04/11/2020 0:05  
Kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và cuộc đấu giữa hai ứng viên Donald Trump - Joe Biden đang rất kịch tính.
Pennsylvania: Không thể hoàn tất kiểm phiếu trong ngày 3.11
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao bang Pennsylvania Kathy Boockvar ngày 3.11 nhắc nhở các cử tri kiên nhẫn và việc kiểm phiếu sẽ không bao giờ được hoàn tất trong ngày bầu cử, theo CNN. Pennsylvania là một trong số bang chiến địa quan trọng.
Bà Boockvar nhấn mạnh: “Nếu dừng việc đếm phiếu vào ngày bầu cử là chúng ta tước quyền bầu cử của tất cả những người đàn ông và phụ nữ phục vụ đất nước chúng ta, tất cả cử tri phục vụ trong quân đội và ở hải ngoại có những lá phiếu theo luật phải được chấp nhận tới 7 ngày sau bầu cử”.
Nhà Trắng phòng thủ
Hàng rào đã được dựng lên xung quanh Nhà Trắng. Giới chức Mỹ cho hay không có mối đe dọa đáng kể nào vào thời điểm này, nhưng họ muốn chuẩn bị cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra trong tối 3.11 (giờ Mỹ) hoặc trong vài ngày tới, theo CNN.
 
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador ngày 3.11 tuyên bố nước này ổn định về kinh tế và tài chính bất kể Tổng thống Donald Trump tái đắc cử hay cựu Phó tổng thống Joe Bidien thắng cử, theo Reuters.
“Nền kinh tế của chúng tôi vững chắc và các nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin ở đất nước chúng tôi”, ông Obrador khẳng định tại cuộc họp báo.
Đệ nhất phu nhân Melania Trump vừa bỏ phiếu
Đệ nhất phu nhân Melania Trump vừa trực tiếp bỏ phiếu tại Palm Beach, bang Florida. Trong khi đó, Tổng thống Trump sẽ đến thăm Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa ở Arlington, bang Virginia trước khi quay lại Nhà Trắng để theo dõi kết quả bầu cử, theo NBC News.
Ông Joe Biden sẽ dừng chân ở một số nơi tại Pennsylvania và cuối ngày sẽ về lại bang nhà Delaware để theo dõi kết quả.
Nga tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ
Trong ngày bầu cử Mỹ 3.11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga tôn trọng mọi sự lựa chọn của người Mỹ và sẽ sẵn sàng cho sự hợp tác tích cực, nhưng cũng nhấn mạnh Moscow thực tế trong việc đánh giá triển vọng cho quan hệ song phương, theo Reuters.
Trong lúc hàng triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ngày 3.11, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng. Theo NBC News, trong 2 tuần qua có 40 tiểu bang ghi nhận số ca nhiễm tăng lên 25%. Tính đến nay, có 9,3 triệu người Mỹ bị nhiễm Covid-19, trong đó hơn 232.000 người tử vong.
Đã có sự cố với máy bỏ phiếu
Theo CNN, hạt Spalding ở bang Georgia đã ra thông báo trên Facebook về một sự cố kỹ thuật xảy ra với máy bỏ phiếu tại khu vực này.
Thông báo viết: "Vấn đề kỹ thuật xảy ra trên toàn hạt. Phiếu giấy tạm thời đang được vận chuyển tới các điểm bỏ phiếu. Có thể cử tri sẽ phải xếp hàng lâu hơn cho tới khi vấn đề được giải quyết".
Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Spalding đồng thời thông báo máy tính tại tất cả điểm bỏ phiếu ở hạt này đã ngừng hoạt động. Nhà chức trách đang tìm cách khắc phục sự cố.
Hồi năm 2016, ông Trump thắng ở hạt Spalding với 15.636 phiếu, so với 9.347 phiếu của bà Clinton.
Trong ngày bầu cử 3.11, quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Chad Wolf khẳng định không có bằng chứng cho thấy "người nước ngoài" thành công trong việc phá hoại hoặc thao túng bất kỳ lá phiếu nào trong cuộc bầu cử lần này, theo Reuters. Hồi tháng trước, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe cho rằng Nga và Iran đều tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Cục diện tại bang chiến địa Florida: cử tri đảng Dân chủ đăng ký nhiều hơn đảng Cộng hòa
Gần 9,1 triệu cử tri ở bang Florida, một những bang chiến địa quan trọng với 29 phiếu đại cử tri, đã bỏ phiếu bầu, theo dữ liệu do giới chức bang công bố sáng ngày bầu cử 3.11. Con số này tương đương 95% tổng số 9,6 triệu phiếu được bầu trong cuộc bầu cử năm 2016.
