18/01/2021 7:15  
Bước qua một năm đầy biến động, thị trường ô tô Việt tiếp tục với những ẩn số trong cuộc cạnh tranh giữa xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước khi nhiều chính sách “ưu ái” xe trong nước được dỡ bỏ. Khi mồi nhử chính sách không còn, liệu người dùng có còn được xem là... thượng đế?

Phí trước bạ cứu sức mua

6 tháng đầu năm 2020, thị trường ô tô trong nước sụt giảm mạnh vì Covid-19. Trong khi xe nhập khẩu đứt nguồn cung thì xe trong nước cũng giảm số lượng cung ứng vì nguyên liệu, phụ tùng, vật tư thiếu hụt.

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 6 tháng đầu năm này chỉ có 107.183 xe được bán tới tay người dùng, giảm đến 30,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. 

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, nhờ chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước, thị trường lập tức hồi phục, thậm chí tăng trưởng tốt. Cụ thể, trong tháng 9/2020, các thành viên VAMA bán 27.252 xe, tăng 32%. Lượng xe bán ra tiếp tục tăng tháng 10 khi đạt 33,245 xe, tăng 22%, và tháng 11 đạt con số kỷ lục trong năm với 36.359 xe, tăng 9% so với tháng trước. Tổng cộng, trong 5 tháng cuối năm 2020, các thành viên VAMA bán được đến 141.585 xe, tăng 32,1% so với nửa đầu năm.

Theo tính toán, với lệ phí trước bạ từ 10-12% tùy từng địa phương, việc được giảm 50% đã giúp người mua xe tiết kiệm từ 40 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Đó là chưa kể nhiều hãng còn ưu đãi phần lệ phí trước bạ còn lại cho người mua. Vì vậy, mồi nhử chính sách của Chính phủ cùng với sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã tác động đến sức mua ô tô năm 2020. 

Trước áp lực giảm giá xe lắp ráp nội địa, các nhà nhập khẩu ô tô buộc phải giảm tương ứng để cạnh tranh. Trong thời gian 5 tháng cuối năm 2020, có mẫu xe nhập áp dụng giảm đến 100% phí trước bạ. Theo chia sẻ của đại diện Công ty Ford Việt Nam, trong tháng 12/2020, rất nhiều khách hàng mua xe để được hưởng chính sách này. Nếu như trong tháng 11/2020, Ford Việt Nam chỉ bán ra được 2.800 xe thì trong tháng 12, số lượng xe bán ra của hãng đã tăng lên con số 3.700 xe, gần bằng với mức tăng lịch sử trong năm 2019. 

Đánh giá về thị trường, đại diện VAMA cho rằng, bên cạnh việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 thì chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cùng hàng loạt chương trình khuyến mãi đã kích cầu tiêu dùng trong năm qua.

Các hãng tiếp tục kích cầu?

Từ ngày 1/1/2021, các hãng xe bắt đầu tính toán cho thời kỳ hậu chấm dứt chính sách giảm phí trước bạ mà Bộ Tài chính công bố cuối năm 2020. Họ đã nhìn thấy thị trường bắt đầu gặp khó khăn, mất mồi nhử chính sách đồng nghĩa sức mua giảm, từ đó tìm cách “hâm nóng” bằng giải pháp tiếp tục áp dụng chính sách “giảm 50% phí trước bạ” cho khách hàng trong những tháng đầu năm 2021. Mở màn cho chiến dịch này là hãng xe sang Mercedes-Benz đến từ Đức. Theo công bố của hãng ô tô Đức, bắt đầu từ ngày 1/1/2021 đến ngày 28/2/2021, hãng sẽ tiếp tục hỗ trợ 50% phí trước bạ cho khách hàng. Chương trình áp dụng cho các dòng xe sedan - biểu tượng của hãng như C-Class (C180, C200 Exclusive, C300 AMG), E-Class (E180, E200 Exclusive, E300 AMG), S-Class (S450, S450 Luxury). 

