30/10/2020 18:05  
Chiều 30.10, trong khuôn khổ hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành nhiều thời gian chỉ ra cơ hội của Việt Nam trong phát triển chuyển đổi số, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần phải khắc phục.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thông tin, bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới là kỷ nguyên số, với những thay đổi, chuyển biến sâu rộng chưa từng có, diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống và ở mọi khu vực trên thế giới.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia. Quá trình số hóa và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, với kinh tế số, nền sản xuất thông minh, xã hội số, các hình thái mới về tiêu dùng, lối sống.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận với lợi thế của nước đi sau, đi thẳng vào những lĩnh vực mới của nền kinh tế số, Việt Nam có cơ hội tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao, bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp sang tăng trưởng dựa vào tri thức.
Hồi tháng 6.2020, Thủ tướng ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Dù vậy, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp; thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi số quốc gia còn chậm và thiếu chủ động, kinh tế số có quy mô nhỏ.

Muốn chuyển đổi số, phải thay đổi nhận thức

Xác định vấn đề then chốt của chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, Phó thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, đề xuất giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi nhận thức, tư duy của toàn xã hội về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Bên cạnh đó, thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể; khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh.
Về nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số, Phó thủ tướng thông tin theo dự báo, để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, Việt Nam còn thiếu ít nhất 400.000 nhân lực công nghệ thông tin trong khi các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
“Các trí thức kiều bào cùng chung tay đưa ra giải pháp và trực tiếp đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, Phó thủ tướng nói.
Cuối cùng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị đóng góp ý kiến để TP.HCM đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới dựa trên tri thức, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   HCM   Việt Nam   chính sách   dịch vụ   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...