20/02/2021 10:05  
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và biến động xuyên suốt chiều dài lịch sử, Myanmar giờ đây là một thành viên của cộng đồng quốc tế, không còn bị cô lập nhưng chưa thể hoàn toàn thoát khỏi nghi ngại vì những vấn đề nội tại.
Từng có nhiều đồn đoán về chính sách đối ngoại của Myanmar sẽ chuyển từ “thân Trung” sang “thân Tây” khi chính phủ dân cử lãnh đạo. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy.

Từ phao cứu sinh đến cân bằng mềm

Năm 1988, chính quyền quân sự Myanmar ngả hoàn toàn về Trung Quốc và trở thành một đồng minh thân cận của Bắc Kinh. Sự phụ thuộc của Myanmar với Trung Quốc trong hơn hai thập niên được đánh giá gần như một chiều bởi Myanmar cần chiếc phao cứu sinh về cả chính trị và kinh tế ở Trung Quốc trước sức ép cấm vận từ phương Tây.
Bước sang thập niên 2010, khi bắt đầu nền dân chủ non trẻ của mình, Myanmar dưới thời Tổng thống Thein Sein đã tiến hành cải cách chính trị, kinh tế để có thêm nhiều cơ hội hơn về đối ngoại nhằm phát triển đất nước. Myanmar đã từng bước điều chỉnh chính sách để giảm bớt sự lệ thuộc Trung Quốc, tìm kiếm mối quan hệ với các đối tác lớn khác như Mỹ, EU, Nhật Bản và Ấn Độ, đồng thời tham gia tích cực và coi trọng hơn vai trò của ASEAN.
Cột mốc quan trọng nhất trong sự thay đổi của Myanmar chính là cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015 với chiến thắng áp đảo dành cho đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
Mỹ và phương Tây hoan nghênh chính quyền dân cử, đặc biệt là vai trò của bà Suu Kyi - vốn được xem là biểu tượng đấu tranh dân chủ kiên cường ở Myanmar, trong khi phản ứng của giới lãnh đạo Trung Quốc thoạt đầu là thận trọng.
Nhiều nhà quan sát khi đó tin rằng bà Suu Kyi và chính quyền mới ở Myanmar sẽ ngả về Mỹ thay vì Trung Quốc bởi có nhiều chỉ dấu thuận lợi, đặc biệt là khi chính quyền mới ở Mỹ lúc đó của Tổng thống Barack Obama “xoay trục” về châu Á. Thêm vào đó, có sự ủng hộ của Mỹ, Myanmar sẽ tiếp cận các đối tác khác dễ dàng hơn.

