12/10/2020 15:15  

Phân tích trên được hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đưa ra gần đây, trong đó đề cập tới việc nhiều nước ASEAN vẫn đang mở rộng các chương trình cứu trợ người đi vay nhưng thu hẹp phạm vi đối tượng đủ điều kiện vay, như hướng tới nhóm đối tượng khách hàng vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch thay vì tất cả các nhóm đối tượng. Việc tiếp tục gia hạn các chương trình này, theo đó, cho thấy các thách thức đối với khả năng trả nợ của người đi vay do đại dịch sẽ còn kéo dài đến năm 2021 ở nhiều thị trường.

Thu hẹp dần các chương trình cứu trợ sẽ trở thành một bước quan trọng để định lượng quy mô các khoản nợ xấu. Ảnh minh họa: TTXVN

Những chương trình cứu trợ mở rộng như tại Philippines và Singapore được nhận định sẽ cho người vay thêm thời gian để khắc phục tình hình tài chính khó khăn hoặc tìm cách trả các khoản nợ. Cùng với đó, một số người đi vay ký quỹ có thể tránh rơi vào tình trạng nợ đọng xảy ra trong trường hợp không được cứu trợ. Điều này có thể giúp giảm tỷ lệ nợ xấu có khả năng tăng cao nhất tại các ngân hàng trong thời Covid-19. Tuy nhiên, đối với những người vay khác gặp khó khăn về cơ cấu trả nợ, việc gia hạn thời hạn sẽ chỉ hoãn việc ngân hàng ghi nhận nợ xấu vào cuối năm 2021 hoặc sau đó.

Theo Fitch Ratings, việc thu hẹp các gói cứu trợ với mục đích rõ ràng hơn sẽ dẫn đến việc giảm khối lượng cho vay theo quy định tạm hoãn hoặc miễn trả nợ của chính phủ nhiều nước. Ngoài ra, những khoản vay sẽ cần phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn để đủ điều kiện được tạm hoãn hoặc miễn trả nợ tại hầu hết các thị trường trong khu vực, điều này sẽ cho phép đưa ra các giả định tốt hơn về tình trạng cơ bản của các khoản nợ này.

Theo đó, hoạt động này sẽ giúp cung cấp các số liệu rõ ràng hơn về tác động của cuộc khủng hoảng đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng. Nhưng đồng thời, đi kèm đó là một rủi ro có thể bộc lộ vấn đề nợ xấu tồi tệ hơn dự kiến ở một số thị trường.

Mức độ rủi ro này, theo đánh giá của Fitch Ratings, sẽ cao hơn tại các quốc gia sử dụng các biện pháp tạm ngưng việc trả nợ rộng rãi hơn, chẳng hạn như Malaysia và Philippines, hoặc tại những nơi suy thoái kinh tế liên quan đến đại dịch đã rõ ràng hơn. Còn tại Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, các ngân hàng đã có nhiều quyền quyết định hơn trong việc quyết định các khoản hỗ trợ cho vay dành cho các đối tượng gặp khó khăn trong việc trả nợ trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Tại Việt Nam, theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Securities (KBSec), các chính sách tiền tệ hiện mang xu hướng nới lỏng có kiểm soát.

Để đối phó với dịch Covid-19 và kích cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp vào tháng 3 và tháng 5 và đầu tháng 10 vừa qua với tổng mức giảm là 150 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn, cũng như hạ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng từ 80-100 điểm cơ bản. Bên cạnh đó, NHNN hoãn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm để cho các ngân hàng không bị chịu áp lực cơ cấu lại nguồn vốn trong bối cảnh các ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt thanh khoản, thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và cơ cấu lại nợ. Xét về tổng thể, các chính sách tiền tệ nhằm đối phó với dịch Covid-19 của NHNN chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các NHTM, do vậy mức tác động đến cung tiền là không quá lớn (so với các công cụ bơm tiền trực tiếp thông qua việc mua trái phiếu của các ngân hàng trung ương khác).

Trong quí 3 vừa qua, sự hồi phục trong nhu cầu tiêu dùng nội địa đã hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng ngành bán buôn và bán lẻ, với mức tăng 6.04%, và hoạt động tài chính, ngân hàng tăng 6.60%.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   NHNN   Việt Nam   doanh nghiệp   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...