20/10/2020 14:21  
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 38/2020 quy định về liên kết đào tạo (LKĐT) với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Giảng dạy theo phương thức trực tuyến từ 50% trở lên

Hỗ trợ của Công nghệ thông tin (CNTT) trong Liên kết đào tạo (LKĐT) sẽ xóa nhòa khoảng cách, ranh giới, giúp người học có thể chủ động học mọi lúc, mọi nơi. Với các cơ sở đào tạo (CSĐT), Thông tư sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu và rộng với hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) thế giới.

Thông tư gồm 11 điều, quy định đối tượng, phạm vi áp dụng, các yêu cầu điều kiện tổ chức LKĐT và bảo đảm chất lượng trong LKĐT với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức online và blended.

Thông tư nhằm tạo hành lang pháp lý để các CSĐT của Việt Nam và CSĐT nước ngoài hợp tác xây dựng, triển khai các chương trình LKĐT theo hình thức online và blended; quy định các yêu cầu, điều kiện trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm chất lượng đào tạo, quyền lợi cho người học và các bên tham gia.

Khi thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến từ 50% trở lên trong tổng thời lượng giảng dạy của chương trình, được gọi là hình thức online; dưới 50% gọi là hình thức blended.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và đổi mới phương pháp dạy học, Thông tư quy định, CSĐT trong và ngoài nước có thể LKĐT trình độ đại học theo hình thức online. Đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hiện tại, CSĐT được thực hiện LKĐT theo hình thức blended, với thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến tối đa 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình LKĐT.

Xác định rõ quy mô tuyển sinh liên kết đào tạo trong đề án

CSĐT trong và ngoài nước muốn LKĐT theo hình thức online và blended, bắt buộc phải có kinh nghiệm trong việc triển khai đào tạo theo các hình thức này.

Cụ thể, chương trình LKĐT trình độ đại học được triển khai theo hình thức online phải ở cùng ngành hoặc ngành gần dự định LKĐT. Ngành này phải có tối thiểu 1 khóa sinh viên đã tốt nghiệp.

Chương trình LKĐT trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ được triển khai theo hình thức blended cũng phải ở cùng ngành hoặc ngành gần, cùng trình độ dự định LKĐT và đều đã có tối thiểu 01 khóa sinh viên tốt nghiệp. Chương trình giảng dạy online hoặc blended phải đạt từ 20% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình trở lên.

Thông tư cũng quy định cách thức và nội dung đối với chương trình LKĐT do hai bên cùng xây dựng.

Theo đó, trường hợp cấp văn bằng của CSĐT nước ngoài, chương trình đào tạo (CTĐT) phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành CTĐT của nước ngoài và phải giữ những nội dung cốt lõi của CTĐT của cơ sở GDĐH nước ngoài.

Trường hợp cấp văn bằng của cả CSĐT nước ngoài và của CSĐT Việt Nam, CTĐT phải bảo đảm thực hiện quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành CTĐT của nước ngoài và của Việt Nam; đồng thời, giữ những nội dung cốt lõi của CTĐT của cơ sở GDĐH nước ngoài.

Quy mô đào tạo của chương trình liên kết được xác định căn cứ vào các điều kiện bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý tham gia thực hiện chương trình LKĐT. Các điều kiện này không được trùng với các điều kiện đã được sử dụng để tính toán tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục. 

Trường hợp có chung các điều kiện bảo đảm chất lượng thì quy mô đào tạo của các chương trình LKĐT phải được tính trong tổng quy mô tuyển sinh hằng năm của CSĐT Việt Nam.

CSĐT đề xuất quy mô tuyển sinh hằng năm trong hồ sơ đề nghị phê duyệt LKĐT. Quy mô tuyển sinh tối đa được xác định cụ thể trong quyết định cho phép LKĐT hoặc quyết định tự chủ thực hiện chương trình LKĐT.

Để bảo đảm tính pháp lý và giá trị của văn bằng, Thông tư quy định CTĐT của cơ sở GDĐH nước ngoài đang thực hiện tại trụ sở chính phải được kiểm định chất lượng giáo dục và văn bằng được cơ quan quản lý có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận.

Quy định rõ trách nhiệm các bên, đảm bảo quyền lợi người học

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, quyền lợi của người học, Thông tư quy định rõ trách nhiệm của các bên trong tổ chức hoạt động LKĐT.

CSĐT trong nước và đối tác nước ngoài phải cùng xây dựng và ban hành các quy định cụ thể đối với chương trình LKĐT về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, số lượng người học trong một lớp để bảo đảm sự gắn kết và hiệu quả học tập của người học; thi, kiểm tra, đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc học phần, bảo vệ đồ án, khoá luận, luận văn, luận án; lưu trữ và bảo mật thông tin.

CSĐT có trách nhiệm công khai đầy đủ, minh mạch các thông tin liên quan đến chương trình LKĐT trên trang thông tin điện tử của các bên liên kết và chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, CSĐT phải duy trì các bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học trong hệ thống quản lý học tập và có thể trích xuất phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu trong thời gian tối thiểu 05 năm kể từ khi tốt nghiệp.

CSĐT sẽ phải bồi hoàn học phí cho người học nếu cơ sở GDĐH vi phạm quy định dẫn đến người học không được cấp bằng hoặc văn bằng được cấp không được công nhận ở nước nơi cơ sở GDĐH nước ngoài đặt trụ sở chính.

Dự thảo cũng yêu cầu CSĐT phải đảm bảo quyền lợi của người học và người lao động. Trong thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết, trong Đề án thực hiện LKĐT với nước ngoài phải quy định rõ về phương án xử lý rủi ro khi thực hiện chương trình LKĐT, đặc biệt là trong trường hợp CTĐT bị gián đoạn hoặc kết thúc trước thời hạn.

Để triển khai LKĐT theo các hình thức trên, CSĐT bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết về hạ tầng kỹ thuật, giảng viên và người hỗ trợ thực hiện các học phần giảng dạy trực tuyến theo đúng quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT.

Đồng thời, CSĐT phải đáp ứng yêu cầu về các phương tiện nghe nhìn, học liệu trực tuyến, phương tiện thu âm, ghi hình lưu trữ quá trình tổ chức đào tạo phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra.

CSĐT phải cung cấp đầy đủ giáo trình, học liệu, thư viện điện tử, phần mềm học tập, hướng dẫn sử dụng các bước truy cập hệ thống quản lý học tập trực tuyến, cung cấp tài khoản người dùng và mật khẩu, …

Ngoài ra, phải có hệ thống và cơ chế kiểm tra, xác thực, giám sát và đánh giá được sự tham gia của người học; hệ thống quản lý đào tạo chặt chẽ, đáp ứng được khả năng xử lý thông tin nhanh, có độ chính xác cao.

Đối với học phần giảng dạy trực tuyến, ngoài giảng viên giữ vai trò giảng dạy chính còn có giảng viên giữ vai trò trợ giảng hỗ trợ chuyên môn và người hỗ trợ kỹ thuật. CSĐT Việt Nam và nước ngoài phải thống nhất xây dựng quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của mỗi vị trí nêu trên.

 Phong Chi

Nguồn tin: dantri.com.vn


Công nghệ   Giáo dục   Việt Nam   hạ tầng kỹ thuật   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...