Cử tri đảng Dân chủ đăng ký bỏ phiếu nhiều hơn cử tri đảng Cộng hòa khoảng 115.000 người, tăng khoảng 7.000 kể từ ngày 2.11, theo CNN. Gần 2 triệu người không theo đảng nào cũng đã bỏ phiếu.
Các phòng phiếu ở Florida sẽ đóng cửa vào lúc 19 giờ (giờ địa phương). Theo giới quan sát, Florida là bang đặc biệt quan trọng đối với Tổng thống Trump. Không có ứng viên đảng Cộng hòa nào trở thành chủ nhân Nhà Trắng mà không giành chiến thắng ở bang này kể từ thời Tổng thống Calvin Coolidge vào năm 1924.
Mời độc giả đọc thêm về bang chiến địa Florida: >> Florida: chiến trường then chốt trong bầu cử Mỹ
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với chương trình Fox & Friends của kênh Fox News vào sáng ngày bầu cử 3.11, Tổng thống Donald Trump cho hay ông chỉ tuyên bố chiến thắng “khi có chiến thắng”. Ông Trump cho hay ông thấy “có cơ hội chắc chắn giành chiến thắng ở đây”.
Hôm 1.11, trang tin Axios dẫn 3 nguồn tin tiết lộ ông Trump trao đổi với các cố vấn rằng ông dự định tuyên bố giành chiến thắng nếu có dấu hiệu ông vượt mặt đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden tại các bang chiến địa. Tuy nhiên, ông Trump sau đó đã bác bỏ thông tin này.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn trên, ông Trump dự đoán ông sẽ nhận được ít nhất 306 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri, vượt con số 270 phiếu cần thiết để giành chiến thắng.
Twitter sẽ "xử" những tài khoản tự tuyên bố kết quả bầu cử
Mạng xã hội Twitter thông báo sẽ xử lý những tài khoản tự tuyên bố chiến thắng sớm. Theo Twitter, để xác định kết quả bầu cử cần thông báo chính thức từ quan chứ bầu cử của bang, hoặc kết quả thăm dò từ ít nhất 2 hãng tin quốc gia, chính thống có quyền công bố kết quả bầu cử độc lập.
“Những tweet với tuyên bố kết quả sớm sẽ bị gắn nhãn và điều hướng người xem đến trang bầu cử Mỹ chính thức của chúng tôi”, Twitter thông báo.
Tổng thống Trump: "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ thắng"
Tổng thống Trump nói ông thấy lạc quan về cơ hội tái đắc cử, dự đoán sẽ thắng lớn ở các bang chiến địa như Arizona và Florida.
“Chúng tôi thấy rất tốt. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ thắng. Chúng tôi nghĩ mình đang thắng rất lớn tại Texas, tại Florida, tại Arizona. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm rất tốt tại Bắc Carolina, Pennsylvania, ở mọi nơi”, Tổng thống Trump nói với Fox News.
Cựu Phó tổng thống Joe Biden cùng phu nhân Jill Biden và hai cháu gái Finnegan và Natalie Biden đi nhà thờ trong sáng ngày bầu cử 3.11 ở thành phố Wilmington, bang Delaware.
Có tới 100,2 triệu lá phiếu đã được bỏ sớm trước ngày bầu cử 3.11, tương đương 75% tổng số hơn 136,5 triệu lá phiếu được bỏ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, theo CNN.
Số phiếu được bỏ sớm này, trong đó có gần 64 triệu lá phiếu bỏ qua đường bưu điện, đại diện cho hơn 47% tổng số cử tri đăng ký trên toàn quốc.
Theo The Guardian, để đề phòng bất ổn, các tòa nhà ở thành phố New York (bang New York) hay Beverly Hills (bang California) đã lắp ván che bên ngoài.
An ninh tại khu vực gần Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C được siết chặt. Giới chức liên bang đã cho lắp đặt hàng rào không thể leo được xung quanh Nhà Trắng và khuyến cáo các cơ sở kinh doanh đang ký vào kênh cảnh báo tội phạm.

