04/04/2021 18:46  

Dự án nêu trên có 5 gói thầu, bao gồm gói XL.01, XL.02, XL.03A, XL.03B và gói XL.04. Trong đó, gói thầu XL.03A (giá trị 595 tỉ đồng) thực hiện thi công cọc khoan nhồi và bệ các trụ nhịp chính dây văng, từ trụ T14 đến T17 (bao gồm điều tiết đảm bảo an toàn giao thông thủy trong thời gian thi công). Đây là gói thầu đặc biệt quan trọng của dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Ông Khuất Quang Huy, Giám đốc dự án cho biết, gói thầu được thực hiện trong khoảng thời gian là 16 tháng (từ ngày 1-9-2020 đến 31-12-2021), tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tức đã qua khoảng 7 tháng, tiến độ thực hiện gói thầu XL.03A mới được 5%, đã khá chậm so với tiến độ được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải hoàn thành là vào ngày 31-12-2021.

Ông Đào Việt Tiến, Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) - một trong những liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu XL.03A như nêu trên - cho rằng, cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu có quy mô lớn thứ hai, từ thiết kế, thi công đến quản lý và nguồn vốn..., 100% là do người Việt thực hiện, sau cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang và Bến Tre.

Theo ông Tiến, về kỹ thuật, cầu Mỹ Thuận 2, có quy mô tương đương cầu Mỹ Thuận hiện hữu nối Tiền Giang và Vĩnh Long, nhưng có mặt cắt ngang rộng hơn.

Ông Tiến giải thích, sở dĩ việc thực hiện gói thầu XL.03A của dự án cầu Mỹ Thuận 2 bị chậm là do thay đổi công nghệ thi công cọc khoan nhồi (để thực hiện trụ nhịp chính dây văng), từ công nghệ ban đầu là RCD (công nghệ được áp dụng ở cầu Vàm Cống nối Đồng Tháp và Cần Thơ) sang công nghệ khoan cần Kelly (cộng nghệ áp dụng ở cầu Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

“Khoan cọc nhồi bằng công nghệ RCD, tức khoan dùng nén khí và lấy bùn từ dưới đáy khoan lên bằng hơi, nén khí tuần hoàn đưa lên, trong khi khoan cần Kelly lấy đất lên bằng công nghệ gàu”, ông Tiến giải thích.

Theo ông Tiến, ban đầu liên danh nhà thầu chọn công nghệ thực hiện gói thầu XL.03A cho cầu Mỹ Thuận 2 là công nghệ RCD nhằm tận dụng toàn bộ máy móc, dây chuyền từ cầu Vàm Cống sang. “Tuy nhiên, trong quá trình khoan (thử nghiệm), do các yếu tố đặc biệt của địa chất lòng sông, cho nên, với công nghệ RCD, sẽ bất lợi, tiềm tàng rủi ro khi khoan thử nên không sử dụng công nghệ này”, ông cho biết và nói rằng, đơn vị này đã quay lại áp dụng công nghệ đã áp dụng ở cầu Cao Lãnh, tức sử dụng công nghệ khoan cần Kelly. “Tất nhiên, thay đổi công nghệ như vậy gây mất thời gian”, ông nói.

Sau khi thay đổi công nghệ, ông Tiến của CIENCO 1 cho biết, ngoài việc đàm phán, đề xuất các giải pháp để chủ động nguồn cung sắt thép phục vụ, thì đơn vị này cũng tăng cường dây chuyền thiết bị lên. “Dây chuyền mới chúng tôi đã khoan thử lại và thấy đạt yêu cầu về độ giữ vững thành vách”, ông nói.

“Để rút ngắn thời gian, chúng tôi đề nghị đóng toàn bộ ống vách (để thực hiện thi công cọc khoan nhồi trụ dây văng-PV) đúng sơ đồ cọc được bố trí của trụ, sau đó máy khoan được đặt lên trên để khoan”, ông Tiến cho biết và nói rằng, công nghệ RCD trước đó là khoan từng cọc.

Theo ông Tiến, với cách làm như trên, sẽ rút ngắn được thời gian, nhưng phải đầu tư nhiều hơn về thiết bị, vật tư. “Do tiến độ yêu cầu quá cấp bách nên phải đầu tư toàn bộ ống vách”, ông giải thích và cho rằng CIENCO 1 sẽ cho đẩy nhanh tiến độ khoan mỗi cọc chỉ còn 5 ngày so với kế hoạch trước đó là 7 ngày.

Ông Huy, Giám đốc dự án cho rằng, với mỗi trụ nhịp chính dây văng có 26 cọc, mỗi cọc có đường kính 2,5 mét, được khoan sâu vào lòng đất 110 mét. Khối lượng thép sử dụng cho mỗi cọc là 100 tấn và 600 m3 bê tông. Như vậy, với 26 cọc khoan của một trụ nhịp chính dây văng, sẽ sử dụng 2.600 tấn thép và 15.600 m3 bê tông.

Theo ông Huy, Bộ Giao thông Vận tải không đồng ý cho nhà thầu thi công gia hạn thời gian thực hiện, cho nên, ngoài việc tăng cường huy động máy móc và vật tư, thì đơn vị này cũng sẽ bố trí lực lượng thi công 3 ca/ngày, kể cả ngày lễ. “Với kế hoạch này, chúng tôi tin chắc chắn sẽ hoàn thành kịp tiến độ Bộ Giao thông Vận tải đề ra, tức hoàn thành trước 31-12-2021”, ông Huy nhấn mạnh.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào ngày 10-10-2018.

Theo đó, dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, có tổng mức đầu tư là 5.003 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 3.389,6 tỉ đồng.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có điểm đầu tại Km 101+126, kết nối vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và điểm cuối tại Km 107+740 kết nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao quốc lộ 80 thuộc địa phận TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Công trình có tổng chiều dài  6,61 km, trong đó, đường dẫn hai cầu dài 4,7 km (phía Tiền Giang khoảng 4,3 km và phía Vĩnh Long khoảng 0,4 km), được đầu tư với quy mô 4 làn xe ở giai đoạn trước mắt và sẽ được nâng lên 6 làn xe trong giai đoạn hoàn chỉnh.

Về phần cầu chính, có chiều dài khoảng 1.906 mét, được đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 6 làn xe (bề rộng mặt cầu xe chạy là 25 mét), có vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Nhịp chính dự án có kết cấu dây văng dài 650 mét; nhịp dẫn kết cấu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276 mét.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Bến Tre   Trung thu   Vĩnh Long  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...