21/10/2020 10:25  
Ngày 20/10, tại buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo T.Ư, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã thông tin về tình hình thực hiện sách giáo khoa (SGK), trong đó có bộ sách Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều.
Báo cáo nội dung chỉnh sửa trước 15/11
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong thời gian qua, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, lớp 1 nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo Nhân dân. Bộ GD&ĐT đã nhận được một số phản ánh của đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh về khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học SGK môn Tiếng Việt 1. Đặc biệt là SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều (do GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp. Về việc này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK Tiếng Việt 1 rà soát, báo cáo. Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả, SGK môn Tiếng Việt của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa phù hợp.

Sau quá trình rà soát nghiêm túc các ngữ liệu trong sách, để sách hoàn chỉnh và đảm bảo tính phù hợp hơn, Hội đồng thẩm định đề nghị các tác giả điều chỉnh, cung cấp một số ngữ liệu để gợi ý cho giáo viên và các nhà trường lựa chọn sử dụng trong quá trình dạy học. Một số từ ngữ như “nhá”, “nom”, “quà... quà...”, Hội đồng thẩm định đã khuyến nghị ở Biên bản vòng 1. Sau khi rà soát, Hội đồng tiếp tục đề nghị nhóm tác giả tìm các từ ngữ khác phù hợp và hay hơn. Những từ ngữ được đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng như: “Chén”, “cuỗm”, “tợp”, “dưa đỏ”, “lồ ô”, “be be”, “lỡ xô”, “bê đồ” “ti vi”, “bế”, “khổ mỡ”, Hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả tìm các từ ngữ khác phù hợp. Một số đoạn/bài: “Hai con ngựa”, “Cua, cò và đàn cá”, “Lừa, thỏ và cọp”, sau khi rà soát sách, Hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị tác giả thay thế văn bản. Các đoạn/bài khác được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng: “Ve và gà”, “Ước mơ của tảng đá”, “Quạ và chó”, Hội đồng thẩm định đề nghị tác giả thay thế văn bản khác cho phù hợp. Khi chọn văn bản thay thế, các tác giả nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Linh hoạt phương án khắc phục

Để tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, đúng quy định, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3977/BGDĐT-GDTH để chỉ đạo các địa phương tăng cường một số giải pháp. Trong đó, các trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học... Để xử lý kịp thời, hiệu quả khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản, tác giả viết sách thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các sở GD&ĐT yêu cầu các trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học.

Cùng với việc ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu vể bổ sung các quy định về việc thực nghiệm khi biên soạn SGK. Việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi Hội đồng đánh giá "Đạt" và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp xã hội trước khi Bộ trưởng ký ban hành. Dự kiến thực hiện lấy ý kiến trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Giáo dục   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...