Các phòng phiếu đã mở cửa ở New York, New Jersey và Virginia, và Tổng thống Donald Trump đang tìm cách lật ngược các kết quả khảo sát trước ngày bầu cử nếu muốn đánh bại ứng viên Joe Biden.
Ông Biden nhắc nhở: Đến giờ rồi, đi bầu thôi!
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden vừa đăng tweet đầu tiên vào sáng 3.11. "Đến ngày bầu cử rồi. Đi bầu thôi, nước Mỹ", ông Biden viết trên Twitter.
Liên danh tranh cử cùng ông Biden, bà Kamala Harris cũng vừa đăng tweet: "Ngày bầu cử đến rồi, các phòng bỏ phiếu trên cả nước đang mở cửa. Đeo khẩu trang vào và tìm nơi bỏ phiếu của bạn tại IWillVote.com".
Đức chúc bầu cử Mỹ êm đẹp
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 3.11 chúc người dân Mỹ sẽ có kỳ bầu cử công bằng và hòa bình, theo AFP.
“Đó là cuộc bầu cử cột mốc, quyết định đường hướng và vai trò của Mỹ trên thế giới”, ông Maas nói. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Maas thông báo Đức sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với Mỹ hậu bầu cử.
Chứng khoán kỳ vọng kết quả bầu cử rõ ràng
Các chuyên gia dự báo cổ phiếu Mỹ sẽ tăng vào ngày bầu cử. Trong khi đó tại thị trường chứng khoán Anh, cổ phiếu FTSE 100 đang trên đà tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua. Theo tờ The Guardian, các công ty xây nhà, khai thác mỏ và ngân hàng tiếp tục dẫn đầu nhóm tăng mạnh, cho thấy dấu hiệu lạc quan về kỳ bầu cử Mỹ sẽ có kết quả rõ ràng.
Chuyên gia Jussi Hiljanen tại ngân hàng SEB (Thụy Sĩ) cho rằng làn sóng xanh của đảng Dân chủ Mỹ sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và thể hiện ở gói hỗ trợ quy mô lớn.
“Một kết quả rõ ràng sẽ loại trừ 1 trong 3 lo ngại chính của thị trường hiện nay: đại dịch hoành hành, lo ngại không chắc chắn về bầu cử và khả năng về gói hỗ trợ mới. Một kết quả nhanh và không tranh cãi về bầu cử sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và tiêu cực lên đồng USD và trái phiếu, cho dù ai có thắng đi chăng nữa”, ông nhận định.
 
Tỷ lệ cược ông Trump thắng cử đang tăng
Tỷ lệ cược Tổng thống Trump thắng cử gia tăng sau một đêm tại Anh. Theo sàn cá cược Betfair Exchange, cơ hội thắng của Tổng thống Trump ngày 3.11 là 39% trong khi cơ hội thắng của ông Biden là 61%. Trước đó, tỷ lệ lần lượt là 35% và 65%. Sàn cá cược Smarkets cho rằng Tổng thống Trump có 28% cơ hội thắng, theo Reuters.
Tính đến nay, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là sự kiện cá cược lớn nhất của Betfair Exchange với 300 triệu bảng Anh (389 triệu USD) được cá cược. Theo dự đoán, con số sẽ vượt mức 400 triệu bảng Anh, gấp đôi mức cược năm 2016.
Một người đã đặt cược cửa thắng của Tổng thống Trump 1 triệu bảng Anh tại sàn Betfair Exchange. Trong khi đó, tờ The Sun loan tin một doanh nhân người Anh đặt cược 3,9 triệu bảng Anh cho khả năng Tổng thống Trump chiến thắng. Kèo cá cược này được đặt tại một nhà cái tư nhân ở Curacao, khu vực Caribê.
Nói ông Trump thua tại Pennsylvania, quan chức Mỹ gây "bão mạng"
Tại bang chiến địa Pennsylvania, tổng chưởng lý bang Josh Shapiro đang gây làn sóng chỉ trích trên mạng sau khi cho rằng Tổng thống Trump đã mất khả năng chiến thắng tại bang này, theo Đài Fox News.
“Nếu mọi lá phiếu được bầu ở Pennsylvania, ông Trump sẽ thua. Đó là lý do tại sao ông ấy làm việc quá giờ để giảm bớt càng nhiều cử tri tham gia bỏ phiếu càng tốt”, ông Shapiro, thành viên đảng Dân chủ, viết trên Twitter khi ngày bầu cử mới bắt đầu.
