23/10/2020 9:25  
Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề vẫn còn nhiều trăn trở.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Thái Nguyên là vùng trồng chè trọng điểm của cả nước với diện tích trên 23.000ha, sản lượng hàng năm trên 210.000 tấn chè búp tươi. Trong chuỗi giá trị sản phẩm, Thái Nguyên đã quan tâm tạo dựng hình ảnh, danh tiếng cho thương hiệu “chè Thái Nguyên” trong nước và quốc tế. Tính đến nay, Thái Nguyên đã được cấp 21 nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của tỉnh. Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh Thái Nguyên Bùi Quang Huân, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Qua so sánh, giá trị kinh tế đã tăng từ 30 - 50% so với trước khi được bảo hộ. Bên cạnh đó còn góp phần ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái nhãn mác trên thị trường.

Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm làng nghề. Điển hình như sản phẩm gà Hồ, sau khi đăng ký nhãn hiệu, giá bán tăng 3 - 4 lần (giá gà con tăng từ 40.000 đồng lên 160.000 đồng/con; giá gà thịt tăng từ 180.000 đồng/kg lên 400.000 - 600.000 đồng/kg). Các sản phẩm đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng, gỗ Đồng Kỵ... đều tăng giá, trung bình từ 10 - 15%. Các sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cũng là một trong những điều kiện thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài.

TS Bạch Quốc Khang - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Trong kinh tế thị trường và mở rộng hội nhập quốc tế, thương hiệu sản phẩm thực sự trở thành nguồn vốn, tài sản có giá trị rất lớn, là chỗ dựa cho phát triển bền vững của các DN. Bởi lẽ, thương hiệu còn hàm chứa toàn bộ năng lực của chủ thể sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, khi kinh tế hội nhập, sản phẩm làng nghề phải cạnh tranh khốc liệt với những mặt hàng cùng loại của các nước. Nếu không xây dựng được thương hiệu, không tạo được dấu ấn với khách hàng thì sản phẩm có nguy cơ thua ngay tại sân nhà.

Còn nhiều trăn trở

Mặc dù thương hiệu có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển nhưng thực tế nhiều làng nghề vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng này. Thương hiệu cho sản phẩm chưa được đặt đúng tầm chiến lược dẫn đến sự đứt đoạn, bị chiếm dụng, bị hàng nhái làm mất khách hàng. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, hiện nay mới có khoảng 20% DN Việt đầu tư xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, các DN chỉ chú trọng đăng ký thương hiệu tại thị trường trong nước chứ chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Điều này khiến DN phải chịu thiệt đơn, thiệt kép.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần trăn trở: Trên thị trường quốc tế, Việt Nam đang xuất khẩu mạnh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, tới 90% hàng Việt Nam phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian dưới dạng thô hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài vẫn chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt. Đây là một sự yếu kém, thua thiệt lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Vi Khải, việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có chiến lược dài hơi để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, gồm đăng ký nhãn hiệu độc quyền và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này đòi hỏi chủ các DN, cơ sở sản xuất phải có kiến thức marketing, tin học, ngoại ngữ. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm mang tên đặc trưng vùng miền, gắn kết xây dựng quy hoạch phát triển nghề, làng nghề với quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch làng nghề.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Hiệp hội   Việt Nam   chiến lược   du lịch   quy hoạch   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...