02/01/2021 6:25  
Với những kinh nghiệm quý báu từ thực tế chống dịch hơn 11 tháng qua, "Việt Nam đủ sức đương đầu và sẽ hạn chế số người mắc, số ca tử vong ở mức thấp nhất".

Trả lời phỏng vấn VnExpress, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói như trên khi nhìn lại một năm chống dịch căng thẳng vừa qua và nhận định thời gian tới.

- Đâu là quyết định ông cảm thấy khó khăn nhất từ khi tham gia công tác phòng, chống Covid-19 đến nay?

- 2020 là một năm đầy biến động với những thử thách gần như chưa có tiền lệ tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Dịch bệnh diễn ra ở quy mô lớn chưa từng thấy với diễn biến rất phức tạp, nên đã buộc đội ngũ thầy thuốc phải đối mặt với những thử thách lớn.

Quyết định khó khăn nhất đối với tôi là lúc công bố hai ca bệnh nCoV (khi đó WHO chưa đặt tên bệnh là Covid-19) đầu tiên gồm Li Ding và Lizhichao ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Khó khăn là bởi theo đúng quy trình thì công bố hai ca bệnh đó là Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong thời khắc đó, hoàn cảnh buộc tôi phải công bố thực sự là một quyết định rất khó khăn.

Thêm nữa, lúc đó đã là 28 Tết. Mọi người, mọi nhà đang chuẩn bị đón Tết trong ấm cúng, an vui. Tôi biết khi công bố hai ca bệnh đầu tiên này người dân sẽ rất lo lắng, nghĩ vậy nên lòng tôi chùng xuống.

Không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai tham gia vào công tác phòng, chống dịch phải chịu áp lực rất lớn do dịch diễn biến phức tạp với tốc độ quá nhanh. Nhưng chính trong bối cảnh như vậy, ngành y tế lại đoàn kết hơn bao giờ hết, gắn kết thành một khối vững chắc để đương đầu với đại dịch. Cùng với đó, những chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 luôn làm chúng tôi an tâm.

Trong năm qua, các thầy thuốc, không chỉ những người làm công tác dự phòng hay điều trị, đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng đến các ổ dịch, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Và không thể không nhắc tới sự đóng góp quý báu của những người làm công tác xét nghiệm, hậu cần, truyền thông.... Ngành y đã huy động tổng lực trong cuộc chiến này. Và cho đến hôm nay tôi thực sự vui mừng khi chúng ta đã và đang thực hiện tốt công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe người dân, để thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội.

- Ông đã trải qua những cảm xúc như thế nào trong thời gian vào điểm nóng, chỉ đạo chống dịch ở Đà Nẵng tháng 7/2020?

- Khi xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng, Covid-19 tấn công vào hai vị trí xung yếu của Bệnh viện Đà Nẵng là Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Thận nhân tạo. Những người được điều trị tại hai khoa này đều là những bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh nền, nhiều người trong số đó cao tuổi, sức đề kháng yếu. Tôi thực sự rất đau lòng khi phải chứng kiến sự ra đi của những bệnh nhân Covid-19.

Ca tử vong đầu tiên phải nói là rất buồn. Tuy nhiên, ngày buồn nhất là số ca tử vong lên tới 4, thông báo liên tục và mỗi lần như vậy chúng tôi như xát muối trong lòng. Đội ngũ nhân viên y tế đã cố gắng hết sức để cứu chữa, liên tục hội chẩn trực tuyến và lấy ý kiến điều trị của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam. Có những lúc tôi đã thất thần, nhưng tôi tự nhủ phải thực sự bình tĩnh và không được để bất cứ bác sĩ nào nhụt chí.

Bên cạnh nỗi buồn, cũng có nhiều niềm vui. Đó là khi lần lượt hơn 354 bệnh nhân ở Đà Nẵng, gần 100 bệnh nhân ở Quảng Nam và nhiều bệnh nhân ở các tỉnh, thành khác được điều trị khỏi. Đó là khi bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng được gỡ phong tỏa. Đó cũng là lúc tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung được kiểm soát, không còn xuất hiện ca mắc mới trong cộng đồng, cuộc sống của người dân dần đi vào quỹ đạo bình thường... Mỗi kỷ niệm đều có những giá trị riêng khó mà so sánh được niềm vui nào lớn hơn hay niềm vui nào là nhỏ bé.

- Theo ông, những nguyên nhân nào làm nên kỳ tích chống dịch thành công ở Việt Nam năm vừa qua?

- Chúng ta đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc và những quyết sách chống dịch của Chính phủ được nhân dân hưởng ứng. Một người bạn Việt kiều của tôi bị mắc kẹt ở Việt Nam trong thời gian chống dịch tâm sự rằng, lâu nay anh ấy vẫn nghĩ khái niệm "cả hệ thống chính trị vào cuộc" rất trừu tượng, nhưng được tận mắt chứng kiến cách chống dịch ở trong nước anh ấy hiểu rằng đây chính là yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Bây giờ nhìn lại, chúng ta cũng thấy rằng ngay từ đầu Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đưa ra chiến lược "ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị". Đây là một chiến lược chống dịch khôn ngoan phù hợp với tình hình thực tế đất nước.