Tại Pennsylvania, bang có 20 phiếu đại cử tri, khảo sát cho thấy ứng viên Biden dẫn trước 2,9%, nhưng khảo sát lại có biên độ sai số đến 4%. Vào năm 2016, ông Trump thắng sít sao khi chỉ hơn 0,7% số phiếu so với ứng viên Hillary Clinton. Khảo sát một ngày trước bầu cử cho thấy bà Clinton khi đó còn dẫn trước với tỷ lệ cao hơn so với ông Biden.
Ông Biden ở nhà chờ kết quả, ông Trump tiếp tục đi
Ứng viên Dân chủ Biden sẽ ở tại nhà riêng ở Wilmington, Delaware trong ngày 3.11. Ông sẽ xem kết quả cùng các trợ lý, cố vấn và vợ mình. Ngoài ra, gia đình bà Kamala Harris cũng sẽ tới đây cùng xem kết quả. Nếu đắc cử tổng thống, ông Biden sẽ đọc bài diễn văn chiến thắng tại trung tâm hội nghị Chase Center của Wilmington.
Tổng thống Trump trở về Nhà Trắng sau nửa đêm, sau đó có cuộc phỏng với Fox News vào sáng sớm 3.11 (giờ Mỹ). Cũng trong buổi sáng ngày bầu cử, ông sẽ đến thăm Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa và văn phòng vận động tranh cử tại Arlington, bang Virginia. Đêm 3.11 (giờ Mỹ), ông Trump sẽ trở về Nhà Trắng theo dõi kết quả.
Hai ứng viên đấu nhau trên Twitter
Tới tận 2-3 giờ sáng 3.11 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump và ứng viên Biden vẫn miệt mài chia sẻ các dòng tweet. Cả hai đều đưa ra lời vận động cử tri đến phút chót và không quên công kích nhau.
Với cử tri Mỹ, việc đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử đồng nghĩa với việc phải cố gắng sắp xếp lịch làm việc bận rộn. Dù bất tiện nhưng ngày bầu cử Tổng thống Mỹ được định là ngày thứ Ba sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11, kể từ năm 1845. Năm nay, ngày bầu cử rơi vào 3.11.
Dù quy định không thay đổi, một số công ty lớn đã thay đổi chính sách để tạo điều kiện cho các nhân viên đi bầu. Theo Đài NPR, năm nay, nhân viên Twitter, PayPal, Coca-Cola, Cisco, Uber và nhiều công ty khác được nghỉ 1 ngày để đi bỏ phiếu. Trong khi đó, Walmart, Starbucks và Apple linh động và cho nhân viên nghỉ nhiều giờ để đi bầu.
Theo báo cáo năm 2017 của Trung tâm nghiên cứu Pew, 14% cử tri đã đăng ký nhưng không bầu vào năm 2016 vì bận rộn.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden viết trên Twitter rằng dù là một người Dân chủ nhưng sẽ lãnh đạo với tư cách là tổng thống của toàn bộ người Mỹ. “Tôi sẽ làm việc với người Dân chủ và Cộng hòa và sẽ nỗ lực cho những người không ủng hộ tôi lẫn những người ủng hộ. Bởi đó là công việc của một tổng thống”, ông Biden viết.

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ không tác động đến chính sách của Iran đối với Mỹ, theo Reuters. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp ngày 3.11, ông Khamenei nhấn mạnh: “Chính sách của chúng tôi đối với Mỹ đã được vạch ra rõ ràng và sẽ không thay đổi với những chuyển động nhân sự. Chúng tôi không quan tâm ai thắng và ai ra đi”.
Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải đoạn video ông nhảy theo bài hát YMCA của nhóm nhạc người Mỹ Village People, được phát hành vào năm 1978 và kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông.
“Hạ cánh ở thủ đô Washington D.C lúc 2:45 sáng ngày bầu cử 3.11 sau cuộc mít tinh vận động tái tranh cử cuối cùng của Tổng thống Donald Trump ở thành phố Grand Rapids, bang Michigan trong chiến dịch năm 2020. Không ai làm việc chăm chỉ hơn Tổng thống của chúng tôi… Hãy bỏ phiếu cho Tổng thống Trump thêm 4 năm nữa!”, cố vấn Nhà Trắng Ivanka Trump, con gái của ông Trump, bình luận trên Twitter.
