26/01/2021 11:20  
Một ngày sau khi Trung Quốc ban hành luật hải cảnh, Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông.

Ngày 22-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (TQ) thông qua luật hải cảnh, một động thái có thể sẽ gây nhiều biến động ở Biển Đông, biển Hoa Đông và các vùng biển tranh chấp lân cận. Không lâu sau bước đi của TQ mà nhiều chuyên gia cho là rất nguy hiểm này, nhiều nước liên quan nhanh chóng có phản ứng.

Mỹ, Nhật: Sẽ bảo vệ Biển Đông, biển Hoa Đông

Hãng thông tấn Kyodo News cho biết ngày 24-1 Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi và tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã điện đàm và đồng ý sẽ tăng cường sức mạnh liên minh trong bối cảnh TQ ngày càng tăng tính quyết liệt trong các tranh chấp hàng hải.

Theo lời Bộ trưởng Kishi nói với báo chí sau cuộc điện đàm, hai ông thống nhất “phản đối mọi ý định đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Ông Kishi cho biết ông và người đồng cấp Mỹ tái khẳng định Mỹ có trách nhiệm bảo vệ một khi Nhật bị tấn công ở quần đảo Senkaku thuộc biển Hoa Đông.

Ngoài thống nhất tăng cường liên minh, hai bộ trưởng cũng đề cập tính cấp thiết trong hợp tác với các đối tác cả trong và ngoài khu vực nhằm duy trì và củng cố một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn thông báo từ Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ ngày 24-1 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã được triển khai vào Biển Đông từ ngày 23-1. Đi cùng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt lớp Nimitz là tàu tuần dương tên lửa USS Bunker Hill lớp Ticonderoga, tàu khu trục tên lửa USS Russell và USS John Finn cùng lớp Arleigh Burke.

Theo tuyên bố của quân đội Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay thực hiện các chiến dịch như thường lệ “nhằm đảm bảo tự do trên biển, xây dựng quan hệ đối tác thúc đẩy an ninh hàng hải”.

Trung Quốc khó lộng hành

Ngay từ trước khi Mỹ, Nhật phản ứng đã xuất hiện nhiều ý kiến quan ngại về luật hải cảnh TQ, dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh nói luật “phù hợp với thông lệ quốc tế”. 

Báo South China Morning Post lo ngại căng thẳng giữa TQ và các nước láng giềng có rủi ro sẽ tăng cao sau động thái nguy hiểm này của TQ. Sở dĩ nói nguy hiểm là vì TQ tuyên bố mình có chủ quyền ở gần hết Biển Đông và ở biển Hoa Đông. Ngoài tranh chấp với Nhật (ở biển Hoa Đông) và với Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei, lãnh thổ Đài Loan (ở Biển Đông), TQ còn tranh chấp quyền đánh cá với Indonesia ở quần đảo Natuna.

Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) đặc biệt lo ngại rằng từ ngữ không rõ ràng trong luật - chẳng hạn cụm từ “các vùng biển thuộc tài phán quốc gia” - có thể sẽ tăng rủi ro xung đột ở các vùng biển tranh chấp.

Nhật gần đây gửi công hàm phản đối việc tàu hải cảnh TQ tăng hiện diện gần quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông. Ngay từ lúc TQ công bố dự luật, Chánh Văn phòng nội các Katsunobu Kato đã tuyên bố “sẽ theo dõi mọi diễn biến liên quan hải cảnh TQ” và khẳng định sẽ tiếp tục “phản ứng kiên quyết và điềm tĩnh với tàu TQ”.

Ngoài ra, nhà phân tích ngoại giao hàng hải Christian Le Miere và là nhà sáng lập công ty tư vấn chiến lược Arcipel (về địa chính trị và địa kinh tế) cho rằng luật hải cảnh TQ “đánh vào trái tim” chính sách tự do lưu thông hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Vì thế, bước đi mới nhất này của TQ có thể làm phức tạp hơn quan hệ giữa nước này với Mỹ vốn đang có quan hệ liên minh chiến lược với nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật, Philippines, theo đài Al Jazeera.

Mỹ luôn nói rõ Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung Mỹ - Nhật có điều khoản Mỹ bảo vệ Nhật, áp dụng cho cả trường hợp Nhật bị tấn công ở Senkaku. Tháng trước Mỹ vừa thông báo sẽ kết hợp lực lượng hải cảnh chung với các lực lượng hàng hải để đối phó với sự gia tăng hiện diện của TQ ở Biển Đông.•

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Công nghệ   Reuters   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chính sách   căng thẳng   hợp tác   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...