12/10/2020 15:50  
GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên bộ sách Cánh Diều, khẳng định tất cả bộ sách mới đã qua dạy thực nghiệm, trình hồ sơ ra Hội đồng quốc gia thẩm định.
  • Bích Hạnh, 42 tuổi

    Cảm ơn giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã tham gia trả lời. Gần đây, chương trình và sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt là môn tiếng Việt, khiến phụ huynh và dư luận bức xúc. Là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cảm xúc của ông khi nhận những phản hồi đó?

    GS Nguyễn Minh Thuyết:

    Trong cuộc sống, không ai không nhận được những ý kiến phê bình. Tôi đã nhiều tuổi rồi nên cảm xúc của tôi là bình tĩnh. Có bình tĩnh thì mới nhận ra được cái đúng cái sai, giải quyết được vấn đề.

  • Bích Hạnh, 42 tuổi

    Đã ai gặp ông, hay gọi điện chia sẻ bức xúc về chương trình và ông đã giải thích thế nào?

    GS Nguyễn Minh Thuyết:

    Nhiều nhà báo đã gọi điện hoặc trực tiếp gặp để đề nghị tôi giải thích cho bạn đọc của báo. Tôi đã giải trình đầy đủ để bạn đọc hiểu đầy đủ hơn.

    Nhiều bạn bè, thầy cô cũng gọi điện, gửi email, tin nhắn hoặc gặp trực tiếp để chia sẻ. Có người phản ánh thực tế triển khai bộ sách rất thuận lợi. Có người nêu băn khoăn, thắc mắc, đề nghị giải đáp. Có người bày tỏ ý kiến tán đồng với tôi. Nhưng cũng có người đưa ra những lời khuyên. Tôi cũng đã trao đổi cặn kẽ với từng người.

  • Nguyễn văn khoa, 34 tuổi

    Chương trình học cho trẻ lớp 1-2 chủ yếu rèn luyện cho học sinh kỹ năng nghe, đọc, viết và các phép tính cơ bản! Cách đây gần 30 năm thế hệ của tôi đi học một buổi, một buổi đi chăn trâu nhưng vẫn học đầy đủ các kỹ năng trên. Vậy tại sao phải đổi mới chương trình?

    GS Nguyễn Minh Thuyết:

    Sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã thoát ra khỏi danh sách các nước nghèo, chậm phát triển và trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chất lượng cuộc sống còn thấp. Cũng trong khoảng thời gian trước và sau khi nước ta tiến hành đổi mới, thế giới đã có nhiều thay đổi. Chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, cạnh tranh, hội nhập trong tình hình mới. Các nước liên tục đổi mới giáo dục.

    Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã quyết định tiến hành đổi mới giáo dục. Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 88 và 51, Thủ tướng cũng đã ban hành các Quyết định về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Ngành giáo dục đổi mới chương trình, sách giáo khoa là thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và các Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

  • nguyễn gia Bảo, 58 tuổi

    Nhiều năm qua tôi thấy về chương trình giáo dục của Việt Nam có vấn đề, rối rắm, phức tạp, tốn kém. Xin hỏi lần này có cải tiến gì và có tham khảo của các nước tiên tiến không?

    GS Nguyễn Minh Thuyết:

    Xã hội đang có định kiến rất nặng nề đối với giáo dục, mặc dù mọi người ít hoặc nhiều đều được nhận những lợi ích từ cái mà người ta chê ỏng chê eo này. Lấy ví dụ, đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, làm khốn đốn cả các cường quốc. Nhưng Việt Nam chống dịch thành công. Thành công đó chủ yếu là nhờ ai, nếu không phải nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, sự tận tâm và tài năng của đội ngũ thầy thuốc mà phần lớn đều được đào tạo từ mái trường Việt Nam? Có phải mỗi người dân đều đã được hưởng lợi từ việc chống dịch thành công không?