Kết quả thăm dò mới nhất
Theo tổng hợp tất cả các kết quả thăm dò mới nhất cập nhật trên trang RealClearPolitics, ông Joe Biden dẫn trước Tổng thống Trump trên toàn quốc với cách biệt 6,7 điểm phần trăm nhưng đang bị thu hẹp. Tại các bang chiến địa, ông Biden dẫn trước 2,8 điểm phần trăm và cũng đang trên đà bị thu hẹp.
Các bang "sống còn" định đoạt kết quả bầu cử 2020
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay sẽ được quyết định bởi ít nhất 9 bang chiến địa, hiện chưa thể chắc chắn bang nào sẽ về tay ai để giành đủ 270 phiếu đại cử tri. Các bang chiến địa then chốt gồm:
Florida (29 lá phiếu đại cử tri)
Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri)
Ohio (18 phiếu đại cử tri)
Michigan (16 phiếu đại cử tri)
Arizona (11 phiếu đại cử tri)
Wisconsin (10 phiếu đại cử tri)
Georgia (16 phiếu đại cử tri)
Bắc Carolina (15 phiếu đại cử tri)
Texas (38 phiếu đại cử tri)
Tổng thống Trump tự tin thắng cử
Tổng thống Donald Trump ngày 3.11 dự đoán ông sẽ có thêm một "chiến thắng đẹp" khi đến điểm vận động tái tranh cử cuối cùng.
"Chúng ta sẽ có thêm một chiến thắng đẹp", ông tuyên bố trong cuộc mít tinh vận động tái tranh cử cuối cùng tại thành phố Grand Rapids, bang Michigan rạng sáng ngày 3.11.
Tổng thống Trump kết thúc cuộc vận động cử tri ở Grand Rapids, bang Michigan lúc vừa sang ngày mới, theo The Guardian. Hàng ngàn người có mặt tại sự kiện để nghe nhà lãnh đạo phát biểu. “Đây không phải là đám đông dành cho người sẽ thua cuộc tại Michigan”, Tổng thống Trump nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin vào khả năng tái đắc cử của ông dù nhiều khảo sát cho thấy ông đang bị đối thủ Joe Biden dẫn trước ở các bang chiến địa.
“Tôi đã xem những khảo sát giả mạo này. Dù gì đi nữa chúng tôi sẽ chiến thắng. Chúng tôi đang thật sự tốt theo tất cả các cuộc khảo sát thực tế”, Tổng thống Trump phát biểu trước người ủng hộ ở thành phố Fayetteville, bang Bắc Carolina ngày 2.11.
Dù vậy, Tổng thống Trump nói sẽ không bao giờ trở lại nếu thua cuộc. “Tôi chịu thêm áp lực khi phải tranh cử cùng gã như vậy. Tôi không thể tin điều này đang xảy ra. Các bạn có tưởng tượng được việc để thua gã này. Tốt hơn là các bạn nên đi bỏ phiếu vào ngày mai hoặc tôi sẽ rất giận dữ. Tôi sẽ không bao giờ quay lại”, Tổng thống Trump nói.
Sau đó, nhà lãnh đạo cảm ơn những người con của ông và nói vô cùng tự hào về họ, “bất kể điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai”. “Nhưng nếu tôi không thắng, tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với chúng nữa”, Tổng thống Trump đùa.
Các cuộc khảo sát thăm dò cho thấy ông Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump tại các bang chiến địa quan trọng cho nỗ lực tái đắc cử của nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, đây cũng từng là diễn biến xảy ra trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm khi khảo sát cho thấy bà Hillary Clinton dẫn trước nhưng cuối cùng ông Trump giành chiến thắng.
Hãng khảo sát FiveThirtyEight cho rằng ông Biden có 90% cơ hội thắng, tờ The Economist đánh giá là xấp xỉ 96% trong khi Politico nói cuộc đua nghiêng về phía ứng cử viên đảng Dân chủ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) bật đèn xanh cho cử tri mắc Covid-19 được trực tiếp bỏ phiếu. “Các cử tri có quyền bỏ phiếu, bất chấp việc họ đang bệnh hay cách ly”, Đài Fox News dẫn thông tin từ CDC cho biết.