Thêm vào đó, công tác cách ly được giao cho quân đội quản lý, nên ngành y vô cùng an tâm vì chúng tôi biết rõ là không ai có thể làm tốt việc này hơn quân đội. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Với những kinh nghiệm quý báu tích lũy được từ thực tế chống dịch trong hơn 11 tháng qua, chúng tôi tin Việt Nam đủ sức đương đầu và sẽ hạn chế số người mắc, số ca tử vong ở mức thấp nhất.

- Ông nhận định như thế nào về diễn biến dịch bệnh trong năm 2021? Việt Nam cần chủ động ứng phó ra sao?

- Theo nhận định từ Bộ Y tế, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, gia tăng mạnh tại Mỹ, một số quốc gia châu Á và các quốc gia khu vực châu Âu. Đặc biệt là biến thể mới của virus vừa phát hiện tại Anh khiến nhiều quốc gia châu Âu và một số quốc gia khu vực châu Á như Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hongkong (Trung Quốc) đã cấm các chuyến bay đến từ Anh. Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế trong những ngày qua đã đưa ra những biện pháp để sẵn sàng ứng phó với khả năng dịch sẽ quay trở lại, nhất là khi mùa đông đã đến, hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán.

Để chủ động ứng phó, trong thời gian tới tất cả các biện pháp phòng chống dịch phải được nâng lên một mức. Từ lực lượng chuyên trách phòng chống dịch đến toàn thể hệ thống trong cả nước, các doanh nghiệp và người dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, khuyến nghị của ngành Y tế. Cả xã hội cùng sẵn sàng chống dịch để "quản chặt bên ngoài, giữ chặt bên trong".

Đối với mỗi người dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo các hướng dẫn, khuyến nghị đã được ban hành, thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế".

- Là người phụ trách lĩnh vực khám chữa bệnh của Bộ Y tế, ông đánh giá như thế nào về những tiến bộ của công tác này ở Việt Nam những năm vừa qua?

- Thách thức luôn đi kèm cơ hội, trong năm vừa qua dù có nhiều khó khăn, thử thách do những diễn biến bất thường từ Covid-19, tuy nhiên với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cùng sự chung sức chung lòng của người dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trên nhiều mặt trận nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng.

Thành tích trong phòng, chống và điều trị Covid-19 của Việt Nam là điều không cần bàn cãi, không chỉ chúng ta mà cả thể giới cũng công nhận điều đó. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng về y tế cũng có sự phát triển; công tác khám chữa bệnh có bước tiến lớn khi hệ thống khám chữa bệnh từ xa với sự kết nối của hơn 1.000 điểm cầu và không ngừng mở rộng đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân... Và không thể không nhắc đến việc tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 "made in Việt Nam" cũng là những tiến bộ lớn của ngành y tế.

Trong thời gian tới, điều tôi hy vọng cũng giống như điều Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 gần đây, đó là: "Chúng ta quyết tâm giữ thành quả chống dịch để nhân dân đón Tết an toàn, ấm cúng, vui tươi".

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn 56 tuổi, quê Bình Hòa, Bình Trị Thương, Gia Định (cũ), nay là TP HCM. Ông có nhiều đóng góp cho ngành y tế, đặc biệt là phát triển kỹ thuật cao trong ghép tạng. Ông từng ba lần được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, trước khi được Thủ tướng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Y tế, tháng 11/2018. Thứ trưởng Sơn hiện phụ trách lĩnh vực khám chữa bệnh, y dược cổ truyền...

Tháng 1/2020, khi Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận 2 bệnh nhân dương tính với virus nCoV là ông Li Ding và con trai Li Zichao, Thứ trưởng Sơn đã có mặt khẩn cấp tại đây trong đêm để chỉ đạo chống dịch bệnh lây lan. Khi đó, ông đã khẳng định trường hợp hai bố con bệnh nhân này "là bằng chứng xác thực về việc nCoV có thể lây từ người sang người".

"Đây là vấn đề lây nhiễm rất nghiêm trọng", Thứ trưởng Sơn bày tỏ khi công bố hai ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam.

Khi Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng cuối tháng 7/2020, ông có mặt tại thành phố ngay trước khi công bố ca nhiễm đầu tiên tại đây. Với vai trò là Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, ông đã chủ động xin Thủ tướng cho ở lại đây đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Gần một tháng sau, dịch bệnh ở Đà Nẵng, Quảng Nam được khống chế.

Viết Tuân

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Khẩu trang   Nhật Bản   Trung Quốc   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   căng thẳng   doanh nghiệp   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...