30/10/2020 19:10  
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trao đổi về thông tin gây xôn xao: Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng nhận lương “khủng”, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 30/10/2020.

Một tuần qua, thông tin ông Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng nhận mức lương 556 triệu đồng/tháng gây rúng động dư luận với những tranh cãi trái chiều.

Mức lương này được một Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan chủ quản của Đại học Tôn Đức Thắng) công bố với báo chí hôm 23/10.

Theo vị Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động này, Đại học Tôn Đức Thắng chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên chưa đảm bảo công khai, minh bạch, có chênh lệch lớn trong phân phối thu nhập giữa hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng với các phó hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Cụ thể, lương bình quân tháng 9/2020 của nhà trường như sau: Viên chức giảng dạy gần 24 triệu đồng, viên chức hành chính trên 22,5 triệu đồng. Riêng lương của ông Lê Vinh Danh là trên 556 triệu đồng, trợ lý của hiệu trưởng là gần 256 triệu đồng, người được giao phụ trách trường là gần 73 triệu đồng…

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sai phạm trên là một trong những lý do khiến ông Lê Vinh Danh bị cách chức.

Nói về mức thu nhập của bản thân, ông Lê Vinh Danh cho biết, trung bình mỗi tháng ông nhận 407 triệu đồng, sau khi đóng thuế và các khoản khác theo quy định, ông thực lãnh 286 triệu.

Đây là mức tổng gồm tất cả các khoản: lương theo ngạch, bậc nhà nước (giảng viên cao cấp, hệ số lương 6,92, phụ cấp chức vụ là 1.00, và phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định); các khoản phụ cấp (ăn trưa, trang phục, đi lại, thi đua...); thu nhập theo năng lực.

Đại diện trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng khẳng định, nhà trường chưa có bảng lương nào trả cho ông Danh mức lương 556 triệu/tháng. Tổng thu nhập thực lãnh của ông Danh là 286 triệu, bao gồm rất nhiều khoản cộng lại chứ không phải là lương.

Ngoài ra, mức thu nhập ở thời điểm tháng 6, 7, 8 của ông Danh có “đội lên” so với thông thường vì nửa đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình khó khăn, các cán bộ, lãnh đạo của trường tự nguyện chỉ nhận trước một phần lương (40-60%). Sau đợt khó khăn, ông Danh được trả bổ sung 60% thu nhập chưa nhận của những tháng trước nên con số vọt lên mức 556 triệu đồng (trước thuế).

Nói về việc đúng – sai với mức thu nhập của Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chỉ rõ, việc trả lương, thưởng với cán bộ quản lý, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trường đại học công lập nói riêng vận hành theo cơ chế tự chủ về tài chính thực hiện theo Nghị định 16 năm 2015 của Chính phủ. Còn việc tự chủ về bộ máy là theo Nghị định 105, tự chủ nhân sự theo Nghị định 106 vừa ban hành năm 2020.

Cụ thể, với trường Đại học Tôn Đức Thắng, là đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, Nghị định 16 đã quy định rất chi tiết về các nguồn thu, sử dụng nguồn thu từ ghoạt động sự nghiệp. Còn theo tinh thần nghị định về cải cách tiền lương, với những đơn vị tự chủ như trường Đại học này, nguyên lý áp dụng như với doanh nghiệp.

“Còn mức cụ thể hơn 200 triệu đồng hay 500 triệu đồng/tháng có hợp lý hay không thì Bộ Nội vụ cùng với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ cũng xem xét cụ thể, trên cơ sở đối chiếu với quy định của Bộ Tài chính” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói. 

Phương Thảo

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Giáo dục   Nghị định   Tài chính   Việt Nam   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...