27/10/2020 17:10  
"Cấm hoàn toàn đồng tiền này vào Việt Nam là khó khả thi, nếu cho phép mua vào để cất trữ thì được. Tuy nhiên, phải cấm sử dụng nó là trung gian thanh toán, vật ngang giá." - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Trung Quốc số hóa đồng Nhân dân tệ trở thành vấn đề nóng toàn cầu, PV Dân trí có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, để làm rõ tác động của chiến lược này.

- Thưa ông, gần đây Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng đưa đồng tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số vào lưu thông nhằm tránh tác động cuộc chiến thương mại, quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và dẫn dắt toàn cầu đi vào cuộc chơi, cách chơi của mình? Ông nhận định gì về động thái này? 

- Trung Quốc sử dụng tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số chính là cách gia tăng ảnh hưởng của mình. Việc hiện thực hóa tham vọng, tăng vai trò ảnh hưởng của nước này trên toàn cầu ở cả khía cạnh thương mại, chính trị và tiền tệ là vấn đề mà Trung Quốc đặt ra lâu nay. 

Tiền kỹ thuật số mang tính biểu tượng, vừa mang tính thực tế. Tính biểu tượng ở đây nó đại diện cho Trung Quốc, quốc gia lớn nhất thế giới sử dụng tiền kỹ thuật số trên phương diện rộng. Ý đồ của họ nếu thành công sẽ thử nghiệm cho toàn Trung Quốc và có thể tiến đến trạng thái quốc tế hóa sức mạnh của mình.

Tôi thấy khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm mọi cách kìm hãm Trung Quốc về cả kinh tế, chính trị, Trung Quốc vẫn tăng ảnh hưởng ở châu Phi, châu Á với nhiều cách khác nhau. Theo tôi, thương chiến không khiến Trung Quốc yếu đi mà nó khiến nước này chủ động thích ứng và tái cấu trúc lại chính sách chiến lược của mình sớm hơn. 

Cuộc chơi mới với đồng tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số, Trung Quốc cho thế giới thấy trình độ của họ lớn hơn và đưa tham vọng "xâm lấn kinh tế" vào chiến lược gia tăng ảnh hưởng của mình. Việc thành công hay thất bại phụ thuộc vào cách thức Trung Quốc và đối thủ thực hiện thời gian tới. 

Về lý thuyết, tiền giấy và kỹ thuật số đều dựa vào thế lực kinh tế của của quốc gia, khác với trước kia đồng tiền theo giá trị dự trữ vàng của quốc gia (kim bảng vị). Chính vì vậy, đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc thành công ngoài thực tế là vấn đề sớm muộn, việc sử dụng đại trà phạm vi quốc gia hoặc nước bị ảnh hưởng có thể sẽ xảy ra sau 3 năm nữa. 

- Hiện nhiều nước Anh, Nhật, Canada, Thụy sĩ, Thụy điển đã có chiến lược hiện thực hóa tiền điện tử... Con đường phía trước rất "mù mờ" nếu Trung Quốc dẫn đầu, họ đặt cuộc chơi, đặt cách chơi đối với thế giới. Với cách chơi và tiềm lực sẵn có, Trung Quốc sẽ sử dụng tiền ảo để hiện thực hóa tham vọng "vành đai, con đường", "chuỗi ngọc trai"... nhằm gia tăng ảnh hưởng với thế giới, ông nhìn nhận gì về vấn đề này? 

- Trước hết, về mặt tiền tệ, đúng là Trung Quốc đang đi đầu trong cuộc chạy đua số hóa sức mạnh đồng tiền và có thể từ đó sẽ dẫn đầu nền kinh tế số hóa, tri thức hóa, nơi không có biên giới, nơi không gian chưa thực sự được xác lập chủ quyền thuần túy. 

Nếu đồng Nhân dân tệ được kỹ thuật số hóa thành công, đưa vào trung gian thanh toán tại Trung Quốc, đồng tiền này có thể sẽ vượt qua giới hạn của một đồng tiền ảo thông thường như Bitcoin, bởi đằng sau đó chứa đựng quyền lực của một nền kinh tế lớn và đầy tham vọng. 

Ta thừa biết các đồng tiền kỹ thuật số các "coin" thông thường được đưa ra bằng thuật toán, nơi người tìm ra, sở hữu bằng cách giải thuật toán, đào bằng kỹ thuật số, không chứa đựng bất cứ quyền lực kinh tế nào cả.  

Tuy nhiên, với Nhân dân tệ kỹ thuật số - một đồng tiền được cả một nền kinh tế Trung Quốc đứng sau hậu thuẫn với nhiều tham vọng, người ta hiểu đây không đơn thuần là tiền điện tử mà còn là một công cụ tăng sự ảnh hưởng của Trung Quốc, sự xâm lấn kinh tế trong không gian và kỷ nguyên số.

