18/10/2020 16:20  
Qua những câu chuyện học sinh bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón khi đến trường, em Nguyễn Tiến An đã nảy ra ý định nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị kiểm soát số lượng người trên xe.

Có duyên với giải thưởng

Là con đầu, Nguyễn Tiến An (HS lớp 9A3, Trường THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, Kon Tum) thường xuyên chăm sóc em và phụ giúp bố mẹ làm công việc trong nhà.

Những lúc rảnh rỗi, An thường tìm tòi, chế tạo các thiết bị có thể ứng dụng trong cuộc sống.

“Em thích khám phá, nghiên cứu để làm các thiết bị điện tử. Thời gian rảnh, em xem cách lắp ráp các mô hình máy móc, điện tử trên mạng, sau đó tìm nguyên vật liệu từ các vật dụng gia đình bỏ đi. Nguyên liệu nào thiếu, em dùng tiền tiết kiệm để nhờ bố mẹ mua giúp”, Tiến An chia sẻ.

Thiết bị điện tử đầu tiên em làm vào năm học lớp 7 là chiếc “máy lau nhà”. An cho hay: Do thường xuyên phụ giúp bố mẹ công việc nhà nên em nghĩ ra ý tưởng làm máy quét, lau nhà tự động để đỡ tốn thời gian và bớt đi sự vất vả.

Theo đó, em tận dụng giẻ lau đã qua sử dụng cùng mô tơ 3V trong xe ô tô đồ chơi cũ. Tuy nhiên, do mô tơ yếu khiến máy hoạt động không được thuận lợi. Sau đó, em nhờ bố mẹ mua giúp mô tơ có công suất lớn hơn ở tiệm sửa xe máy nên thiết bị hoạt động trơn tru và mang lại hiệu quả cao.

“Em làm máy quét và lau nhà chỉ trong vòng 1 tuần. May mắn thiết bị của em được giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Phòng GD&ĐT huyện Đắk Tô tổ chức. Đây cũng là động lực giúp em sáng tạo nên nhiều thiết bị khác, hữu ích trong cuộc sống hàng ngày”, An tâm sự.

Không chỉ đoạt giải với sản phẩm “Máy lau nhà”, An cũng xuất sắc đạt giải Ba trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp huyện đối với thiết bị “Máy cắt cành trên cao” và giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng tỉnh Kon Tum với “Máy cấy lúa tự động”.

Thiết bị kiểm soát trên xe

“Qua thông tin trên các phương tiện truyền thông, em được biết có trường hợp HS bị bỏ quên trên xe, gây hậu quả đáng tiếc. Điều đó thôi thúc em làm một thiết bị để kiểm soát, không để tình trạng tương tự xảy ra”, An lý giải về sáng chế gần đây của mình.

Sau khi lên ý tưởng và tìm hiểu làm thiết bị kiểm soát trên xe, An nhờ anh họ hỗ trợ mua thiết bị, vi mạch để lắp ráp. Sau 2 tháng miệt mài nghiên cứu với hàng chục lần thử nghiệm, An chế tạo thành công thiết bị kiểm soát HS trên xe.

“Em để dành tiền lì xì, ăn sáng để mua các nguyên vật liệu làm thiết bị. Bố mẹ cũng thường xuyên động viên và hỗ trợ em. Khi bắt tay vào làm, em nối nhầm dây nhiều lần khiến thiết bị không thể hoạt động được. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu và nhờ sự hỗ trợ, động viên của gia đình, thầy cô nên thiết bị của em cũng hoàn thành, hoạt động khá tốt”, An cho biết.

Theo An, thiết bị kiểm soát có thể đếm số lượng HS trên xe thông qua việc quét thẻ ID. Mỗi HS sẽ có một mã ID. Khi xe đến trường, tài xế chỉ cần quan sát số liệu đếm người được hiển thị trên thiết bị để biết toàn bộ HS đã xuống xe hết hay chưa. 

Cấu tạo của thiết bị gồm mạch điều khiển board Arduino Uno; Module Buzzer; bộ cấp nguồn và màn hình hiển thị (LCD). An cho biết đã sử dụng phần mềm SolidWork để lập trình cho thiết bị, sử dụng tấm gỗ ép cắt bằng máy CNC (Computer Numerical Control) tạo thành thẻ ghi ID cho mỗi HS.

Về quy trình vận hành, theo An, mỗi lần tắt mở tương ứng với việc cập nhật một chuyến xe mới. Sau đó, HS lên xe tiến hành quẹt thẻ, bộ đếm sẽ tăng tương ứng với số người trên xe. Khi đã đón đủ, tài xế quẹt thẻ để chốt số lượng.

Tương tự, khi HS xuống xe cũng quẹt thẻ và bộ đếm sẽ giảm tương ứng. Tài xế kiểm tra nếu bộ đếm đã trả về số “0” thì khởi động lại máy chuẩn bị cho chuyến xe mới.

Ngược lại, tài xế phải kiểm tra lại xe và tiến hành bấm nút xem HS nào chưa quét thẻ và yêu cầu quét lại hoặc báo thông tin về nhà trường. Đồng thời, khi một HS lên xe và quét thẻ, nếu đúng còi Buzzer sẽ kêu và hiện thông tin, nếu sai còi sẽ không kêu và hiện thông tin báo sai.

“Em hy vọng thiết bị này sẽ giúp ích cho các bạn HS trong quá trình đi xe ô tô đưa đón. Em cũng mong thiết bị có thể ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, em sẽ nghiên cứu cải tiến thiết bị để tăng tính hiệu quả hơn”, Tiến An tâm sự.

Thầy Ngô Đình Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết: Em Nguyễn Tiến An là HS rất đam mê sáng tạo, ham học hỏi, tìm tòi, khám phá. Trong thời gian qua, nhà trường luôn đồng hành, hỗ trợ HS tham gia Hội thi Tin học, Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp huyện và tỉnh.

Qua đó, nhiều HS đã đoạt giải cao trong các cuộc thi. Trong năm học 2018 - 2019, HS của trường xuất sắc đoạt 1 giải Nhất, 2 giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh. Năm học 2019 - 2020, một HS của trường đoạt giải Ba Hội thi Tin học trẻ tỉnh Kon Tum.

Theo Dung Nguyễn

Giáo dục & Thời đại

Nguồn tin: dantri.com.vn


Giáo dục   lập trình   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...