05/10/2020 8:15  
Đồng bitcoin, Libra và đồng DCEP sẽ cùng cạnh tranh trên thị trường tiền ảo. Ảnh: Super Crypto News

Thử nghiệm tiền số trên máy bán đồ chơi

Delfino là hãng con của công ty xây dựng Okura của Nhật Bản, nhưng đặt văn phòng chính ở Thượng Hải. Mảng kinh doanh chính của Delfino là chế tạo, bán và vận hành các loại máy bán hàng tự động ở Trung Quốc. Các máy bán đồ chơi gachapon của hãng là công cụ hoàn hoản cho việc thử nghiệm tiền số của Trung Quốc bởi số lượng giao dịch giá trị nhỏ được thực hiện thường xuyên và rất nhiều lần.

“Ban đầu, chúng tôi được yêu cầu tham gia dự án trên Internet vạn vật”, Chủ tịch Delfino Yasumitsu Kojika nói với hãng tin Nikkei Asian hôm 3-10

Delfino hợp tác với hãng viễn thông quốc doanh của Trung Quốc là China Unicom năm ngoái để phát triển máy bán hàng tự động tương thích với công nghệ 5G, có màn hình cảm ứng và chấp nhận mã thanh toán QR (QR Code).

Máy bán đồ chơi thông minh này được lắp đặt ở 10.000 địa điểm ở các thành phố sâu trong nội địa của Trung Quốc, bao gồm Trùng Khánh. Máy sẽ “nhả” ra các món đồ chơi nhỏ là các nhân vật trong các bộ truyện tranh manga “Thám tử Conan”. Các nhân vật đồ chơi này do hãng Bandai của Nhật Bản cung cấp, được bán với giá 10-50 nhân dân tệ mỗi món, tức 35.000-175.000 đồng.

Các máy gachapon của Delfino đã thu hút sự chú ý của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Delfino đã đưa máy đến 5 khu vực mà ngân hàng trung ương đang thử nghiệm đồng tiền số, bao gồm thành phố mới An Tân Khu ở tỉnh Hồ Bắc và các khu vực tổ chức Olympics mùa đông 2022.

Máy gachapon thích hợp cho các thử nghiệm tiền số của Trung Quốc bởi “máy bán các món đồ mà phần lớn người không đắn đo khi mua”, ông Kojika nói.

Máy bán đồ chơi trước đây chỉ xử lý các mã QR của Alipay và các ví điện tử khác, nhưng máy gachapon trong các thử nghiệm mới có thể tiếp nhận các thanh toán chạm hay các tiếp xúc gần trong 4cm theo yêu cầu của ngân hàng trung ương.

Các trang báo công nghệ Trung Quốc nói tiền số sẽ sớm được sử dụng trên nền tảng gọi xe Didi và sử dụng rộng rãi từ Olympics 2022. Ảnh: Caixin

Tăng tốc triển khai tiền số

Các thử nghiệm đồng tiền số nhằm sử dụng song song hay tiến tới thay thế tiền giấy được tiến hành ở Trung Quốc cách đây hơn 5 năm, nhưng chỉ tăng tốc sau khi Facebook giới thiệu dự án đồng tiền số Libra vào tháng 6-2019.

Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu đồng tiền số (digital currency electronic payment – DCEP) kể từ năm 2014. Hai năm sau, Quốc vụ viện Trung Quốc đưa tiền số công nghệ blockchain vào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020. Cùng thời điểm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng mở viện nghiên cứu riêng về tiền số. Tháng 10-2019, Trung Quốc ra luật về tiền tệ công nghệ số.

Chương trình thử nghiệm bắt đầu từ tháng 4 vừa rồi tại năm thành phố: Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu và Bảo Định thuộc An Tân Khu, Hồ Bắc trên quy mô dân số 41 triệu người. Từ tháng 5, viên chức nhà nước tại các thành phố này đã bắt đầu nhận lương bằng tiền số.

Ngân hàng trung ương chưa bao giờ công bố thời điểm đưa ra tiền số, nhưng các kế hoạch hợp tác đã công bố phần nào tiết lộ công cuộc nghiên cứu và thử nghiệm đang được đẩy nhanh.

