31/10/2020 8:45  

Sự kiện kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng cùng quỹ đầu tư này nằm trong khuôn khổ hội thảo "Hỗ trợ Doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19".

Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kết nối với các quỹ đầu tư, các ngân hàng ở cả trong và ngoài nước, qua đó giúp cho việc tiếp cận vốn trở nên dễ dàng hơn.

Theo bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc ITPC, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, đáng chú ý là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mất khả năng cân đối dòng tiền…

Không chỉ tới bây giờ, khi tác động tiêu cực của đại dịch hiện hữu, các hạn chế trong tiếp cận nguồn lực (thông tin về pháp luật và chính sách, vốn, đất đai, công nghệ, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…) của doanh nghiệp Việt Nam mới được nhắc tới. Đại dịch Covid-19 có lẽ chỉ là điểm nhấn để những hạn chế này bộc lộ một cách rõ nét hơn mà thôi, bà Vân lưu ý.

Trong những nguồn lực kể trên, nguồn vốn có vai trò rất quan trọng, quyết định sự hình thành, tồn tại, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh bình thường, điều này đã không dễ dàng với đa số doanh nghiệp Việt Nam. Trước những tác động của dịch bệnh Covid-19, tiếp cận các nguồn vốn lại càng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có số lượng doanh nghiệp chiếm tỉ lệ rất cao, lên tới 97,2%. Cho nên, việc tiếp cận nguồn vốn đối với đa số doanh nghiệp vẫn là một thách thức lớn.

Theo Điều tra trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2019), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), có tới 35% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn.

Đồng thời, vẫn còn một tỷ lệ lớn doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn.

Theo lãnh đạo ITPC, khi bài toán về vốn được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ tự tin hơn để duy trì, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh sau những tổn thất từ “cơn bão” Covid-19 gầy ra thời gian qua.

Bên cạnh giới thiệu nguồn vốn cho các doanh nghiệp tiếp cận, thông qua hội thảo, ITPC còn khuyến khích các doanh nghiệp tái cấu trúc toàn diện hơn nữa nhiều mặt như: công nghệ, nhân sự, vị trí cán bộ, quy trình sản xuất, nhân tố tổng hợp…

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Quản lý Chương trình Cao cấp, Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước, USAID/Việt Nam, bày tỏ sự đồng cảm với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đang phải đối mặt, USAID, thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME), đã và đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như ITPC để đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ phục hồi sản xuất kinh doanh trong và sau Covid-19.

USAID LinkSME sẽ trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp thông qua chia sẻ kiến thức tài chính với các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị và nộp đơn đăng ký liên quan đến tiếp cận tài chính và thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HCM   Kinh tế   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...