16/04/2021 20:46  

 

Du lịch học đường nên thiên về nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, các hoạt động mang tính trải nghiệm, hoạt động nhóm (teambuilding). Chính sách giá dành cho tour du lịch học đường đồng bộ và ưu đãi của tất cả nhà cung cấp, từ khu du lịch đến lữ hành, lưu trú…

Những ý kiến này được ghi nhận tại Chương trình Giao lưu kết nối về phát triển du lịch học đường diễn ra chiều ngày 16-4-2021 nằm trong khuôn khổ chương trình Famtrip du lịch học đường do Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức từ ngày 14 đến 17-4-2021.

Tiến sĩ Nguyễn Công Hoan, Trưởng bộ môn Khoa Du lịch, Trường Đại học Tài chính – Marketing TPHCM, tour dành cho học sinh sinh viên chủ yếu là đi học trải nghiệm và du lịch giải trí chỉ là một phần. Vì vậy, loại tour này phải đưa ra được những văn hóa và trải nghiệm như văn hóa tâm linh hay du lịch sinh thái. “Tham quan trải nghiệm làng nghề sẽ hấp dẫn cho loại tour này, lôi cuốn không chỉ sinh viên du lịch mà còn sinh viên ngành khác”, ông Hoan nói và đưa ra ví dụ một quy trình tham quan làng nước mắm Nam Ô, tìm hiểu văn hóa cũng như quy trình làm mắm.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trực, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng có cùng quan điểm và chia sẻ tour học đường cần được thiết kế sâu hơn, mang tính trải nghiệm nghiên cứu hơn, như tham quan làng đá Non nước, tìm hiểu sâu về làng nghề nước mắm Nam Ô hay lịch sử của hang động tại Ngũ Hành Sơn.

Trong khi đó, đại diện của một số trường khác như Đại học FPT, Đại học Đà Nẵng hay Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội quan tâm đến chính sách giá. Theo họ, chính sách ưu đãi này sẽ giúp giữ chân học sinh sinh viên vì đây là khách hàng tiềm năng tương lai. Bên cạnh đó, các nhà trường cần sự khuyến mãi đồng bộ của các bên liên quan từ lữ hành, điểm giải trí, lưu trú… chứ không chỉ riêng lẻ từ 1-2 đơn vị.

“Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo lập nhóm làm việc, bao gồm các doanh nghiệp đưa ra các gói sản phẩm hấp dẫn dành riêng cho du lịch học đường gửi đến các trường trên khắp cả nước”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (DATA) cho biết và chia sẻ thêm sẽ kết nối với các bên, bao gồm các hãng hàng không để đưa ra các mức giá hợp lý cho tour này.

Được biết, du lịch học đường là hoạt động nhằm triển khai Kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch giai đoạn 2021 -2022 của UBND thành phố Đà Nẵng và chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, Sở Du lịch xác định thị trường nội địa là thị trường chủ lực trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc ban hành các chính sách và sản phẩm thu hút khách MICE.

“Để đa dạng thị trường khách, Sở Du lịch nhận thấy xu hướng du lịch học đường đang được các nhà trường và doanh nghiệp hết sức quan tâm và việc kết hợp giữa các hoạt động trãi nghiệm thực tế, thư giãn, giải trí gắn liền với giáo dục là một giải pháp hiệu quả để tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên có thể phát huy tối đa sự sáng tạo, góp phần khuyến khích, tạo tâm lý tốt cho các em trong quá trình học tập tại nhà trường”, ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, chia sẻ. “Việc lồng ghép trải nghiệm các chương trình giáo dục không chỉ diễn ra trong dịp hè mà các cơ sở đào tạo đã chủ động liên kết với các đơn vị tổ chức tham quan và học tập ngay trong quá trình dạy học – đây đang là xu hướng hiện nay và sẽ phát triển mạnh trong thời gian đến..

Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đề nghị DATA và các doanh nghiệp du lịch cần quan tâm nhiều hơn đến các xu hướng du lịch mới và chuẩn bị sẵn các nguồn lực, liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo để xây dựng các nội dung phù hợp với nhu cầu của các em học sinh, sinh viên nhằm triển khai sản phẩm du lịch học đường này.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HCM   Hiệp hội   Kinh tế   TPHCM   Thể thao   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   du lịch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...