20/11/2020 19:15  
Dự thảo Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM (đề án thu phí cảng biển - PV) đang có nhiều ý kiến không đồng tình. Bởi nó rơi đúng vào thời điểm doanh nghiệp đang gặp khó khăn, doanh thu, lợi nhuận sụt giảm. Họ không muốn gánh thêm bất kỳ chi phí phát sinh nào nữa...

Mỗi năm thu 2.600 tỷ đồng

Trong cuộc gặp góp ý cho dự thảo Đề án này do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) tổ chức sáng 20/11,  ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, thành viên tổ công tác liên ngành TP.HCM, đơn vị xây dựng Đề án cho biết khi đi vào thực hiện, dự kiến mỗi năm sẽ thu về khoảng 2.600 tỷ đồng cho ngân sách TP. Nguồn thu này, theo ông, sẽ dùng đầu tư vào hạ tầng cảng biển chứ không dùng cho các hạ tầng khác.

Theo Đề án, TP.HCM dự kiến thu phí thí điểm tại cụm cảng Cát Lái trong tháng 7/2021 và thu toàn bộ các cảng từ ngày 1/8/2021. Theo Bộ GTVT, TP.HCM hiện có 41 bến cảng, riêng khu vực Cảng Cát Lái có 7 bến cảng nằm ở quận 2 và quận 9.

Lý giải thêm về lý do phải tổ chức thu phí, ông An nói: hàng hóa thông quan tại TP.HCM ngày càng tăng (trên 170 triệu tấn 2019, vượt dự báo đến 2030 là 160 triệu tấn của Bộ GTVT), trong khi nguồn vốn phát triển hạ tầng không đáp ứng kịp nên buộc phải thu thêm phí. Hải Phòng thu phí này từ năm 2013, còn Bà Rịa – Vũng Tàu đang nghiên cứu thu phí này.

“Nếu thu phí đầy đủ, hệ thống giao thông quanh khu vực Cảng Cát Lái sẽ được hoàn thành vào khoảng năm 2023-2024. Lúc đó, vòng quay vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 3 lần so với hiện nay. Doanh nghiệp khi đó sẽ giảm được thời gian và chi phí logistics đáng kể”, ông An đặt ra viễn cảnh như vậy. 

Về mức phí sẽ thu, doanh nghiệp sản xuất tại TP và ngoài TP sẽ đóng khác nhau. Cụ thể, hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP có mức thấp nhất (container 20 feet là 250.000 đồng/cont và 40 feet là 500.000 đồng/cont, hàng lỏng, hàng rời là 15.001 đồng/tấn). Hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP nhưng thông quan qua các cảnh TP sẽ đóng cao gấp đôi mức trên. Riêng mức phí dành cho hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh và chuyển khẩu cao hơn nhiều (container 20 feet là 2,2 triệu đồng và 40 feet là 4,4 triệu đồng/cont, hàng lỏng, hàng rời là 50.000 đồng/tấn).

Theo tính toán của ông An, hiện tổng chi phí vận tải mỗi container tại TP vào khoảng 6,7 triệu đồng (loại 20 feet) và khoảng 9 triệu (40 feet). Như vậy, ông kết luận: phí sử dụng hạ tầng cảng biển chỉ chiếm trên 3,6% (cont 20 feet) và 5,3% (40 feet) trong tổng chi phí vận tải mỗi container.

Đề án này sẽ được lấy ý kiến và được Sở GTVT hoàn thiện thành dự thảo Nghị quyết để trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp tháng 12/2020. 

Khi thu thêm, phí sẽ chồng phí

Góp ý về đề án trên, bà Đặng Thị Minh Phương - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Minh Phương Logistics (TP.HCM) ủng hộ giải pháp giảm ùn tắc và phát triển cơ sở hạ tầng của TP. Tuy nhiên, theo bà, hiện tại nhiều nước trên thế giới đang bơm tiền cứu doanh nghiệp, còn TP.HCM lại muốn thu phí từ doanh nghiệp thì cũng cần xem lại.