    Từ năm 2006, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo, chậm phát triển, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế càng ngày càng khởi sắc. Nhưng về sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam thường chỉ đứng ở thứ hạng trên dưới 130/190 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong khi đó giáo dục thường được xếp ở thứ hạng trên dưới 60. Lẽ ra, kinh tế phải có thứ hạng cao hơn nữa, nhưng lỗi đó có phải chủ yếu do giáo dục không?

    Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề. Cái lỗi lớn nhất của ta là duy trì quá lâu một nền giáo dục kinh viện vừa xa thực tế vừa thiếu cởi mở. Nghị quyết 29 của Trung ương đã xác định mục tiêu tổng quát của lần đổi mới giáo dục này là "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực".

  • Văn Huy, 40 tuổi

    Chương trình được xây dựng với mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Khái niệm này rất trừu tượng, xin giải thích nó là gì và tại sao chọn mục tiêu như vậy?

    GS Nguyễn Minh Thuyết:

    Chương trình giáo dục phổ thông đã xác định rõ các khái niệm phẩm chất, năng lực.

    Phẩm chất là những tính tốt thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của con người; cùng với năng lực tạo nên nhân cách con người. Căn cứ các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xác định 5 phẩm chất cần đạt là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Nội dung, yêu cầu cần đạt về 5 phẩm chất này đối với từng cấp học đã được quy định cụ thể trong văn bản chương trình.

    Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.

    Năng lực bao gồm năng lực cốt lõi và năng khiếu.

    Năng lực cốt lõi là năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kỳ ai cũng cần phải có để sống, học tập và làm việc hiệu quả.

    Năng khiếu là những năng lực đặc biệt về trí tuệ, văn nghệ, thể thao, kỹ năng sống,... nhờ tố chất sẵn có ở mỗi người.

    Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xác định năng lực cốt lõi bao gồm 3 năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo), 7 năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất). Nội dung và yêu cầu của các năng lực này đối với từng cấp học đã được quy định cụ thể trong văn bản chương trình.

  • Dương Nguyễn, 40 tuổi

    Chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, chứ không phải tập trung vào kiến thức như cũ nữa. Xin hỏi là định hướng phát triển năng lực này đưa cụ thể hóa vào trong sách giáo khoa thế nào, khác gì so với sách giáo khoa thời kỳ trước?

    GS Nguyễn Minh Thuyết:

    Nếu như Chương trình giáo dục phổ thông trước đây nặng về cung cấp kiến thức, chủ yếu trả lời cho câu hỏi: "Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?" thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng tính thực hành, tập trung trả lời cho câu hỏi: "Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?". Theo tinh thần này, sách giáo khoa cần chú trọng tính thiết thực, thực hành.

  • Phan thị Hòa, 35 tuổi

    Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, khi vào học lớp 1, trẻ em chưa được học chữ trước gặp khó khăn bởi chương trình học rất nhanh, lượng kiến thức nhiều so với độ tuổi của trẻ. Con học cả ngày trên lớp lại phải ôn bài ở nhà mới theo kịp chương trình, rất áp lực. Giáo sư Thuyết giải thích thế nào về điều này?

    GS Nguyễn Minh Thuyết:

    Theo chương trình giáo dục mầm non hiện hành, học sinh mầm non được làm quen với chữ cái, chữ số, với nền nếp học tập, sinh hoạt. Sách giáo khoa lớp 1 được xây dựng trên nền móng này.

    Tuy nhiên năm nay, học sinh mầm non phải nghỉ học 4 tháng liền do đại dịch Covid-19, lại không có một tuần luyện tập trước khai giảng nên thầy cô khá vất vả vào đầu năm học mới.

    Việc dạy đọc dạy viết cho trẻ trước lớp 1 có mặt tốt nhưng cũng có mặt không tốt là có thể khiến trẻ chủ quan, sao nhãng học tập.

    Gần đây, ở nước ngoài người ta dạy chữ cho trẻ từ mầm non. Nếu Việt Nam thấy xu hướng này là có lợi hơn cho trẻ, các chuyên gia về giáo dục mầm non có thể đề xuất thay đổi chương trình, nếu cần. Nhưng bất kỳ thay đổi nào về chương trình đều phải tuân thủ quy định của pháp luật là nghiên cứu, thực nghiệm và trải qua ít nhất 90 ngày xin ý kiến nhân dân.

