15/01/2021 21:10  
Việc các mạng xã hội đồng loạt có động thái cứng rắn với tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên tranh cãi về vai trò thực sự của các nền tảng này trong hệ thống chính trị.

Tài khoản Twitter với hơn 80 triệu người theo dõi từng được xem là "loa phóng thanh" của Tổng thống Donald Trump trong suốt 4 năm cầm quyền. Nhưng vào ngày 8/1, Twitter tuyên bố khóa tài khoản của ông chủ Nhà Trắng. Mạng xã hội này thậm chí cảnh báo nếu có thêm vi phạm, tài khoản của ông Trump sẽ bị đóng vĩnh viễn.

Twitter cho rằng các nội dung mà Tổng thống Trump đăng tải có "nguy cơ kích động bạo lực", sau khi những người ủng hộ ông đã gây ra vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội hôm 6/1 khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Twitter cảnh báo việc tiếp tục để ông Trump sử dụng mạng xã hội này có thể dẫn đến những vụ bạo lực khác.

"Nối gót" Twitter, các mạng xã hội khác cũng thể hiện thái độ cứng rắn với Tổng thống Trump.

Theo Reuters, Facebook và Instagram tuyên bố tài khoản của ông Trump sẽ bị khóa "ít nhất" cho tới khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, dự kiến vào ngày 20/1. Lãnh đạo Facebook nói rằng việc cho phép ông Trump tiếp tục sử dụng dịch vụ trong giai đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Snapchat, một mạng xã hội có quy mô nhỏ hơn, cũng đóng tài khoản của Tổng thống Trump vì cho rằng tài khoản này kích động bạo lực.

Việc đồng loạt khóa tài khoản của Tổng thống Trump đã đánh dấu hành động mạnh mẽ nhất mà các công ty vận hành mạng xã hội từng thực hiện, nhằm thực thi các quy định về việc cho phép người dùng có thể hoặc không thể đăng tải bất kỳ nội dung nào trên nền tảng mạng xã hội của họ.

Trước đây, cả Twitter và Facebook đều nói rằng các chính trị gia sẽ được áp tiêu chuẩn thấp hơn so với người sử dụng thông thường, vì các nội dung do họ đăng tải trên mạng xã hội, ngay cả những nội dung bị cho là sai sự thật và kích động bạo lực như những gì ông Trump từng viết, đều thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tuy nhiên gần đây, các mạng xã hội đã dán nhãn cảnh báo, thậm chí chặn nhiều bài viết bị cho là không đúng sự thật hoặc có khả năng gây hại. Chẳng hạn Twitter đã "tuýt còi" một số dòng tweet của Tổng thống Trump về bầu cử Mỹ, cho rằng nội dung của các bài viết này gây tranh cãi.

Không chỉ dừng lại ở các bước trên, các mạng xã hội còn thực hiện biện pháp mạnh tay hơn là khóa tài khoản, thậm chí khóa vĩnh viễn, nếu cảm thấy có điều bất thường xảy ra. Việc thẳng tay khóa tài khoản của Tổng thống Trump chứng tỏ rằng, các "ông lớn" mạng xã hội như Facebook hay Twitter cảm thấy cần đặt ra giới hạn cho những nội dung mà họ cho rằng không phù hợp.

Phản ứng trái chiều

Có nhiều phản ứng trái chiều xung quanh động thái của các mạng xã hội đối với Tổng thống Trump.

Các đối thủ của ông Trump và nhiều học giả nghiên cứu truyền thông xã hội hoan nghênh động thái trên, thậm chí một số còn nói rằng các mạng xã hội hành động như vậy là quá muộn.

Sau khi tài khoản cá nhân bị khóa, ông Trump đã sử dụng tài khoản chính thức dành cho tổng thống Mỹ để cáo buộc Twitter tìm cách "bịt miệng" ông, tuy nhiên Twitter cũng xóa những dòng tweet này. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ cân nhắc xây dựng một nền tảng riêng trong tương lai.

Trong khi đó, một số chính trị gia hàng đầu của đảng Cộng hòa đã lên án động thái của các mạng xã hội đối với Tổng thống Trump.

"Việc phát ngôn nên được tự do, dù cho các bạn có đồng tình hay không", Bộ trưởng Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị Mỹ Ben Carson nhận định.

Theo Bloomberg, một số nhà lãnh đạo cũng lên tiếng phản đối việc các mạng xã hội có hành động "cấm cửa" Tổng thống Trump.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng việc thiết lập các nguyên tắc quản lý tự do ngôn luận là công việc của các nghị sĩ chứ không phải các công ty công nghệ tư nhân.

