04/04/2021 9:16  
Cơ cấu kinh tế của TP.HCM sau năm 2035 sẽ giống như cơ cấu kinh tế của các nền kinh tế phát triển, tức là hậu công nghiệp, với các ngành dịch vụ cao cấp, dựa trên công nghệ số giữ vai trò chi phối.

Sáng 3/4/2021, trong khuôn khổ sự kiện Cafe Doanh nhân HUBA lần thứ 55 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức, TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đã chia sẻ với gần 200 đại diện doanh nghiệp, doanh nhân về tầm nhìn phát triển TP.HCM trong dài hạn (đến năm 2045).

Theo TS. Trần Du Lịch, có thể hình dung một cách tổng quát, trong 10-15 năm nữa, TP.HCM sẽ là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. TP.HCM sẽ vươn lên trở thành một trung tâm đa chức năng, trong đó nổi bật là trung tâm tài chính của khu vực và vươn lên tầm quốc tế. Cơ cấu kinh tế của TP.HCM sau năm 2035 sẽ giống như cơ cấu kinh tế của các nền kinh tế phát triển, tức là hậu công nghiệp, với các ngành dịch vụ cao cấp, dựa trên công nghệ số giữ vai trò chi phối.

“TP.HCM sẽ là một siêu đô thị đa trung tâm, với điểm nhấn là TP Thủ Đức và đô thị mới dọc sông Sài Gòn”. TS Trần Du Lịch nói, đồng thời nhấn mạnh: “TP.HCM sẽ trở thành một đô thị toàn cầu, với đời sống kinh tế gắn chặt với đời sống kinh tế thế giới, tức là cửa ngõ giao lưu quan trọng nhất của Việt Nam ra bên ngoài”.

Tuy thừa nhận góc nhìn về một TP.HCM phát triển trong tương lai có phần hơi lãng mạn, nhưng TS.Trần Du Lịch cho rằng lãng mạn đó hoàn toàn có cơ sở, bởi với diện tích hơn 2.000 km2, trong 300 năm Sài Gòn – Gia Định, việc đô thị hóa 13 quận nội thành cũ chỉ ảnh hướng đến 140 km2, còn trong 30 năm gần đây, TP.HCM mở rộng quy mô, lên khoảng 500 km2. Do đó, dư địa phát triển và mở rộng Thành phố vẫn còn khá lớn.

Từ sau dịch bệnh Covid-19 năm 2020, kinh tế TP.HCM có tụt xuống, quý 1/2021 vẫn thấp hơn so với GDP chung của cả nước, nhưng điều đó không có nghĩa là TP.HCM không có cơ hội để trở thành động lực phát triển. Nếu nhìn dài một chút, trong 20 năm, từ 1996 đến 2010, TPHCM là địa phương có tốc độ tăng trưởng hai con số, khoảng 10,5% mỗi năm. Còn trong 10 năm vừa qua, tốc độ tuy có chậm một chút, do nhiều nguyên nhân, nhưng phải nói rằng TP.HCM vẫn là một nơi năng động, phát triển nhất.

“Xét về phương diện động lực, tức là hạ tầng là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM vẫn đóng góp hơn 1/5 tổng sản phẩm nội địa, 30% ngân sách, và vẫn giữ vai trò là hạt nhân của vùng này, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, TS. Trần Du Lịch kết luận.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Cafe   Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   TPHCM   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...