06/02/2021 12:05  
Như tác giả Philip Norman, trong cuốn sách tiểu sử Shout! The Beatles - Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 (Hiền Trang dịch, Sống và NXB Dân Trí vừa ấn hành) khẳng định, thì việc thiếu vắng sự hiện hữu của The Beatles trong thế kỷ 20, giống như mất đi hơi thở - sức sống của cả thời đại.
Hiện hữu The Beatles là một hiện hữu có tính cách mạng. Ngày nay, chúng ta đã quen với những sân khấu kín khán giả hò hét, những “fan cuồng” chết ngất vì thần tượng và xem đó như một sự hiển nhiên. Nhưng ít ai biết rằng, tất cả những hiện tượng đó bùng nổ từ buổi bốn chàng trai người Anh: John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr bước lên sân khấu trình diễn các ca khúc bất hủ của mình.
Hiện hữu The Beatles là một hiện hữu dài lâu dù thời gian từ lúc thành lập đến lúc tan rã năm 1970 chỉ gói trong khoảng một thập niên nhưng đó là một thập niên làm nên cả một thời đại. Thậm chí cả sau khi các thành viên The Beatles chia tay rất lâu, tác động của ban nhạc đến văn hóa đại chúng vẫn còn rõ rệt đến tận hôm nay.
Đã có rất nhiều sách, phim tài liệu, phim điện ảnh về cuộc đời và âm nhạc của The Beatles, nhưng hiếm có tác phẩm nào bao quát và đồ sộ như quyển tiểu sử Philip Norman viết. Norman tham vọng hơn việc chỉ ghi chép biên niên sử của một nhóm nhạc, ông muốn viết về The Beatles trong dòng chảy lịch sử như thể để trả lời giả định ở trên, thế giới chúng ta ngày nay sẽ ra sao nếu The Beatles chưa từng tồn tại.
Quyển tiểu sử Shout! The Beatles - Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 đập tan ảo tưởng của những ai nghĩ rằng họ đã biết đầy đủ về nhóm nhạc huyền thoại này, Philip Norman buộc họ phải suy nghĩ lại. John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr không đường đột “mọc” lên như những quả dâu trên cánh đồng rồi trở thành huyền thoại. Hiện hữu The Beatles là một tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến bối cảnh lịch sử, xã hội có tác động không nhỏ đến việc lý giải sự xuất hiện cũng như thành công của ban nhạc.
Philip Norman chi li, cẩn trọng, cố giữ cho bức tranh The Beatles rõ nét và chi tiết. Quá nhiều nhân vật, quá nhiều sự kiện và quá nhiều mối quan hệ tác động tương hỗ, tác giả nhiều lúc khiến người đọc rối rắm. Ông phỏng vấn những người từng cộng tác với ban nhạc, thành viên ban nhạc và cả những người bạn thời thơ ấu của họ.
Bản thảo đầu tiên của Shout! vốn ngắn hơn nhưng được Philip Norman nhuận sắc, bổ sung trong nhiều năm, bởi ông nhận ra câu chuyện về The Beatles là câu chuyện chưa kết thúc. Sự tan rã tất yếu của ban nhạc chỉ đơn giản chấm dứt phần cơ học, The Beatles cùng âm nhạc của họ chưa hề tan rã mà vẫn hiện hữu trong đời sống kể cả bây giờ.
Sinh năm 1943, Philip Norman hít thở không khí thời đại The Beatles. Trong lớp thanh niên từng say mê âm nhạc của những huyền thoại nước Anh, có chàng thanh niên Norman đang đứng. Nhưng Norman không phải là người xây đền thiêng, dựng tượng ban nhạc, càng không ngông nghênh muốn làm kẻ đốt đền. Điều ông muốn là khắc họa The Beatles cùng thời đại ông sống một cách chân thật và chính xác.
The Beatles là trọng tâm trong vòng tròn, mọi thứ hội tụ lại trọng tâm đó và từ trọng tâm lan tỏa sức ảnh hưởng của mình. Shout! là tiếng hét vang loan báo về sự hiện hữu của một ban nhạc đã trở thành biểu tượng văn hoá.
Ví dụ bức ảnh chụp khoảnh khắc John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr bước qua vạch kẻ đường cho đến ngày nay vẫn xuất hiện trong các sản phẩm văn hóa, được bắt chước nhiều lần. Bất chấp những mối liên hệ lỏng lẻo, tiểu thuyết Rừng Na Uy của Haruki Murakami (đặt tên theo ca khúc Norwegian Wood) vẫn tuôn chảy chất nhựa sống từ những ca khúc của The Beatles.
Giờ đây, khi thiên niên kỷ thứ hai qua được 20 năm, ta còn gì để nói về một ban nhạc đã tan rã từ nửa thế kỷ trước? Có lẽ ta sẽ tìm câu trả lời trong lời của một huyền thoại khác. “Họ đã làm những thứ không ai làm. Hợp âm của họ thật táo bạo, rất táo bạo, và sự hòa âm của họ khiến mọi thứ trở nên có lý… Tôi biết rằng họ đã chỉ ra phương mà âm nhạc phải hướng tới”. Bob Dylan đã nói như thế về The Beatles. Còn hậu thế, như Taylor Swift đã ngợi ca “âm nhạc của họ khiến tôi cảm thấy rằng cuộc sống này có nhiều điều tốt đẹp”.
Và đó là thứ Philip Norman bằng tác phẩm tiểu sử Shout! The Beatles - Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 cho chúng ta thấy cách mà The Beatles hiện hữu. Sự hiện hữu không chỉ trong hoài niệm của ngày hôm qua, mà trong cả hôm nay và cho cả mai sau.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Swift   huyền thoại   hành vi   khán giả   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...