Các quan chức Pháp cũng đồng tình với quan điểm của nhà lãnh đạo Đức. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu Clement Beaune cho biết ông "sốc" khi thấy doanh nghiệp tư nhân đưa ra một quyết định quan trọng như vậy.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng cho rằng chỉ nhà nước mới chịu trách nhiệm về việc thiết lập quy tắc tự do ngôn luận, chứ không phải các "trùm sỏ" công nghệ.

Không chỉ các doanh nghiệp truyền thông xã hội nhắm mục tiêu đến Tổng thống Trump, mà Apple và Google, hai "ông lớn" góp mặt trong gần như toàn bộ điện thoại thông minh trên thế giới, đã xóa ứng dụng Parler khỏi kho ứng dụng của hãng.

Apple và Google nói rằng một số đối tượng gây bạo loạn đã sử dụng Parler, một nền tảng tương tự Twitter được phe cực hữu tại Mỹ ưa chuộng, để lên kế hoạch hành động. Amazon cũng nhanh chóng nhập cuộc, đưa Parler khỏi dịch vụ của hãng.  

Tương tự các lĩnh vực khác, các công ty công nghệ cũng vướng vào các cuộc tranh cãi tại Mỹ trong những năm qua. Đảng Cộng hòa cáo buộc các mạng xã hội kiểm duyệt nội dung của phe bảo thủ, trong khi đảng Dân chủ cho rằng các mạng xã hội cho phép phát tán những thông tin sai sự thật và những lời đe dọa chưa được kiểm chứng. Cả hai đảng đều dọa sẽ siết chặt quản lý các mạng xã hội.

Cần cơ chế kiểm soát mạng xã hội?

The Economist nhận định các mạng xã hội dường như không còn đường lùi. Trong khi đó, sự lo ngại về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mạng xã hội không chỉ giới hạn trong các đảng phái chính trị ở Mỹ.

Anh, Australia, Singapore, Brazil và Liên minh châu Âu đều đã thông qua hoặc đang xem xét các quy định mới nhằm điều chỉnh mạng xã hội. Việc khóa tài khoản của Tổng thống Trump, chính trị gia quyền lực nhất thế giới, khiến tranh cãi về mạng xã hội càng thêm tăng nhiệt. Các chính sách nội bộ của các doanh nghiệp vận hành mạng xã hội về việc kiểm duyệt nội dung sẽ được soi xét kỹ hơn.

Cho đến nay, hầu hết phân tích chỉ tập trung vào tác động của mạng xã hội tới chính trị Mỹ. Tuy nhiên, một số quốc gia khác cũng đang "đau đầu" với vấn đề này. Tại Ấn Độ, Facebook vướng vào cuộc tranh cãi giữa hai đảng chính trị, trong đó có đảng cầm quyền, khi đảng này đổ lỗi cho Facebook ưu ái đảng kia. Tại Philippines, Facebook cũng bị cho là một trong những công cụ chính trị quan trọng nhất của giới chức lãnh đạo.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho rằng việc các mạng xã hội như Twitter, Facebook và Instagram áp lệnh cấm đối với tài khoản của Tổng thống Trump đã làm dấy lên câu hỏi lớn về việc các mạng xã hội cần phải được kiểm soát như thế nào.

Bộ trưởng Hancock nhận định, các lệnh cấm đã cho thấy các mạng xã hội đang trực tiếp đưa ra những quyết định về kiểm duyệt thông tin. Các nhà vận động xã hội muốn các mạng xã hội phải được coi là các đơn vị "xuất bản", thay vì là các "nền tảng" như hiện nay, đồng nghĩa với việc các mạng xã hội cần chịu sự kiểm soát nhiều hơn.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng, việc kiểm soát mạng xã hội có thể cho phép các chính phủ hạn chế quyền tranh luận.

Theo BBC, từ lâu đã nổ ra cuộc tranh luận về việc liệu các công ty vận hành mạng xã hội có cần được coi là các "nhà xuất bản" theo quy định của luật pháp hay không. Nếu là nhà xuất bản, các công ty này sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc xử lý các nội dung do người dùng đăng tải.

"Các nền tảng mạng xã hội đang đưa ra những quyết định mang tính kiểm duyệt. Đó là bởi vì họ đang lựa chọn ai là người được lên tiếng và ai là người phải im lặng trên các nền tảng của họ", ông Hancock nói.

Theo Bộ trưởng Anh, diễn biến này nhiều khả năng sẽ để lại "những hậu quả".

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


Apple   Donald Trump   Lãnh đạo   Nhà Trắng   Reuters   Trump   Tài chính   Tổng thống   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...