29/07/2021 0:40  
Sau 3 đợt bùng phát dịch bệnh kéo dài, hoạt động cho thuê văn phòng chưa kịp hồi phục. Làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến bất ngờ, khiến thị trường này một lần nữa phải đối diện với những thách thức chưa từng có.
Giá thuê tiếp tục giảm
Số liệu thống kê từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, giá thuê văn phòng bình quân trong quý I/2021 giảm khoảng 5% so với quý IV/2020. Tại Hà Nội giá cho thuê văn phòng hạng B khoảng 250.000 – 350.000 đồng/m2/tháng; hạng A từ 350.000 – 750.000/m2/tháng. TP Hồ Chí Minh giá cho thuê văn phòng hạng B 350.000 – 550.000 đồng/m2/tháng; hạng A 550.000 – 950.000 đồng/m2/tháng... Nhưng từ quý II/2021, đặc biệt là từ tháng 5 đến nay khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên diện rộng, thị trường văn phòng cho thuê tiếp tục ghi nhận có sự giảm sâu hơn về giá thuê.

Ông Nguyễn Trọng Đại - CEO Công ty Cổ phần Serepok (TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, doanh nghiệp phải áp dụng nhiều phương pháp hỗ trợ khách hàng như: thanh toán chậm, giảm giá thuê… dù vậy diện tích văn phòng bỏ trống vẫn gia tăng vì nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục cầm cự, buộc phải trả lại mặt bằng. Cá biệt, một số khách hàng còn quyết định hủy hợp đồng thuê.

“Trong tình cảnh này, tìm khách thuê khác là điều bất khả thi, mà buộc phải chờ khi dịch lắng xuống. Chúng tôi đang thực hiện giảm từ 10 - 20% tiền thuê văn phòng. Trong khi mặt bằng là do chúng tôi đấu thầu lại từ chủ đầu tư, được hỗ trợ giảm giá, nhưng thấp hơn nhiều so với mức mà công ty giảm trực tiếp cho khách hàng” – ông Nguyễn Trọng Đại chia sẻ.

Để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát lớn nhất từ trước đến nay, ông Trần Tuấn Minh, chủ toà nhà cho thuê văn phòng trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, DN đang "tự cứu mình" bằng nhiều cách. Tuy nhiên, dễ nhất là đàm phán với khách thuê, đưa ra giá thuê mới rẻ hơn, nhưng cũng đang gặp khó khăn vì nhiều khách thuê nhằm giảm chi phí thuê, muốn chuyển đến tòa nhà giá thuê thấp hơn ở xa trung tâm. “Tôi đã giảm giá thuê đến mức thấp nhất có thể nhưng một số đối tác vẫn muốn huỷ hợp đồng dù phải chịu phạt. Lý do họ đưa ra là thu không đủ bù chi, kiệt quệ tài chính” - ông Trần Tuấn Minh chia sẻ.
Phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm?
Từ đầu năm đến nay, thị trường văn phòng cho thuê tiếp tục được bổ sung thêm nhiều dự án mới, ở Hà Nội có: Dự án Capital Place cung cấp tới 93.000m2 sàn văn phòng; Thaiholdings Tower bổ sung 23.000m2 sàn; Leadvisors Tower với 18.000 m2 sàn. TP Hồ Chí Minh nguồn cung mới hơn 42.300m2 đều nằm ngoài trung tâm, trong đó 55% là ở các quận ngoại thành, Gò Vấp và Thủ Đức. Dự kiến đến hết năm 2022, hai thị trường này sẽ đón nhận thêm khoảng trên 540.000m2 sàn văn phòng cho thuê gia nhập thị trường.
Đáng chú ý, những văn phòng có diện tích lớn (từ 1.000m2 trở lên – PV) rất khó tìm được khách thuê. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư đã cho các đơn vị thuê lại để vận hành theo mô hình Coworking Space (văn phòng chia sẻ- không gian làm việc chung), chia nhỏ diện tích thuê thành không gian tách biệt, phục vụ nhu cầu thuê văn phòng của nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, theo Giám đốc Điều hành Coworking For Rent Nguyễn Quốc Anh, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay nhu cầu thuê văn phòng Coworking Space để làm việc cũng giảm sút nhiều.
“Đối tượng thuê Coworking Space là những doanh nghiệp nhỏ, ký hợp đồng thuê ngắn hạn. Vì vậy khi phải giãn cách xã hội, người thuê dễ dàng hủy bỏ hợp đồng và với việc số lượng nhân sự ít, đa phần lựa chọn ngồi làm việc ở nhà thay vì đến tập trung ở địa điểm đông người, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn” – ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia Võ Thị Khánh Trang (Công ty Savills Việt Nam) cho rằng, những khó khăn của thị trường cho thuê chỉ mang tính tạm thời, trong dài hạn sẽ phục hồi mạnh mẽ. bởi do: Doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển; nhu cầu về không gian làm việc trẻ trung, hiện đại, tính kết nối cao. Đồng thời, Covid-19 cũng là yếu tố khiến một số doanh nghiệp cân nhắc từ bỏ thuê văn phòng truyền thống dài hạn sang thuê văn phòng chia sẻ, để tiết kiệm chi phí cũng như linh động thời gian thuê.
“Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục thu hút nguồn FDI và nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố có vốn FDI cao nhất, dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tăng sau đại dịch, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết trong thời gian gần đây. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp giải cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thông qua chính sách hỗ trợ tài chính. Thị trường văn phòng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng đại dịch Covid-19  vào  cuối năm 2021 cho đến đầu năm 2022” – bà Võ Thị Khánh Trang nhận định.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


CEO   Chính phủ   Covid   Covid-19   Hiệp hội   Hà Nội   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...