23/12/2020 12:10  
Thông điệp “Make in Việt Nam” được Bộ TT&TT truyền tải từ năm 2018 và cũng đã gây chú ý bởi nhìn qua thì đó là một cụm từ sai ngữ pháp nhưng thực tế đây là chủ ý thể hiện sự chủ động sáng tạo của các doanh nghiệp Việt.

Sau 1 năm đưa ra thông điệp “Make in Việt Nam” với mục đích khích lệ và cổ vũ cũng như khẳng định khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ để không còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài, Bộ TT&TT vừa chính thức lên tiếng để giải thích về ý nghĩa của thông điệp vốn đã gây khá nhiều tranh cãi.

Trước thềm Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin - Bộ TT&TT, chia sẻ “Make in Việt Nam” là thông điệp đã tạo hiệu ứng truyền thông của Bộ TT&TT. Theo bà Hương, cụm từ này đọc qua thì thấy sai sai nhưng chính vì sai nên người đọc sẽ phải đọc lại, và sẽ ngẫm và thấy Make đây là sự chủ đích của thông điệp nhằm thể hiện khát khao, thể hiện sự chủ động, sáng tạo của người Việt Nam trong toàn bộ quá trình thiết kế, tích hợp hệ thống đều được thực hiện ở Việt Nam, của người Việt Nam và đóng góp vào cộng đồng công nghệ.

Bà Hương khẳng định, cụm từ “Make in Việt Nam” vừa tạo hiệu ứng truyền thông vừa thể hiện khát khao, mong muốn chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ.

Trước đó, thông điệp “Make in Việt Nam” đã được Bộ TT&TT truyền tải trong Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar” tại Myanmar vào cuối năm 2018. Tại Diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Phan Tâm cùng nhiều doanh nghiệp, gồm Viettel, VNPT, FPT, BKAV, Mobifone, đã tham gia trình diễn các sản phẩm do chính người Việt xây dựng và phát triển.

Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng vì một Việt Nam hùng cường" tổ chức vào ngày mai, 9/5 sẽ một lần nữa khẳng định sự chủ động của Bộ TT&TT trong việc góp phần xây dựng một môi trường lý tưởng cho các DN phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tham dự Diễn đàn và phát biểu chỉ đạo.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một diễn đàn quy mô quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ. Diễn đàn được kỳ vọng là khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ, sớm hiện thực hoá mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển.

Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, Diễn đàn dự kiến thu hút khoảng 1.000

đại biểu gồm Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn và phát biểu chỉ đạo.

Thông tin từ Bộ TT&TT cho hay, diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ tập trung thảo luận về 4 nhóm chủ đề, bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ.

Chia sẻ về từng phiên chuyên đề tại Diễn đàn, bà Tô Thị Thu Hương cho biết, với chuyên đề “Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam”, các diễn giả sẽ chia sẻ thực trạng ứng dụng và phát triển công nghệ Việt Nam để giải quyết các bài toán của Việt Nam, các bài toán sản xuất kinh doanh cần giải pháp công nghệ trong thời gian tới; thành công của một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, dịch vụ; trong việc thay đổi mô hình hoạt động, quản trị, đem lại hiệu quả cao.

Trong khi đó, phiên chuyên đề “Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, các chuyên gia của Hàn Quốc, ADB Việt Nam và ĐH Fulbright sẽ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ.

Bà Hương nhấn mạnh: “Để đạt được mức thu nhập trung bình cao vào 2045, Việt Nam nhất thiết cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã “hóa rồng” trong vài thập kỷ”.

Trong chuyên đề “Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam” của Diễn đàn, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ trình bày, chia sẻ về thực trạng và đề xuất chính sách để thúc đẩy phát triển công nghệ Việt Nam; phát triển doanh nghiệp công nghệ, hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ.

Các diễn giả sẽ trao đổi, thảo luận với đại biểu tham dự Diễn đàn. Thảo luận là cơ hội để các tổ chức, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp đặt câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm tìm ra những định hướng, giải pháp phù hợp nhất cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với chuyên đề “Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ”, các diễn giả và đại biểu sẽ tập trung trao đổi về các giải pháp kết nối doanh nghiệp công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như nông nghiệp, y tế, dịch vụ công,… Các tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp và thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát triển một Việt Nam hùng cường.

Tại Diễn đàn cũng sẽ có triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ đã được ứng dụng trong thực tiễn, tiềm năng lớn, hiệu quả kinh tế xã hội mang lại cao do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sản xuất và cung cấp.

Khôi Linh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Công nghệ   Khát vọng   Lãnh đạo   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   diễn đàn   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...