16/09/2022 23:19  
Để thu hút và giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng hỗ trợ học phí cho nhân viên trở lại giảng đường đại học hoặc thậm chí chi trả hoàn toàn.

Theo CNBC, hỗ trợ học phí đã và đang trở thành một trong các loại hình đãi ngộ phổ biến, được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn sử dụng để thu hút cũng như giữ chân nhân sự. Một số nhà tuyển dụng thậm chí còn tiến xa hơn, sẵn sàng chi trả toàn bộ học phí đại học hoặc cao đẳng cho nhân sự của mình.

Mới đây, Citibank cho biết đang áp dụng hình thức đãi ngộ nói trên và sẽ cấp học bổng toàn phần cho các chương trình đào tạo cử nhân liên kết với các đối tác gồm Đại học Maryland, Walden và Western Governors, đồng thời hỗ trợ học phí cho chương trình cử nhân, sau đại học và chứng chỉ tại một số trường khác.

Theo Citi, khoảng 38.000 nhân viên ngân hàng của họ đủ điều kiện tham gia gói phúc lợi giáo dục mở rộng này. Cameron Hedrick - Giám đốc mảng đào tạo tại Citi, cho biết mục tiêu của việc này là "giảm rào cản kinh tế để các đồng nghiệp có được chứng chỉ hoặc bằng cấp chính thức, cũng như củng cố lợi thế cạnh tranh của Citi".

Dẫn báo cáo từ một công ty cung cấp giải pháp giáo dục cho người đang đi làm, CNBC cho biết chỉ trong năm 2022, số doanh nghiệp triển khai các gói học bổng toàn phần cho nhân viên đã tăng 33%. Trong đó, có nhiều nhà tuyển dụng như McDonald’s, Synchrony, Raytheon Technologies và T-Mobile.

Một số tên tuổi lớn khác như Amazon, Home Depot, Target, Walmart, UPS, FedEx, Chipotle và Starbucks, cũng có các chương trình hỗ trợ chi phí cho nhân viên muốn trở lại giảng đường.

Theo một khảo sát từ Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực Mỹ, các loại đãi ngộ nói trên đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua thu hút và giữ chân nhân sự sau đại dịch, qua đó lý giải vì sao chúng ngày càng được nhiều doanh nghiệp triển khai. Hiện, có 48% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát cho biết đang hỗ trợ học phí bậc đại học hoặc sau đại học cho nhân viên

Dù vậy, cần biết rằng, việc người sử dụng lao động chấp nhận chi trả để nhân viên của mình có bằng cấp không phải bây giờ mới có. Vài chục năm qua, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng loại hình đãi ngộ này cho nhân sự cổ cồn trắng. Tuy nhiên, nhiều công ty giờ đang mở rộng quyền lợi này, áp dụng cho cả tài xế, nhân viên thu ngân và nhân viên làm việc theo giờ, cũng như quảng bá rầm rộ về chính sách này.

Theo Jill Buban - chuyên gia giáo dục cho người làm công sở, nếu xét về chi phí, các đãi ngộ về đào tạo là sự bổ sung hiệu quả cho các đãi ngộ cốt lõi với nhà tuyển dụng.

Hãy đào tạo nội bộ thay vì tìm kiếm bên ngoài

"Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi trong lối tư duy của nhà tuyển dụng về việc thu hút nhân tài". Nhà tuyển dụng đang nhận thấy "việc nâng cao kỹ năng làm việc cho lực lượng lao động hiện tại sẽ tiết kiệm hơn nhiều, thay vì nỗ lực tìm kiếm nhân sự từ bên ngoài", Buban nhận định.

Còn Cameron Hedrick cho biết: "Với các nhân sự tận dụng chương trình giáo dục mà 'không phải bỏ tiền' này, lợi nhuận tài chính là rất hấp dẫn, đồng thời Citi sẽ hưởng lợi nhiều từ việc phát triển các kỹ năng mới của họ". Trong khi đó, Giám đốc Tài chính Jack Hartung của Chipotle nói với CNBC rằng các nhân viên tận dụng được cơ hội lấy bằng miễn phí nhờ tài trợ của công ty có khả năng ở lại doanh nghiệp cao hơn gấp 3,5 lần và có khả năng lên quản lý cao gấp 7 lần.

Theo nhiều chuyên gia, giáo dục đại học miễn phí hoặc hỗ trợ chi phí không chỉ cải thiện hoạt động tuyển dụng và giữ chân nhân sự, mà còn cắt giảm nợ sinh viên trong khi tăng cường hạnh phúc lâu dài cho nhân sự.

Trên thực tế, bất chấp các lợi ích từ việc giáo dục và đào tạo nhân sự nội bộ cũng như mong muốn quay lại trường học từ phía các nhân viên, chưa đến một nửa số người được khảo sát cho biết có thể theo đuổi các mục tiêu giáo dục, mà nguyên nhân chủ yếu là do cam kết về thời gian và trở ngại tài chính.

Sự khó khăn thậm chí còn lớn hơn giữa các nhóm thiểu số. Cụ thể, 44% nhân viên là người da đen cho biết đang gặp khó khăn trong việc học so với 29% nhân viên da trắng. Có sự khác biệt tương tự giữa nam và nữ, khi khoảng 36% phụ nữ đi làm bày tỏ rằng bản thân gặp rào cản tài chính trong việc giáo dục so với 22% ở nam giới.

"Vẫn có những rào cản mà tất cả người trưởng thành đang đi làm đều gặp phải: thời gian, cam kết tài chính và sự tự tin để quay lại giảng đường. Do đó, các loại hình đãi ngộ (nói trên) có thể là điểm cộng cần thiết và trở thành yếu tố thực sự làm thay đổi cuộc đua tuyển dụng", Buban nhận xét.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Hiệp hội   Tài chính   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...