19/05/2021 8:05  
6 giờ 30 sáng, tôi có mặt ở trường mầm non để bắt đầu làm việc và rời khỏi đây lúc 17 giờ sau khi bàn giao nốt số trẻ còn lại. Trở về nhà, tôi mệt nhoài, giọng khàn đặc nói không thành tiếng trong hai ngày đầu đi làm.
Trong vai người lao động, tôi may mắn xin được một chân làm bảo mẫu tại lớp mẫu giáo A.P (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Tôi đi làm tháng đầu tiên với mức lương khởi điểm 4,2 triệu đồng, người quản lý ở đây hứa nếu tôi làm tốt thì sau 2 - 3 tháng có thể nâng lên mức lương chính thức là 4,5 triệu đồng.

Trẻ sút cân thì cô… mệt

Tôi được phân công vào làm ở lớp Thỏ Ngọc (trẻ từ 18 - 24 tháng), lớp có độ tuổi nhỏ nhất.
Có mặt ở trường lúc 6 giờ 30 sáng, tôi bắt đầu công việc với việc rửa ly, chén, giặt khăn lau và vệ sinh phòng học cho trẻ. T. là cô giáo cùng lớp với tôi, vội vàng ngồi vào một góc trong lớp ăn vội hộp xôi 10.000 đồng sau khi làm xong phần việc của mình.
6 giờ 45, lớp tôi bắt đầu có những trẻ đầu tiên được đưa đến, hai chúng tôi phân công nhau, một người ra tận cổng đón trẻ, người còn lại ở trong lớp trông coi tụi nhỏ. “Khi đón trẻ thì nhớ cười tươi niềm nở với phụ huynh nhé. Còn ở trong lớp thì nhớ trông chừng đừng để tụi nhỏ đánh nhau, sểnh ra một chút là có việc đấy”, cô T. nhắc nhở.
Đến 7 giờ 30 khi lớp tôi đã đón được khoảng 10/17 bé thì người quản lý yêu cầu cô giáo tất cả các lớp đưa trẻ ra sân tập thể dục. Sau khoảng 15 phút tập thể dục, chúng tôi cho các trẻ đi vệ sinh, rửa tay rồi đến công việc cực nhất: cho trẻ ăn.
Gần 20 bé được xếp thành hai bàn, mỗi cô quản một bàn. Sau khi múc thức ăn vào từng phần khác nhau, cô giáo cho trẻ ngồi quây tròn. Riêng bàn của tôi có 6 - 7 trẻ thì không bé
nào chịu tự xúc ăn. Có em ngồi mím chặt miệng, cô giáo làm đủ trò thì chỉ cười nhưng nhất quyết không chịu ăn; số bé còn lại chỉ ăn được 1 - 2 miếng đầu, sau đó ngậm chặt thức ăn trong miệng hay ngồi khóc. Có bé hắt hơi, văng hết cả thức ăn vào mặt cô và bạn...
Thấy tôi loay hoay, cô T. an ủi: “Phải cho các em ăn hết ít nhất 2/3 phần, còn không thì sau đó cho uống thêm sữa chứ tụi nhỏ mà sút cân thì còn mệt hơn nữa”.
Mất 30 - 40 phút thì có khoảng một nửa trẻ ăn được 2/3 khẩu phần. Hết thời gian ăn, chúng tôi chia nhau một người dắt trẻ vào nhà vệ sinh, người còn lại thì dọn bàn và chén bát.

