26/11/2020 16:35  
Một nội dung đáng chú ý ở phiên phúc thẩm vụ tranh chấp giữa Công ty TDS và Trường Newton là phía nguyên đơn cho rằng tòa cấp sơ thẩm đã "vi phạm thủ tục tố tụng". Tòa phúc thẩm tới đây sẽ xem xét nội dung này ra sao?
Ngày 26/11, một nguồn tin của Kiến Thức cho biết, sáng 30/11 tới đây, tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ mở lại phiên phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư” giữa Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS (Công ty TDS) và Trường THCS - THPT Newton (Trường Newton).
Trước đó, phiên sơ thẩm vụ án nêu trên được thụ lý số 15/2019/KDTM-ST ngày 7/3/2019, tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đưa ra xét xử ngày 23-25,26/11/2019.
Phản ánh với PV Kiến Thức, bà Trần Kim Phương (đại diện Công ty TDS, nguyên đơn) cho biết: "Tôi nhận thấy bản án sơ thẩm số 27/2019/KDTM của tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã có những nhận định và đánh giá chứng cứ không khách quan".
Theo bà Kim Phương, phiên tòa sơ thẩm đã ra quyết định không chấp nhận toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của phía Công ty TDS là quyết định không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chậm triển khai dự án của toàn bộ nhóm cổ đông sở hữu tòa nhà TH1 đang đầu tư xã hội hóa giáo dục...
Ngoài ý kiến của bà Phương, tại phiên phúc thẩm ngày 19/8/2020, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn) đề nghị hội đồng xét xử xem xét nội dung tòa sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng; tư cách của bà Lê Thị Bích Dung làm người đại diện cho bị đơn trong vụ án này; tư cách khởi kiện của ông Lê Văn Vàng.
Ngoài ra, nữ luật sư còn đề nghị tòa xem xét lại việc tòa sơ thẩm chưa tiến hành xác minh tài sản - tranh chấp: Là toàn bộ phần đầu tư xây dựng của Trường Newton trên toàn bộ phần đất TH1 (7200m2), để làm cơ sở giải quyết tranh chấp.
Theo luật sư Ngọc, tại phiên tòa ngày 19/8/2020 đã làm rõ bà Trần Kim Phương là người có quyền và nghĩa vụ đặc biệt quan trọng (không thể thiếu) trong vụ án nhưng không được đưa vào tham gia tố tụng vụ án. Cụ thể, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thực hiện Hợp đồng kinh tế (về việc chuyển một phần lô đất TH1) ngày 03/11/2016 và Phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 19/01/2017; sau nhiều lần thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện: Công ty TDS yêu cầu tòa án xét xử 2 nội dung, liên quan đến Công ty TDS, là: Thanh toán tiền chênh lệch giữa phần chi mua thiết bị trường học theo Văn bản thỏa thuận giữa Công ty TDS và Bà Lê Thị Bích Dung và yêu cầu bà Dung trả hóa đơn VAT đối với khoản tiền Công ty TDS đã thanh toán cho trường Newton (44,2tỷ) đồng - theo Biên bản cuộc họp giữa các bên ngày 31/05/2018.
Tuy nhiên, sau đó bị đơn (bà Dung) cũng có đơn phản tố, đề nghị huỷ một phần Hợp đồng ngày 03/11/2016 (huỷ phần thỏa thuận trường Pascal chuyển nhượng 49% cổ phần cho bà Phương); hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 07 ngày 23/01/2017 giữa trường Newton và bà Trần Kim Phương.
Theo luật sư, khi xét xử tòa án sơ thẩm lại đi xử (công nhận hiệu lực) một Hợp đồng mà cả nguyên đơn và bị đơn không ai khởi kiện - đó là Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 23/01/2017 giữa bà Trần Kim Phương và Trường Newton? Hợp đồng này xác định bà Trần Kim Phương chuyển nhượng cho trường Newton 13,09% cổ phần của và Phương tại Công ty TDS.
“Phân tích về hiệu lực Hợp đồng, chúng tôi sẽ trình bày ở phần nội dung sau. Nhưng về thủ tục tố tụng liên quan, chúng tôi đề nghị hội đồng xét xử xem xét: Hợp đồng này được ký kết giữa cá nhân bà Phương và Trường Newton (do bà Dung làm đại diện). Vì vậy, khi tòa án tuyên xử Hợp đồng này thì phải xác định tư cách tham gia tố tụng của cá nhân bà Phương. Vì quyết định của Bản án sơ thẩm trực tiếp làm mất 13,09% cổ phần của cá nhân bà Phương. Vì thế, bà Phương không chỉ mang một tư cách là đại diện cho công ty TDS trong vụ án mà bà mang tư cách cá nhân - là người sở hữu 13,09% cổ phần tại công ty TDS.
Như vậy, phải xác định trường Newton có yêu cầu độc lập với bà Trần Kim Phương mới đúng. Thực tế, đơn phản tố của trường Newton không đề nghị nội dung này - mà nội dung này tự tòa án sơ thẩm đưa vào xét xử - mà không có thủ tục tố tụng liên quan (không có người kiện; không có người bị kiện)”, nữ luật sư nói.
Theo luật sư, thực tế hiện nay, bà Phương đang bị mất 13,09% cổ phần tại công ty TDS (chứ không phải Công ty TDS mất), nhưng bà Phương không được thực hiện các quyền tố tụng theo quy định của BLTTDS; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi nghĩa vụ của bà Trần Kim Phương. Ngoài ra, việc thiếu người tham gia tố tụng khác là các thành viên hội đồng quản trị trường Newton và luật sư tham gia trực tiếp tư vấn, soạn thảo, làm chứng việc Trường Newton và bà Trần Thị Kim Phương ký kết Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 07/2018, để làm rõ có hay không việc Trường Newton bị bà Phương ép ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (vì Bản án quyết định Hợp đồng 07 vô hiệu do bị ép ký)?
Trình bày tại phiên tòa, bà Lê Thị Bích Dung cho rằng, bị phía bà Trần Kim Phương đe dọa, treo băng rôn, đổ đất cát vào Trường Pascal nên mới ký một loạt văn bản chuyển nhượng cổ phần Trường Pascal. Tuy nhiên, phản pháo lại thông tin này, bà Trần Kim Phương bản thân không đe dọa, cưỡng ép bà Lê Thị Bích Dung phải ký các văn bản.
Nhằm dẫn chứng cho thông tin này, bà Trần Kim Phương đưa ra các tài liệu để phân tích, lập luận.
Tại phiên phúc thẩm ngày 4/9/2020, tòa án nhân dân TP.Hà Nội dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa sau đó thông báo hội đồng xét xử chưa tuyên án, tạm hoãn phiên xử để các đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ.

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Giáo dục   Hà Nội   hành vi   hợp tác   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...