13/04/2021 20:06  

Hôm qua 12.4, phi hành đoàn Nga trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) đã gửi lời chúc mừng nhân ngày kỷ niệm 60 năm chuyến bay lịch sử của phi hành gia Yuri Gagarin. Đó cũng là chuyến bay đầu tiên của con người vào không gian.

Sau 60 năm, trong cuộc đua vào không gian, Liên Xô rồi sau đó là Nga đã đạt được nhiều dấu ấn “đầu tiên” chứ không chỉ chuyến bay trên.

Đó là: quốc gia đầu tiên có vệ tinh, phi hành gia đầu tiên bay vào không gian, quốc gia có người đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái Đất, có nữ phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ, thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên và thậm chí là là quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống nơi khác ngoài Trái Đất... 

Niềm tự hào bị “xát muối”

Thế nhưng, không phải lúc nào Liên Xô rồi Nga đều về đích đầu tiên trong mọi các cuộc đua ngoài không gian.

Giáng Sinh năm 1968, 2 phi hành gia người Mỹ bay quanh quỹ đạo của Mặt Trăng. Một ngày sau sự kiện này, Nikolai Kamanin, phi công nổi tiếng người Nga - anh hùng Liên Xô và là người đứng đầu chương trình đào tạo phi hành gia, đã viết trong nhật ký rằng “kỳ nghỉ Giáng Sinh trở nên đen tối khi ta nhận ra đã đánh mất đi cơ hội và nỗi buồn là ngày hôm nay, những người bay tới Mặt Trăng không hề xướng danh Valery Bykovsky, Pavel Popovich hay Alexei Leonov (các phi hành gia Nga)”.

Chưa đầy một năm sau, ngày 20.7.1969, lá cờ Mỹ đã được cắm trên Mặt Trăng. Người Mỹ với sứ mệnh Apollo 11, đã đặt một cột mốc quan trọng trong việc đưa các phi hành gia hạ cánh an toàn xuống Mặt Trăng, tiến hành nghiên cứu và mang mẫu vật về Trái Đất. Đây có thể được xem là sự kiện đặt dấu chấm hết cho cuộc đua khám phá không gian giữa Liên Xô và Mỹ thời đó.

Từ đó đến nay, trong khi Nga chật vật với những hào quang của quá khứ, thì Mỹ lại liên tục gây tiếng vang thông qua những cải tiến công nghệ, thúc đẩy các sứ mạng khám pha không gian. Mới đây là tàu tự hành Perseverance của NASA trên Sao Hỏa.

“Trái đắng” lớn hơn cho Nga chính là ngành không gian của nước này đang bị tụt hậu so với công ty tư nhân của Mỹ, mà cụ thể là Công ty hàng không vũ trụ SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk.

Năm 2020, SpaceX đã “xát muối” vào người Nga khi tên lửa tái sử dụng Falcon đã được thử nghiệm thành công, tiến hành đưa vào khai thác thương mại. Sự kiện này chấm dứt hoàn toàn sự lệ thuộc của Mỹ vào Nga trong nhiều năm trong việc sử dụng tên lửa Soyuz của Nga nhằm đưa phi hành gia và hàng hóa lên trạm không gian quốc tế ISS.

Vì đâu nên nỗi?

Vì sao niềm tự hào một thời của Liên Xô và nay là Nga lại bị như thế khi nước này vẫn luôn đi trước với hàng loạt những cột mốc đáng ghi nhớ? Tất nhiên, có nhiều lý do và yếu tố ảnh hưởng.

Nhưng trường hợp này thì có vài lý do khá nổi bật. Đầu tiên cần phải nhắc tới 2 cái tên quan trọng trong quá trình phát triển các chương trình không gian của Liên Xô thời kỳ đầu là Valentin Glushko và Sergei Korolev.

Trớ trêu thay, 2 người lại có 2 ý kiến đối lập nhau trong việc phát triển tên lửa đẩy đưa phi thuyền vào không gian: Glushko ủng hộ việc sử dụng động cơ nhiên liệu rắn bởi tính ổn định, chi phí thấp, sử dụng được cho cả vũ khí quân sự; trong khi Korolev cho rằng nên sử dụng nhiên liệu lỏng vốn có hiệu suất cao hơn, đổi lại chi phí sản xuất và vận hành cũng cao hơn.

Một ủy ban đã được lập ra nhằm đánh giá sẽ lựa chọn loại nhiên liệu nào. Phần thắng cuối cùng thuộc về Korolev với nhiên liệu lỏng. Glushko không đồng ý với kết quả và quyết định tự thiết kế dự án với nhiên liệu thể rắn để rồi cũng không đi đến bất cứ thành quả nào.

Năm 1968, Korolev qua đời ở tuổi 59 trong một cuộc phẫu thuật. Chương trình không gian Nga mất đi người lãnh đạo, kéo theo đó là một quá trình trượt dài, thiếu kinh phí phát triển, những tham vọng vượt quá trình độ khoa học kỹ thuật, sự phức tạp trong thiết kế...

Kết quả là chuỗi thử nghiệm thất bại liên tiếp của tên lửa đẩy khiến cho giới chức Nga bấy giờ không còn mặn mà gì với các chương trình không gian.

Có ý kiến cho rằng ngay từ đầu, thiết kế lẫn tư duy của các chương trình không gian Nga vẫn dựa vào yếu tố kỹ thuật quân sự nhiều hơn là mục đích khả thi nhằm khám phá không gian.

Mặt khác, yếu tố về ý thức hệ cũng được cho là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến cho các chương trình không gian khi xưa của Nga bị đưa vào ngõ cụt.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Không gian   Mặt Trăng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...