Thế khó của Myanmar khi quan hệ với Trung Quốc

Tuy nhiên, sự lựa chọn của bà Suu Kyi và chính quyền Myanmar không đơn thuần như thế mà chọn cách tiếp cận cân bằng mềm. Myanmar không thể mạo hiểm xa hẳn Trung Quốc hay “thân Tây” hoàn toàn để làm Trung Quốc mất lòng, bởi giữa hai nước này là sự chồng chéo phức tạp về lợi ích, an ninh và chiến lược.
Thời kỳ ngả hẳn về Trung Quốc đã định hình một Myanmar phụ thuộc rất nhiều về xuất nhập khẩu, viện trợ và đầu tư. Quá trình đó mang lại cho các nhà đầu tư Trung Quốc lợi thế cạnh tranh dù gây ra nhiều hệ lụy và thiệt thòi cho Myanmar và người dân địa phương. Sự phản đối Trung Quốc trong lòng xã hội Myanmar cũng từ đó mà ra và đây cũng là một động lực cho sự điều chỉnh chính sách của Myanmar kể từ thời Tổng thống Thein Sein, điển hình là việc đình chỉ dự án đập Myitstone và xem xét lại các dự án đầu tư khác của Trung Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn giữ vai trò là đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Myanmar.
Nhưng thế khó của Myanmar không chỉ ở đó, quan trọng hơn là Myanmar cần Trung Quốc cho tiến trình hòa bình và hòa giải dân tộc “khó nhằn” ở nước này. Từ lâu khu vực biên giới giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã là điểm nóng an ninh của Myanmar. Quan hệ được cho là phức tạp giữa Trung Quốc với nhiều nhóm vũ trang sắc tộc ở Myanmar khiến Bắc Kinh trở thành nhân tố bên ngoài tác động lớn nhất tới những nỗ lực hàn gắn mà chính quyền dân cử Myanmar theo đuổi.
Bên cạnh các quan hệ về lịch sử và kinh tế biên giới, còn có đồn đoán rằng Trung Quốc bí mật hậu thuẫn cho một số nhóm vũ trang sắc tộc, thậm chí cung cấp cả vũ khí cho các nhóm này.
Trung Quốc vốn có quan hệ thân thiết với quân đội Myanmar, nhưng vấn đề biên giới lại tạo ra sự phức tạp và khó xác định. Hồi năm 2015, giao tranh ở Kokang giữa quân đội Myanmar và nhóm vũ trang sắc tộc tại biên giới giáp Vân Nam dẫn đến sự cố thương vong cho phía Trung Quốc, khiến Bắc Kinh không hài lòng. Thời gian sau đó, khi chính phủ Myanmar thúc đẩy lệnh ngừng bắn toàn quốc, vẫn có những nhóm vũ trang sắc tộc không tham gia và nhân tố Trung Quốc lại được gọi tên dù Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.

Trung Quốc cũng cần Myanmar

Về phía Trung Quốc, không phải ngẫu nhiên mà nước này duy trì và không ngừng nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại Myanmar suốt thời gian dài. Trung Quốc nhìn thấy nhiều lợi ích ở quốc gia Đông Nam Á, xuất phát từ vị trí địa chính trị của Myanmar tại khu vực.
Myanmar là một mắt xích trong Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc. Dự án chính tại Myanmar là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc chạy từ Vân Nam qua Muse, Mandalay đến Kyaukpyu ở bang Rakhine và cảng nước sâu Kyaukpyu nằm trên vịnh Bengal.
Trong đó, tuyến đường sắt nói trên được xây dựng dọc theo hai đường ống dẫn dầu và khí đã hoàn thành, nối thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) với Kyaukpyu của Myanmar. Dự án này đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đường sắt xuyên Á của Trung Quốc, giúp Trung Quốc tiến ra Ấn Độ Dương.
Dự án được xem là quan trọng nhất của Trung Quốc ở Myanmar chính là cảng nước sâu Kyaukpyu. Theo giới quan sát, cảng này có vị trí địa chiến lược khi tiếp giáp thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, nằm trên vịnh Bengal ở Ấn Độ Dương. Cùng với ba dự án đường ống và đường sắt trên, cảng này sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương và các lục địa ở xa hơn, qua đó giảm bớt sự phụ thuộc qua con đường truyền thống ở eo biển Malacca. Nếu hoàn thành, Myanmar cũng có rất nhiều lợi ích nhưng những động thái của Myanmar thời gian qua như giảm quy mô cho thấy họ cũng rất thận trọng với các dự án này của Trung Quốc.
Lợi ích kinh tế là rõ ràng nhưng lợi ích về chiến lược cũng to lớn với Trung Quốc. Các dự án tại Myanmar còn giúp Trung Quốc củng cố và tăng cường ảnh hưởng cả về chính trị và an ninh tại khu vực. Chính vì thế, phía Trung Quốc vẫn sẽ thúc đẩy quan hệ với Myanmar dù quân đội hay lực lượng dân cử nắm quyền. Và phản ứng của Trung Quốc với chính biến vừa xảy ra ở Myanmar cũng là minh chứng cho điều đó.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Barack Obama   Kinh tế   Nhật Bản   Trung Quốc   Tổng thống   chiến lược   chính sách   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...