13/10/2020 14:20  
Tháng 4/2020, Việt Nam chỉ có 4 tỷ phú USD (theo thống kê của Forbes) thì hiện tại, số lượng đã tăng lên 6 người. Hai doanh nhân vừa trở lại “đường đua” là ông Trần Đình Long và ông Nguyễn Đăng Quang.

Hồi tháng 4 vừa qua, tạp chí Forbes của Mỹ - một đơn vị chuyên xếp hạng người giàu trên thế giới đã công bố danh sách “tỷ phú năm 2020”. Lúc đó, Việt Nam chỉ có 4 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco và ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank.

Tuy nhiên, sau nửa năm qua, tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi do kinh tế toàn cầu bị tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19. Với sự kiểm soát tốt sự lan rộng của dịch, Việt Nam trở thành “ngôi sao châu Á” về phát triển kinh tế. Danh sách tỷ phú USD của Việt Nam theo thống kê trên Forbes cũng có sự thay đổi tích cực.

Cụ thể, tại ngày 13/10, Việt Nam ghi nhận có tới 6 tỷ phú USD (giá trị tài sản ròng từ 1 tỷ USD). Đứng đầu là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup với tổng giá trị tài sản ròng đạt 5,9 tỷ USD.

Với khối tài sản này, ông Vượng là người giàu nhất Việt Nam và xếp thứ 385 trong danh sách những người giàu nhất trên thế giới.

Người giàu thứ hai Việt Nam và cũng là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách người giàu trên Forbes là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - nhà đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc hãng bay Vietjet Air. Bà Thảo đang sở hữu khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD, xếp hạng 1.286 thế giới.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (Thaco) và gia đình xếp thứ 3 trong danh sách người giàu của Việt Nam (theo Forbes) với khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD.

Với giá cổ phiếu diễn biến tích cực trong thời gian vừa qua, tài sản của các tỷ phú còn lại là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group và ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hoà Phát đều bật tăng mạnh.

Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh và ông Trần Đình Long có giá trị tài sản xấp xỉ nhau là 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang là 1,2 tỷ USD.

Thống kê giá trị tài sản của các tỷ phú USD được Forbes cập nhật theo thời gian thực và ảnh hưởng bởi tăng giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Trong phiên 12/10, cổ phiếu VIC của Vingroup đóng cửa với mức tăng nhẹ 0,3% lên 93.900 đồng. So với mức đáy cổ phiếu của VIC thiết lập cuối tháng 3 thì giá cổ phiếu VIC đã tăng 31,5%, thế nhưng, mức giá hiện tại vẫn chưa thể hồi phục về mức đỉnh cao thời đại là 122.500 đồng của thời điểm đầu tháng 11/2019.

Ông Phạm Nhật Vượng là nhà sáng lập và cũng là cổ đông lớn nhất tại Vingroup với sở hữu trực tiếp 876 triệu cổ phiếu VIC, đồng thời gián tiếp sở hữu trên 1 tỷ cổ phiếu này thông qua 92,88% cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.

Phiên hôm qua, cổ phiếu VJC của Vietjet Air cũng tăng 0,57% lên 105.000 đồng. Mặc dù dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của lĩnh vực hàng không bị tác động nặng nề, song giá cổ phiếu VJC trên thị trường không mất giá quá nhiều. Cổ phiếu VJC chỉ thực sự xuống đáy vào cuối tháng 7 song hiện tại đã hồi phục hơn 11% so với đáy.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của hãng bay này sở hữu 47,47 triệu cổ phiếu VJC và bên cạnh đó còn sở hữu thêm 154,74 triệu cổ phiếu VJC gián tiếp qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Cổ phiếu HPG của Hoà Phát tuy giảm nhẹ 0,88% trong phiên hôm qua xuống 28.250 đồng nhưng đã ghi nhận chuỗi giao dịch cực kỳ ấn tượng trong khoảng thời gian vừa qua.

So với đáy cổ phiếu xác lập cuối tháng 3 thì cổ phiếu HPG đã tăng hơn gấp đôi (tăng 113%) và cũng đã giúp tài sản ông Trần Đình Long tăng gấp đôi so với thời điểm đó. Ông Trần Đình Long hiện đang sở hữu 700 triệu cổ phiếu HPG.

Tương tự, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Ma San (Masan Group) đang trở thành “hiện tượng” trên thị trường chứng khoán. Bất chấp rung lắc của thị trường chung, MSN vẫn tăng một cách bền bỉ, chỉ trong 1 tuần đã tăng hơn 26% và tăng gần 30% so với đầu tháng 10. Từ mức giá thấp nhất xác lập hồi cuối tháng 2, đến nay, thị giá MSN đã tăng hơn 44%.

Tài sản của ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang chủ yếu nằm tại cổ phần nắm giữ gián tiếp tại Masan Group. Ông Hồ Hùng Anh sở hữu gián tiếp 173,7 triệu cổ phiếu MSN thông qua 47,56% cổ phần tại Công ty cổ phần Masan và 73,6 triệu cổ phiếu MSN qua 47,55% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương.

Ông Nguyễn Đăng Quang chỉ sở hữu trực tiếp 15 cổ phiếu MSN nhưng số cổ phần sở hữu gián tiếp qua 48,5% cổ phần tại Công ty cổ phần Masan là 177,1 triệu cổ phiếu MSN và qua 48,5% cổ phần Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương là trên 75 triệu cổ phiếu MSN.

 Mai Chi

Nguồn tin: dantri.com.vn


CEO   Covid   Covid-19   Tập đoàn   Tỷ phú   Việt Nam   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...