26/01/2021 15:10  
Với người trong ngành, doanh thu 330 tỷ đồng (khoảng 14 triệu USD) trong một năm trên Play Store và App Store là điều không quá bất ngờ.

Mới đây theo thông tin từ Chi cục Thuế Quận Cầu Giấy, một cô gái 28 tuổi có doanh thu 330 tỷ đồng năm 2020, nộp thuế 23,4 tỷ đồng. Một nam giới khác, 30 tuổi, cũng có thu nhập 260 tỷ đồng, nộp thuế 18,1 tỷ đồng. 

Hoạt động kinh doanh của hai cá nhân này được Cục thuế mô tả là viết phần mềm nhúng quảng cáo trên Play Store và App Store. Hiểu một cách đơn giản, đây là hoạt động viết app kiếm tiền, mà chủ yếu là app game nổi lên trong một vài năm trở lại đây. 

Những con số nêu trên có thể là rất khủng khiếp nếu so với hiện tượng Flappy Bird gây sốt toàn cầu năm 2014 của Nguyễn Hà Đông. 'Chim ngơ' khi đó đã đạt 50 triệu lượt tải về trước khi bị gỡ khỏi Play Store và App Store, đồng thời giúp nhà phát triển kiếm được 50.000 USD/ngày nhờ quảng cáo in-game. 

Thực tế, dù Flappy Bird bị gỡ khỏi các cửa hàng trực tuyến, game này vẫn còn nằm trên máy người dùng và nhà phát triển trò chơi vẫn nhận được khoản doanh thu chia sẻ nhất định với nền tảng quảng cáo như Google. Điều đó lý giải tại sao Nguyễn Hà Đông đã nộp khoản thuế 1,4 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015. 

Đó đã là câu chuyện của nhiều năm trước, ngày nay các studio chục triệu lượt tải ở Việt Nam là không hiếm. Bravestars Games (tiền thân là Zonmob) là một studio có trụ sở ở Thanh Xuân (Hà Nội) với nhiều game hàng triệu lượt tải. Trong đó, một sản phẩm trả phí giá 22.000 đồng đã có hơn 10 triệu lượt tải chỉ tính riêng trên Play Store kể từ khi phát hành năm 2018. Làm một phép tính đơn giản, studio này đã kiếm được 220 tỷ đồng chưa kể doanh thu từ vật phẩm ảo (in-app purchase). Trừ đi khoản phí 30% chia sẻ với Google, studio này vẫn bỏ túi ít nhất 154 tỷ đồng.  

Một studio Việt khác là Amanotes có trụ sở ở TP.HCM còn có số lượt tải khủng khiếp hơn thế rất nhiều, mà chủ yếu tập trung ở các thị trường lớn như Mỹ (nơi có tỷ lệ chia sẻ doanh thu quảng cáo rất cao). Kể từ khi thành lập năm 2015 đến nay, các sản phẩm của Amanotes đã đạt 1 tỷ lượt tải và 98 triệu người dùng hàng tháng (MAU). 

Vậy làm thế nào để các game này có lượt tải và doanh thu khủng đến vậy? Khái niệm kiếm tiền nhờ bán quảng cáo in-game cũng là gần như tương tự các YouTuber triệu view kiếm tiền nhờ chia sẻ doanh thu quảng cáo. Tuy nhiên, với sản phẩm game mobile, các hình thức kiếm tiền là linh hoạt hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, một game Android có 10 triệu lượt tải có thể chèn quảng cáo AdMob của Google để kiếm tiền quảng cáo mỗi khi người dùng mở game này lên chơi, vừa có thể tự chèn quảng cáo giới thiệu game khác (cross-promote). Với 10 triệu lượt tải, một game có thể kiếm được trung bình 10.000 - 20.000 USD/tháng, theo ước tính của Google AdMob. Chưa kể, nguồn thu chính của một game đến từ bán vật phẩm ảo, vốn không có thống kê cụ thể bởi bất cứ nguồn nào, trừ chính nhà phát triển sở hữu game đó. 

Một số bên thứ ba như Sensor Tower hay App Annie cung cấp báo cáo trả phí để ước tính doanh thu đối với từng game cụ thể, nhưng các công ty này cũng lưu ý rằng họ không thống kê được doanh thu từ nguồn thứ ba (third-party) như nạp tiền qua website. 

Vì lẽ đó, trong ngành app và game, số lượng người kiếm được doanh thu trên 330 tỷ đồng cũng là điều hết sức bình thường, một lãnh đạo studio Việt giấu tên chia sẻ với ICTnews. Tuy nhiên họ thường không 'sơ suất' đến mức bỏ tất cả trứng vào một giỏ, vị này cho biết thêm. 

Với sự phát triển của hạ tầng mạng 5G, nhiều báo cáo chỉ ra doanh thu thị trường mobile app nói chung đến năm 2026 sẽ đạt 407 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 18,4% một năm. Đây chính là mỏ vàng để các studio Việt khai thác, hướng đến những thị trường giàu có và tiềm năng trong bối cảnh người dân phải cách ly ở nhà vì Covid-19 như Anh, Mỹ. 

Theo Phương Nguyễn

ICT/VietnamNet

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Việt Nam   YouTuber  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...