Bà Phương cũng dẫn chứng chi phí logistics ở Việt Nam đang cao ngất ngưỡng so với các nước khác trong khu vực châu Á. Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 263 tỷ USD nhưng chi phí logistics đã ở mức 52 tỷ USD, chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu. Nếu bây giờ TP quyết thu thêm phí hạ tầng cảng biển, đồng nghĩa sẽ kéo tụt sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, của TP.HCM với các tỉnh khác cũng như giảm sức hút của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, bà Phương còn cho rằng, tăng phí logistics lúc này là đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong nỗ lực giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, như Chỉ thị 21 ban hành ngày 18/7/2018 hay Quyết định 708 ban hành ngày 26 tháng 03 năm 2019 của Bộ Công thương.

Bà Lê Thị Giàu – Chủ tịch CTCP Thực phẩm Bình Tây tới buổi tọa đàm cũng trong tâm trạng không vui khi thông tin hiện giờ doanh nghiệp đang đóng nhiều loại phí cho mỗi container. Nếu phải đóng thêm phí nữa sẽ rất khó khăn. Từ đó, bà đề xuất: TP.HCM nghiên cứu sử dụng một phần phí đường bộ để phát triển hạ tầng cảng biển thay vì thu thêm.

"TP nên đối chiếu với cách thu phí của những quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Singapore thay vì so sánh với Hải Phòng – địa phương có kinh tế phát triển chưa bằng TP.HCM", bà nêu quan điểm.

Nêu lý do tỷ suất lợi nhuận trong ngành thực phẩm đang ở mức khá thấp nhưng phải ghánh chi phí logistics cao hơn các nước trong khu vực ASEAN, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Tập đoàn Tân Đông Hiệp kiêm Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) khẳng định: nếu TP quyết thu thêm phí nữa sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Do đó, bà Chi đề nghị trước khi quyết định thu phải lấy ý kiến nhiều lần, có sự đồng thuận của tất cả doanh nghiệp mới tiến hành. Ngoài ra, bà cũng nói Thủ tướng đã giao Bộ GTVT lập quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và sẽ được phê duyệt vào cuối năm nay. Nếu được Chính phủ thông qua, hạ tầng cảng biển trên cả nước sẽ được đầu tư đồng bộ. Nên chăng, TP.HCM cần dời ngày thu phí đến đầu năm 2022, thay vì từ đầu tháng 7/2021.

Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cũng không đồng tình với Đề án thu phí cảnh biển khi cho biết hiện HAWA có hơn 500 doanh nghiệp thành viên, 60% số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Covid-19 đã khiến hơn một nửa số hội viên có kết quả kinh doanh sụt giảm. Vì vậy, thời gian thu phí như đề án là chưa hợp lý.

Ông Bùi Hữu Thêm – Phó tổng Thư ký HAWA nhận xét, mức phí khác nhau giữa hàng hóa mở tờ khai tại TP.HCM và ngoài TP.HCM cũng có phần chưa thỏa đáng. Doanh nghiệp ngành gỗ có thể đặt trụ sở tại TP.HCM, nhưng xưởng sản xuất thường tập trung ở tỉnh khác (Đồng Nai, Bình Dương, Long An). Nếu đóng phí như đề án, lợi nhuận doanh nghiệp ngành gỗ vốn đã thấp, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. 

Điện Công ty Nam Thái Sơn chia sẻ, đơn hàng của họ đã sụt giảm đến 50% trong năm 2020. Khi phải đóng thêm phí, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán để bù đắp. Nhưng thị trường đang khó khăn, nếu tăng giá bán là điều rất nguy hại đối với doanh nghiệp lúc này. Vị này cũng đề xuất chỉ thu phí chiều nhập khẩu và miễn cho doanh nghiệp phí chiều xuất khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại rằng, khi phải gánh thêm chi phí logistics, có thể một số doanh nghiệp tại TP sẽ chuyển sang các cảng ở tỉnh khác. Điều này khiến TP  trong lương lai có thể thiệt hại gấp hàng chục lần so với nguồn thu 2.600 tỷ đồng mỗi năm.

Đại diện tổ công tác TP – đơn vị xây dựng đề án, đánh giá khả năng dịch chuyển là có nhưng chỉ trong thời gian đầu và số lượng cũng sẽ rất ít. Bởi cảng biển TP.HCM là vùng trọng tâm trong nhóm cảng biển Đông Nam bộ. Trong số hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển tới các cảng ở TP bằng đường bộ, có đến 85% là hàng hóa được trung chuyển từ Cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Trung Quốc   Tập đoàn   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi   logistics   quy hoạch   sản xuất   thực phẩm   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...