CDC khuyến cáo các bệnh nhân Covid-19 cần tăng cường các biện pháp bảo vệ những người khác khi đi bỏ phiếu, như đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách, rửa tay trước và sau khi bỏ phiếu. Những bệnh nhân này phải thông báo với các nhân viên phòng phiếu về việc họ mắc bệnh hoặc đang cách ly, trước khi đến bỏ phiếu.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân cần giảm thiểu thời gian tại phòng phiếu, có thể bằng cách điền mẫu đăng ký trước và mang theo các mẫu phiếu đã điền
Chọn khẩu trang đến phòng phiếu
Đài CBS News dẫn lời bác sĩ Scott Gottlieb, cựu quan chức Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra chỉ dẫn về khẩu trang phòng dịch Covid-19 cho các cử tri đến phòng phiếu vào thời điểm dịch bệnh tiếp tục lan rộng tại Mỹ. “Khẩu trang vải có lẽ chỉ cung cấp sự bảo vệ từ 10 – 30% trước Covid-19. Khẩu trang phẫu thuật 2-3 lớp có thể nâng mức bảo vệ lên khoảng 60%. Khẩu trang N95 là loại hiệu quả nhất, với 90 – 95% hiệu quả”, bác sĩ Gottlieb phân tích.
Những nơi có kết quả đầu tiên
Kết quả bầu cử tại Millsfield, bang New Hampshire: ông Trump thắng.
Kết quả kiểm phiếu tại Dixville Notch, bang New Hampshire: ông Biden thắng.
Vệ binh quốc gia trực chiến
Vào thời điểm những người Mỹ đầu tiên bỏ phiếu trong ngày bầu cử 3.11, bang Massachusetts đã gia nhập danh sách ngày càng gia tăng của các tiểu bang Mỹ sẵn sàng viện dẫn sự hỗ trợ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia trong trường hợp xảy ra bạo loạn. Hiện có ít nhất 16 tiểu bang Mỹ đã kích hoạt Vệ binh Quốc gia.
FBI cảnh báo nguy cơ bạo động
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo nguy cơ bùng phát các cuộc đụng độ vũ trang giữa những nhóm cực hữu và cánh tả ở thành phố Portland (Oregon) liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3.11.
Cuộc bầu cử ngày 3.11 có thể chứng kiến Tổng thống Trump của đảng Cộng hòa hoặc đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng. Điều này có nguy cơ dẫn đến bạo động.
Do đó, nhiều công ty, cửa hàng và nhà hàng ở trung tâm thành phố Portland dùng các tấm gỗ gia cố các cửa, đề phòng bạo động bùng phát, bất kể Tổng thống Trump hoặc ông Biden giành chiến thắng.
"Điều khiến chúng tôi lo ngại nhất là nguy cơ bùng phát đụng độ vũ trang giữa các nhóm đối lập và bạo lực đẫm máu", Đặc vụ FBI Renn Cannon tại Portland nói, đồng thời nhắc đến vụ một người ủng hộ phe cực hữu bị bắn chết ở Portland hồi tháng 8, theo AFP.
Chính quyền bang Oregon đồng thời đặt Lực lượng Vệ binh Quốc gia trong tình trạng sẵn sàng ứng phó bạo động.
Cử tri tại bang New Hampshire bỏ phiếu lúc nửa đêm
Ngày bầu cử chính thức tại Mỹ đã bắt đầu và cử tri tại bang New Hampshire là những người đầu tiên bỏ lá phiếu bầu tổng thống trong ngày 3.11.
Như thông lệ vào mỗi mùa bầu cử, cử tri tại làng Dixville Notch tại bang New Hampshire ở bờ đông Mỹ bắt đầu bỏ phiếu ngay khi vừa sang ngày 3.11.
Ngôi làng nằm trong một khu rừng gần biên giới Canada chỉ có 12 người dân. Truyền thống bỏ phiếu này bắt đầu từ năm 1960, theo AFP. Ngay sau đó, người dân tại làng Millsfield cũng bắt đầu bỏ phiếu chọn tổng thống.
Hầu hết các điểm bỏ phiếu tại bờ đông sẽ mở cửa vào 6-7 giờ ngày 3.11 (18-19 giờ, giờ Việt Nam).
 
Những điều cần biết về 2 ứng cử viên

Nguồn tin: thanhnien.vn


Apple   Covid   Covid-19   Donald Trump   Florida   Joe Biden   Khẩu trang   Lãnh đạo   MC   Nhà Trắng   Reuters   Trump   Tổng thống   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   hành vi   hợp tác   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...