- Trung Quốc dùng tiền kỹ thuật số thực tế là chiến lược và tham vọng gia tăng ảnh hưởng của mình, đồng thời né được những cách thức trừng phạt của Mỹ đối với sức mạnh ở mọi phương diện? 

- Theo tôi, Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể ảnh hưởng, len lỏi và di chuyển vào mọi ngõ ngách, khía cạnh đời sống và đối với mọi cá nhân. Nếu nó ở dạng sở hữu tài sản, thì ai cũng có thể mua được; nếu nó đứng ở chức năng thanh toán, khó có chế tài nào có thể giám sát và xử phạt được hết. 

Dù đồng Nhân dân tệ hiện nay chưa lọt vào danh sách các đồng tiền mạnh (hard currency), nhưng Trung Quốc đã và đang làm bằng mọi cách để buộc quốc tế phải công nhận họ. 

Bên cạnh đó, việc đưa Nhân dân tệ kỹ thuật số vào lưu thông thử nghiệm, Trung Quốc hiện thực bước đi đầy tham vọng thay thế đồng USD trong ngoại thương, một bước so găng mới với Mỹ. Việc ra mắt đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể được coi là bước đi tiếp theo mà Trung Quốc muốn loại bỏ đồng USD trong sân chơi ngoại thương song phương hoặc đa phương giữa họ với các đối tác khác. 

- Theo ông, nếu điện tử hóa đồng tiền giấy thành công, Trung Quốc sẽ sớm đặt ra cách chơi, cuộc chơi không chỉ cho các nước nhỏ, thậm chí là cả nước lớn trong cuộc chơi hiện thực hiện đồng tiền điện tử? 

- Ảnh hưởng của Trung Quốc đến châu Á rất lớn, thái độ của họ là ngự trị hàng đầu châu Á. Việc Trung Quốc đưa 1,5 triệu USD tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số để lưu thông thực tế tại Thâm Quyến, Thành đô, Tô châu, nơi sẽ tổ chức sự kiện Thế vận hội mùa đông 2022 là một mũi tên trúng hai đích, vừa kiểm tra sự thích ứng của xã hội mới, nơi có đầy đủ các định chế tài chính lớn trong và ngoài nước đặt tại đặc khu này. 

Với sự kiện Thế vận hội  mùa Đông 2022, tại sự kiện này, Trung Quốc sẽ quảng bá cho thế giới biết các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang bùng nổ mạnh mẽ tại Trung Quốc vài năm trở lại đây.  Điều này có thể "đánh động" cho thế giới và phương Tây biết về quyền lực mới của châu Á, của Trung Quốc. 

- Từ năm 2019, tại các thành phố, trung tâm du lịch của Việt Nam như Quảng Ninh, Nha Trang, Phú Quốc, cơ quan chức năng đã phát hiện và triệt phá nhiều thiết bị thanh toán, quét mã giao dịch mua hàng tại Việt Nam nhưng thanh toán, trả tiền bằng ví điện tử, thiết bị thanh toán tiền của Trung Quốc. Điều này được cho là gây tổn hại cho Việt Nam, nguy cơ thao túng, loại bỏ tiền Việt ngay trên "sân nhà". Với tiền điện tử, chiêu thức này dự đoán sẽ phức tạp hơn, theo ông cần làm gì để ngăn chặn?

- Việt Nam giáp biên với Trung Quốc nên mỗi năm có hàng triệu lượt khách du lịch, thương nhân sang làm ăn, vui chơi. Việc thanh toán tại Việt Nam bằng đồng Nhân dân tệ thông qua các ví điện tử, thiết bị trung gian thanh toán về Trung Quốc khi đồng nhân dân tệ đã phức tạp, khi đồng tiền này được chuyển sang điện tử hóa thì không biết còn chiêu thực gì diễn ra. 

Trong không gian mạng, rất khó để có biện pháp ngăn chặn dân Việt mua vào Nhân dân tệ kỹ thuật số như một loại tiền tài sản, tích trữ. Thậm chí, nếu họ có móc nối với đối tượng Trung Quốc để thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ điện tử thì cũng khó phát hiện, ngăn chặn. 

Theo tôi, việc cấm hoàn toàn đồng tiền này vào Việt Nam là khó khả thi, nếu cho phép mua vào để cất trữ thì được. Tuy nhiên, phải cấm sử dụng nó là trung gian thanh toán, vật ngang giá. Đây là thực tế buộc các nhà quản lý của Việt Nam phải xây dựng cơ chế giám sát, quản lý tốt hơn. 

Tôi hi vọng Chính phủ, Bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu thật rõ về những nguy cơ của nhân dân tệ kỹ thuật số đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là việc ẩn nấp các giao dịch bất hợp pháp, giao dịch theo chuỗi của nhiều đối tượng phức tạp.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền (Thực hiện)

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Donald Trump   Trump   Trung Quốc   Tổng thống   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chuyên gia tài chính   chính sách   du lịch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...