Theo đại diện của Mercedes-Benz, chương trình được triển khai giúp khách hàng có thêm cơ hội tốt để mua xe trước thềm năm mới, phục vụ cho hành trình du Xuân. Tuy nhiên, để nhận được ưu đãi này, khách hàng phải thanh toán đủ và nhận xe trong thời gian nói trên và không áp dụng kèm thêm bất cứ ưu đãi khác.

Nếu thị trường trầm lắng, để bán được hàng, chắc chắn các hãng phải chấp nhận giảm lãi để tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán. Hiện tại, VinFast đang tiếp tục gia hạn ưu đãi “Trước bạ 0 đồng” cho khách hàng mua xe Fadil đặt cọc trong năm 2020 nhưng nhận xe trong năm 2021. Cùng với đó, hãng cũng áp dụng chính sách “đổi cũ lấy mới” các mẫu xe Lux SA2.0, Lux A2.0 và Fadil. Hãng này còn áp dụng chính sách tặng 50 triệu, 30 triệu và 10 triệu đồng cho khách hàng mua các dòng xe tương ứng, góp phần thúc đẩy doanh số bán xe mới của doanh nghiệp. Chính sách này xem ra hút khách hàng vì trong hai tháng qua, nhờ triển khai việc giảm 100% phí trước bạ cộng với chính sách ưu đãi khách hàng mà doanh số bán của hãng đạt mức kỷ lục với hơn 4.000 xe bán ra trong tháng 11/2020. Số lượng này cũng đưa thương hiệu xe nội địa 100% này cán mốc hơn 30.000 bán ra chỉ chưa đầy 18 tháng chính thức gia nhập thị trường ô tô.

Khó có xe giá rẻ

Dù nhiều chính sách kích cầu được đưa ra nhưng theo các chuyên gia, người tiêu dùng trong nước khó mua được xe giá rẻ. Bởi theo đại diện của VAMA, hiện có đến 80% linh kiện cho sản xuất ô tô phải nhập khẩu dẫn đến chi phí trong nước tăng cao hơn các nước trong khu vực từ 10-20% do sản lượng thấp. Cũng vì vậy mà giá xe lắp ráp của Việt Nam luôn cao hơn các nước.

Để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, qua đó nâng sức cạnh tranh cho xe nội địa, tháng 7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công các sản phẩm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô. Nhưng để người tiêu dùng hưởng được lợi ích từ chính sách này thì cần thời gian dài trong tương lai. Còn  trên thực tế, một số hãng xe vẫn chưa thể giảm giá bán mà thậm chí còn điều chỉnh theo hướng tăng. Cụ thể, từ ngày 1/1/2021, hãng xe Đức Mercedes-Benz điều chỉnh tăng giá bán từ 10-121 triệu đồng cho một số dòng xe. Trước đó, các mẫu xe Nhật Mazda cũng đã điều chỉnh tăng từ 10-100 triệu đồng.

Năm 2021, sau 3 năm thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN giảm xuống 0%, đến nay thuế nhập khẩu xe từ châu Âu cũng được điều chỉnh theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do EVFTA. Theo đó, bình quân mỗi năm, thuế nhập khẩu xe từ khu vực này về Việt Nam sẽ giảm 7%. Như vậy, với mức thuế hiện tại là 70%, trong năm nay thuế xuất nhập khẩu xe từ EU về Việt Nam sẽ còn 63%. Tuy nhiên, ngoài thuế nhập khẩu, xe nhập còn chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên nhiều khả năng xe nhập từ châu Âu về Việt Nam trong năm nay sẽ chưa nhiều và giá xe rẻ lại càng không có.

Và như vậy, cơ hội mua được xe giá rẻ của người tiêu dùng vẫn còn xa tít tắp. Bởi thực tế đã chứng minh với các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam đã xuống 0% nhưng giá xe vẫn không giảm. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Hiệp hội   Mazda   Nghị định   Tài chính   VinFast   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   hành vi   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...