11/04/2021 9:06  
Thời Lê sơ, nhà nước xem những kẻ thực hành mê tín dị đoan, những ông đồng, bà cốt, thầy bói… là những kẻ gây hại cho xã hội, nên luật pháp được đề ra nghiêm phép trị. Trong thực tế, việc phòng chống, xử lý mê tín dị đoan của nhà Lê sơ đã được thực thi, sử sách còn chép lại.

Quy định nghiêm trị mê tín dị đoan trong Quốc triều hình luật

Các quy định, điều luật liên quan đến phòng chống, xử phạt tội mê tín dị đoan nằm rải rác trong Quốc triều hình luật. Nếu để ý, sẽ thấy việc quy định xử phạt liên quan đến tội này có nhiều cấp độ khác nhau căn cứ vào tính chất, tác hại cụ thể. Cao nhất có thể xử tội chết, thấp nhất là biếm tư (hạ tư hay hạ trật - giáng chức).
Nếu xem qua thập ác (mười tội ác) bất dung tha trong Quốc triều hình luật, sẽ thấy phần liên đới tới việc mê tín dị đoan. Đó là tội “bất đạo”, trong đó có việc “bỏ thuốc độc bùa mê” để hại người. Có thể xem đó là cấp độ cao nhất của việc thực hành mê tín dị đoan bị khép vào tội tử, thậm chí là không được ân xá. Xử tội chết liên quan đến mê tín dị đoan còn thấy ở lĩnh vực quân đội. Điều 10 Chương Quân chính quy định rõ: “Khi hành quân, mượn việc kẻ nào giả làm đồng cốt bói toán để nói càn việc lành dữ, tốt xấu, khiến rối loạn mê hoặc lòng quân thì phải chém”.
Thậm chí, việc tuyên truyền mê tín cũng bị khép tội chết, Chương Đạo tặc có Điều 3 quy định: “Những kẻ làm ra yêu thư, yêu ngôn thì xử tội giảo (nghĩa là làm ra những cuốn sách hay câu nói về điềm lành điềm gở hoặc truyện quỷ thần về sự cát hung không hợp lẽ phải)”. Kẻ tuyên truyền, xúi giục cũng bị tội tương tự. Với những kẻ vì thù ghét mà “dùng thuật tà ma hay làm bùa chú để định giết người đều xử theo tội mưu sát mà giảm nhẹ hai bậc” (Điều 13, Chương Đạo tặc).
Thấp hơn tội chết, luật quy định những kẻ làm điều càn bậy liên quan đến thuật số mà dính dáng đến phản loạn, sẽ bị tội lưu, đày châu xa (Điều 4, Chương Đạo tặc). Đối với việc tàng trữ những sách bị nhà nước cấm liên quan đến lịch, sấm, chiêm tinh, thái ất, lôi công… đã có Điều 22 của Chương Vi chế (làm trái pháp luật) quy định xử phạt. Tội này bị tội đày đi châu ngoài.
Với những kẻ giả xưng làm bồ tát, bà đồng thì bị xử tội đồ, bắt giam (Điều 49, Chương Hộ hôn. Quy định này theo Thiên Nam dư hạ tập, có vào năm Ất Dậu (1465) đời vua Lê Thánh Tông). Thiên Nam dư hạ tập còn ghi những kẻ “làm rối loạn, mê hoặc tín ngưỡng của dân thì xử tội đồ”. Tương tự, Điều 33 Chương Quân chính phạt tội viên quan nào “giả thác lễ cầu phúc, để lừa tiền của quân dân”; mượn việc Phật để lấy tiền thì bị tội đồ làm khao binh (Điều 6, Chương Hộ hôn (Hôn nhân gia đình).
Nhẹ hơn trong xử phạt, luật quy định kẻ bịa ra điềm lành, điềm tốt thì bị xử biếm 1 tư (Điều 538, Chương Trá ngụy (gian dối)). Chương Vệ cấm (canh giữ bảo vệ) có Điều 20 quy định biếm 1 tư đối với hành động đánh trống la hò để đuổi tà mà ở kinh thành vào ban đêm…

