sau thông tin khu Đông được quy hoạch trở thành thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM với nhiều công trình hạ tầng mới như bến xe Miền Đông mới, các tuyến cầu đường kết nối 3 quận và liên vùng từ phía Đông TP.HCM đi các đô thị của Đồng Nai và Bình Dương, như đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Dĩ An, Thuận An... được triển khai, thị trường bất động sản nơi đây càng thu hút sự chú ý. 

Khi Xa lộ Hà Nội được mở rộng hơn 60m với 10 làn xe, có đường song hành hai bên, đặc biệt là có tuyến metro số 1 chạy trên cao, giá trị của những dự án bất động sản dọc tuyến metro số 1 như  Vinhomes Golden Rivers, Centennial Saigon (quận 1); Vinhomes Central Park, The Madison, Saigon Luxury, City Garden, Sunwah Pearl, Saigon Pearl, The Manor... (quận Bình Thạnh); Thảo Điền Pearl, Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú, Gateway Thảo Điền, Nassim Thảo Điền... (quận 2); TDH Phúc Thịnh Đức, First Home Premium, Lavita Garden, Saigon Gateway... (quận 9) "ăn theo" sẽ tăng giá chóng mặt. 

Nhiều dự án đã tăng giá như Masteri Thảo Điền ở mức 50-60 triệu đồng/m2, tăng hơn 50% so với giá thời điểm mở bán; Gateway Thảo Điền có giá giao dịch 65-75 triệu đồng/m2, tăng khoảng 14,5%; The Vista An Phú đang là 40-50 triệu đồng/m2, tăng khoảng 24% so với giá ban đầu... 

Còn đất mặt tiền đường song hành phía quận 2 giá đến gần 200 triệu đồng/m2. Dự án Metro Star nằm ngay mặt đường Xa lộ Hà Nội còn thiết kế cả một cầu đi bộ từ ga số 9 của tuyến metro số 1, băng qua xa lộ để đi vào chung cư. Khu vực quận 9, Thủ Đức trước đây được xem là ngoại thành thì nay được quy hoạch thành phố phía Đông, giá đất cũng đã gần trên 150 triệu đồng/m2.

Cũng theo Colliers International, tuyến metro còn tạo tiềm năng mở rộng cho thị trường bán lẻ. Nếu kế hoạch hợp nhất ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành một thành phố lớn phía Đông Sài Gòn được thông qua, sẽ giúp thúc đẩy việc đầu tư dự án trung tâm bán lẻ quy mô lớn tiêu biểu như Aeon Mall, Giga Mall, Central Mall West Saigon, Sense City East Saigon, và Vincom Mega mall Grand Park. TP.HCM và Hà Nội đang chứng kiến sự phát triển nhanh của hàng loạt điểm cửa hàng tiện lợi ở nhiều tuyến đường. Việc Aeon, Takashimaya, FamilyMart, MiniStop, 7-Eleven... đang ngày càng mở rộng cùng với việc hoàn thiện tuyến metro cũng tiếp sức cho sự phát triển của "one-stop shopping" tại Việt Nam.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


HCM   Hà Nội   Vincom   Việt Nam   chuyên gia   doanh nghiệp   logistics   quy hoạch   sáng tạo   sản xuất   Đồng Nai   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...