Phải luôn canh chừng trẻ đánh nhau

Cả nhóm sau đó được lùa vào lớp, cô T. cầm một miếng xốp lớn vỗ vào nền nhà tạo ra tiếng bộp bộp rất lớn rồi hét “trật tự nào, ngồi dựa vào tường cho cô” nhưng chỉ được 2 - 3 trẻ nghe lời, số còn lại chạy lung tung khắp phòng.
“Trong lớp này có một số trẻ khá đặc biệt, em phải lưu ý. Bé T. rất hay cắn và cấu bạn, em chỉ cần hở một chút là nó cắn bạn khác, phụ huynh họ la chết đấy. Bé C.R thì bị tăng động, em nói cũng như không và rất hay đánh bạn, em cũng phải để mắt. Riêng cặp song sinh thì cha mẹ hai bé này rất kỹ tính, em phải trông coi cẩn thận đừng để bạn nào cắn, đánh nhé…”, cô T. căn dặn và tôi cố gắng ghi nhớ đặc điểm của từng trẻ.
Cứ thế, để trẻ ngồi yên, tôi kiếm đủ chuyện, từ chuyện con voi, con gà, vịt, vừa kể vừa làm động tác phụ hoạ trong khi cô T. lần lượt thay đồ cho những bạn bị ướt nước khi đi rửa tay trước đó.
Hơn 9 giờ, trẻ được tự chơi nhưng chỉ sơ hở một chút, trong lúc đang ngồi xếp hình với 2 trẻ thì tôi bị giật mình bởi tiếng khóc thét của một bé trai. Thì ra, trong lúc chơi với nhau, vì giành đồ chơi, bé trai này bị bạn cắn vào tay và dùng đồ chơi đánh vào mặt. Cả tôi và cô T. vội vàng lại bế đứa trẻ lên, cô T. lo lắng xoa vết thương vừa lẩm bẩm: “Vết cắn này mà để lại nốt thì chiều phụ huynh la chết”.
Tôi vì thế cũng rơi vào tình trạng căng thẳng, không dám ngồi xuống nữa mà phải đứng dậy đưa mắt canh chừng từng trẻ một, đặc biệt phải luôn để mắt canh chừng những bạn thường đánh, cấu, cắn bạn. Vừa kể chuyện, vừa hét lũ trẻ đến khản cả giọng.
Đến 10 giờ, lại một người trông trẻ trong lớp, một người ra dọn bàn ghế, đi nhận phần ăn rồi cho trẻ ăn trưa.
Không khá hơn buổi sáng, một phần vì phần ăn của trẻ khá đơn điệu, với một ít cơm, thức ăn được trộn chung và một chén canh nên không mấy trẻ hào hứng, đến giờ ăn tiếng trẻ khóc lẫn tiếng cô giáo làm trò, dụ dỗ cứ thế tạo nên một tạp âm hỗn độn. Tôi cố gắng xoay quanh 3 - 4 trẻ, vừa dỗ dành vừa đút từng muỗng cơm. Trò ăn được một miếng, cô mừng thêm một chút...

Mỗi tay một bé dỗ ngủ

Hơn 11 giờ, đến giờ ngủ trưa, cô T. vội pha gần 4 - 5 bình sữa và đưa bánh cho trẻ theo yêu cầu của phụ huynh rồi dỗ từng trẻ uống. Sau đó trải mền, gối rồi xếp các trẻ vào từng góc.
Tôi vừa bế một bạn nhỏ mới vào lớp, vừa đi vòng vòng lớp nhắc từng em “nhắm mắt lại ngủ đi”. Có một vài em dễ, chỉ 10 - 15 phút sau đã ngủ, nhưng nhiều em trằn trọc, quay qua chọc bạn, có bé thì khóc đòi ba mẹ. Cô T. vì vậy ngồi tựa vào tường, tay trái ôm một bé, tay phải ôm một bé vừa vỗ nhè nhẹ cho uống sữa, vừa dỗ dành để các bé đi vào giấc ngủ.
Đến 12 giờ 30 khi trẻ đã bắt đầu nằm im, cả hai chúng tôi vừa ôm bé mới vừa vội vàng ăn bữa trưa của mình. Cũng từ khi cậu đi học thì hai cô trong lớp đều không được nghỉ trưa. Ở nhà cậu bé đã quen ngủ võng nên dù đã đi học gần 10 ngày nhưng cứ đến buổi trưa cậu chạy vòng vòng, leo trèo và hò hét khắp lớp. Chúng tôi vì vậy dù đã mệt đuối sau cả buổi sáng nhưng lại phải chia nhau, một người quản lý trong lớp và một người bế bé ra ngoài cho các bạn còn lại ngủ.
Cả buổi trưa, tôi bơ phờ chạy theo em, dù ẵm ngửa hát ru hàng chục bài, cậu bé vẫn không tài nào ngủ được, trườn ra khỏi người cô chạy khắp trường…
Cứ thế, chúng tôi bơ phờ cả ngày chạy theo trẻ. (còn tiếp)

Nguồn tin: thanhnien.vn


HCM   căng thẳng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...