28/10/2020 19:10  
Ông Phan Hòa Bình (nguyên Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu) có đơn xin hoãn vì đang chữa bệnh tại TPHCM nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.

Ngày 28/10, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở phiên tòa xét xử ông Phan Hòa Bình (nguyên Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu) cùng đồng phạm về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Cùng hầu tòa về tội danh trên còn có các bị cáo Trương Văn Trí (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu), Vũ Quốc Tuấn (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên môi trường), Nguyễn Trung Quốc (nguyên cán bộ phòng Tài nguyên môi trường) và Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị).

Liên quan tới vụ án, Ngô Thị Minh Phượng (Chủ tịch HĐQT công ty An Khang), Trần Quý Dương (nguyên thành viên HĐQT), Đỗ Thùy Linh (Tổng giám đốc) và Trần Quý Dương bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau ít phút khai mạc phiên tòa, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Lý do, đến thời điểm mở phiên tòa có 254 bị hại vắng mặt không rõ lý do. Người bào chữa cho bị cáo Phan Hòa Bình có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do bị cáo này bị nhiễm trùng máu và đang điều trị tại TPHCM.

Sáng cùng ngày, bị cáo Đỗ Thùy Linh cũng có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do đang điều trị bệnh tại trung tâm y tế liên doanh Vietsovpetro.

Xét thấy sự có mặt của các bị cáo Phan Hòa Bình và Đỗ Thùy Linh là cần thiết và rất quan trọng cho quá trình xét xử nhằm làm rõ các tình tiết của vụ án nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.

Thời gian xét xử vụ án được mở lại vào sáng ngày 24/11 tại trụ sở TAND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. 

Tháng 7/2018, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã từng mở phiên tòa xét xử vụ án này nhưng sau 3 ngày xét hỏi đã hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Lý do trả hồ sơ là bởi nhận thấy cần xác minh, thu thập thêm hồ sơ chứng cứ mà tại phiên tòa này không thể làm rõ cũng như có căn cứ còn có đồng phạm khác. 

Sau quá trình điều tra bổ sung, cuối năm 2018, Viện KSND tối cao bảo lưu quan điểm truy tố ban đầu. Gần 2 năm hồ sơ được chuyển lại qua tòa thì HĐXX mới có quyết định mở lại phiên tòa.

Theo cáo trạng, dù dự án Metropolitan (do công ty An Khang làm chủ đầu tư) chưa được cấp phép xây dựng, chủ sở hữu chưa góp đủ vốn, không có năng lực tài chính nhưng từ cuối năm 2010 đến cuối 2013, công ty An Khang đã ký 321 hợp đồng, huy động vốn trái pháp luật hơn 400 tỷ đồng của 287 khách hàng.

Sau khi được tại ngoại, từ năm 2015 đến nay, Ngô Minh Phượng và Trần Quý Dương đã thỏa thuận được với nhiều khách hàng với nội dung trả lại tiền đã thu. Cơ quan điều tra xác minh được hơn 100 khách hàng đã được công ty An Khang thanh lý hợp đồng và nhận lại số tiền gần 75 tỷ đồng.

Đối với các bị can là lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu và phòng chức năng, cáo trạng xác định họ là những người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, hồ sơ đất nhưng đã không thẩm định. Việc này là "tiền đề pháp lý" để Ngô Minh Phượng và các bị can đồng phạm lừa đảo được hơn 400 tỷ đồng.

Cụ thể, bị can Vũ Quốc Tuấn và Nguyễn Trung Quốc đã tiếp nhận 40 hồ sơ xin chuyển mục đích của công ty An Khang trong tình trạng không đầy đủ và hợp lệ, không có cơ sở để xác định diện tích, vị trí đất. Thế nhưng, hai bị can này đã không thẩm định, kiểm tra mà vẫn trình cho ông Phan Hòa Bình, Trương Văn Trí phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 86.000m2 đất không đúng quy định pháp luật.

Còn bị can Nguyễn Thanh Sơn đã không kiểm tra các quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000, tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt trước đó. Việc này dẫn đến phê duyệt quy hoạch cho dự án Metropolitan trùng lên phần diện tích đất công của Nhà nước và đất ở ổn định lâu dài của các hộ dân.

Xuân Duy

Nguồn tin: dantri.com.vn


HCM   TPHCM   Trung Quốc   hành vi   quy hoạch   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...