Xử kịch khung với tội mê tín dị đoan

Quy định trong Quốc triều hình luật là thế, còn thực tế thực hiện ra sao? Thời Lê sơ, kẻ làm thuật số mê hoặc lòng người bị người đời khinh ghét. Ghi nhận có chuyện Môn hạ sảnh kiêm tri Tây đạo Bùi Thì Hanh “là đứa tiểu nhân gian tà về đời Thái Tổ, dám nói càn chiết tự hai chữ “Thuận Thiên” đã bị bãi truất. Đến triều Thái Tông lại cậy tà thuật, ngầm sai giết vượn lấy máu, để trấn yểm tai biến của trời. Đến khi bệ hạ [Lê Nhân Tông] đang lúc có tang, bỗng gặp thiên tai, Thì Hanh bịa cớ âm dương xung khắc, nói láo là do có quốc tang nên mới sinh ra, tâu xin rút ngắn ngày để tang để trừ bỏ tai biến của trời” (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Tên này năm Mậu Thìn (1448) bị bãi chức, quay về làm Thái sử lệnh vì tội phán bừa ngày giờ có nguyệt thực nhưng không trúng.
Trường hợp có kẻ làm bói toán, bùa chú bị xử chém có nhiều ở thời Lê sơ. Ghi chép trong Toàn thư cho biết Quốc tử giám sinh Lê Tử Dục thân là giám sinh nhưng “không chịu học tập, chỉ chuyên nghề bói toán, bùa chú, dụ dỗ vụng trộm vợ cả vợ lẽ người khác, lại lấy trộm đồ đạc của cả mười tám phòng”. Với những tội trạng tích tụ, hắn bị án chém. Việc này xảy ra đầu năm Ất Mão (1435).
Phép nước đối với tội mê tín dị đoan có thể nói là bất dung tha ngay cả đối với người phạm tội là công thần. Điều này thấy rõ ở trường hợp Đại tư đồ Lê Ngân phải tội chết năm Đinh Tỵ (1437). Tội ấy liên quan đến mê tín dị đoan, nhưng cụ thể ra sao?
Số là theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lê Ngân trong nhà có làm bàn thờ Phật Quan Âm, bị người tố cáo là dùng “để cầu khẩn cho con gái là Huệ phi được vua yêu chiều”. Việc bị phát giác. Lê Ngân đành phải biện bạch với vua Thái Tông (cũng là con rể), mà Đại Việt thông sử cho hay là vì tuổi già nhiều bệnh, nghe lời thầy bói phán nhà Lê Ngân vốn là miếu thờ Phật trước đây, vì làm ô uế nên sinh yêu quái, phải sửa lại để khỏi tai họa.
Thế rồi, họa từ lời bói toán đâu chưa thấy, nhưng họa sát thân thì đã có ngay, vẫn theo Đại Việt thông sử, với tội làm bàn thờ Phật này “vua bắt ông tự chết và tịch thu gia sản, giáng con gái ông từ Huệ phi xuống làm Tu dung”. Còn đối với bọn đồng cốt đã phán xằng xiên, cũng bị tội liên đới, cụ thể là mụ đồng họ Nguyễn bị đày đi châu xa, thầy phù thủy Trần Văn Phương phạt làm lính chuồng voi.
Năm Đinh Sửu (1517) thời Lê sơ, có tên Cồ Khắc Xương vốn là quân nhân, nhưng tự xưng là Thiên Vũ, rồi phò mã giáng thân, dùng phù thuật chữa bệnh cho dân, cũng là một dạng mê tín dị đoan. Việc đến tai vua Lê Chiêu Tông, “vua sai người bắt giải về Kinh đánh chết, vì hắn làm điều quái đản mê hoặc dân, cho nên bị giết”, Toàn thư cho hay. Cũng năm này, Trần Công Vụ vốn là quân nhân giả xưng là Thiên Bồng cũng bị khép tội chết, những viên quan Lê Toản, Đỗ Thao tin theo cũng bị liên đới.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Hôn nhân  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...