  • Khánh, 29 tuổi

    Bé mới 6 tuổi tại sao lại bố trí chương trình phải học 2 buổi?

    GS Nguyễn Minh Thuyết:

    Theo số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình, mỗi học sinh tuổi từ 7 đến 15 ở các nước OECD học 7.475 giờ. Như vậy, thời lượng học tập của học sinh tiểu học và THCS nước ta chỉ đạt 5.888 giờ, thấp hơn thời lượng học trung bình của các nước OECD 1.587 giờ. Lý do là ở nhiều nước, học sinh từ mầm non trở lên đến hết THPT đều học 2 buổi/ngày.

    Nội dung chương trình của các nước nói chung không chênh lệch nhau bao nhiêu. Nếu học sinh Việt Nam chỉ học 1 buổi/ngày thì khó giảm tải.

    Nhưng do đặc thù của nước ta, trước mắt, ngoài cấp học mầm non, chỉ có tiểu học học 2 buổi/ngày.

  • Cu li trưởng

    Xin chào các chuyên gia cho hỏi chúng ta đã có những nghiên cứu hay thử nghiệm cận kẽ cho những đổi mới này chưa, đã được áp dụng trước đó cho bao nhiêu học sinh hay giáo viên, hay chỉ đơn thuần chỉ thông qua từ các ban ngành chuyên môn mà không có sự đánh giá cụ thể?

    GS Nguyễn Minh Thuyết:

    Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị từ lâu. Khi xây dựng chương trình, Bộ đã tuân thủ các quy định của pháp luật về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thực nghiệm để đánh giá tác động của chương trình bằng nhiều hình thức: biên soạn, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến giáo viên và chuyên gia, lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân.

    Còn về sách giáo khoa thì cả 5 bộ sách mới đều đã qua dạy thực nghiệm, trình hồ sơ thực nghiệm ra Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

  • Nguyễn Công Sáu, 46 tuổi

    Tôi từng làm "gia sư" rất nhiều trẻ từ các cháu con của anh chị, cô dì... và nay là con tôi vào lớp 1, nhưng chưa bao giờ thấy bất lực như lúc này. Tôi nói thật là nếu trẻ chưa học chữ trước khi vào lớp 1 thì 100% trẻ sẽ không theo nổi. Vậy nói sách mới giảm tải là giảm ở chỗ nào?

    GS Nguyễn Minh Thuyết:

    Sách giáo khoa bây giờ chỉ là tài liệu chính thức để dạy học, giáo viên không phải dạy theo từng chữ từng câu mà theo tinh thần dạy học phân hóa. Vì vậy, các thầy cô nên vận dụng sách cho phù hợp với đối tượng dạy học của mình. Ví dụ, sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều có phần cứng là 332 tiết dạy chữ (hoặc dạy vần) và "phần mềm" là 88 tiết là các bài ôn tập (64 tiết, tự đọc sách báo 16 tiết, góc sáng tạo 8 tiết). Nơi nào học sinh học nhanh thì hoàn thành cả "phần cứng" là các bài học chính và "phần mềm". Nơi nào học sinh học chậm thì chỉ cần hoàn thành các bài học chính. Giáo viên hoàn toàn không cần phải vội "chạy" cho hết bài.

    Ngay trong một lớp, khả năng của học sinh cũng khác nhau. Để thực hiện dạy học phân hóa, đối với những học sinh tiếp thu nhanh, giáo viên hướng dẫn các em đọc trọn vẹn bài tập đọc, tập viết; đối với những học sinh còn chậm, giáo viên chỉ cần hướng dẫn các em đọc, viết được những nội dung cơ bản, cho đến lúc các em hòa vào được tiến độ chung của lớp.

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Giáo dục   Thành công   Việt Nam   Xã hội   chuyên gia   hành vi   hợp tác   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...