Tháng 4 vừa rồi, hãng công nghệ trí tuệ nhân tạo SenseTime đã ký thỏa thuận với Viện nghiên cứu tiền số thuộc ngân hàng trung ương để mở rộng việc ứng dụng AI trong ngành công nghệ tài chính. Hồi tháng 7, trang Caixin nói hiện dịch vụ gọi xe Didi, giao nhận thức Meituan Dianping, trang chia sẻ video Bilibili và hãng ByteDance cũng đang tham gia hoặc cùng thảo luận các chương trình hợp tác với Chính phủ.

Trong tháng 8, việc thử nghiệm mở rộng sang Thượng Hải, Quảng Châu và Hồng Kông. Bộ Thương mại Trung Quốc nói chương trình đặt mục đích lượng người sử dụng sớm đạt 400 triệu, tức 29% tổng dân số hơn 1,4 tỉ người ở nước này.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra hơn hai năm nay. Các đối đầu về địa chính trị, công nghệ và tài chính ngày càng gia tăng từ phía Washington đã khiến Bắc Kinh đẩy nhanh các nỗ lực xây dựng một đồng tiền số riêng.

“Đồng nhân dân tệ số như là đối thủ của đồng đô xanh vẫn là hiện tượng trong tương lai xa. Số hóa chưa giải quyết được vấn đề thiếu tính linh động chuyển đổi tự do của đồng tệ. Tuy nhiên, quá trình số hóa và các hệ thống thanh toán khoán tạo ra ưu thế cho các định chế tài chính và ngân hàng Trung Quốc. Điều này sẽ trở nên quan trọng khi loại tiền tệ này được tự do hóa”, Andrew Collier, giám đốc điều hành hãng nghiên cứu tài chính Orient Capital Research ở Hồng Kông, phát biểu.

Các nhà phân tích dự báo Trung Quốc sẽ dùng tiền số trong các giao dịch xuyên quốc gia, có khả năng sẽ vượt hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu Swift mà đồng đô la Mỹ đang thống lĩnh.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chọn cách tiếp cận là họ sẽ phát hành đồng tiền số cho các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, rồi các đơn vị này sẽ phân phối đến công chúng. Theo tạp chí Business Herald của Trung Quốc, một số ngân hàng thương mại lớn của nước này đã bắt đầu các thử nghiệm nội bộ quy mô lớn trong việc dùng ví điện tử tương thích cho sử dụng đồng tiền ảo.

Ngân hàng Trung ương dự định dùng tiền số tạo cân bằng cho việc quá phụ thuộc vào các phương tiện thanh toán điện tử. Ví Alipay của tập đoàn tài chính Ant Group và ví WeChat Pay của Tencent hiện chiếm đến 96% thanh toán di động ở Trung Quốc.

Đồng tiền số sẽ “cùng tồn tại theo một cách thức nào đó với mã QR – vốn đã bén rễ trong hạ tầng tài chính của Trung Quốc”, giáo sư Yosuke Tsuyuguchi thuộc Đại học Teikyo nhận định.

Một phụ nữ sử dụng ứng dụng Traveloka ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Sự bùng nổ mua sắm trực tuyến trên smartphone tạo điều kiện cho tiền số phát triển mạnh ở Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei Asian

Toàn cầu tham gia số hóa đồng tiền quốc gia

Hồi tháng 5 vừa rồi, một nhóm gồm các nhà chính trị và kinh doanh Trung Quốc đã đề nghị thiết lập một đồng tiền số chung ở khu vực Đông Bắc Á – gồm đồng nhân tệ, đồng won Hàn Quốc, đồng yên Nhật Bản và đô la Hồng Kông. Đề nghị này đưa ra chỉ sau một tuần sau khi quỹ đầu tư Temasek Holdings của Singapore tuyên bố đã gia nhập hội Libra Association của Facebook.

Rõ ràng lo ngại trước các áp lực từ Mỹ là tác nhân thúc đẩy Trung Quốc ráo riết đẩy nhanh tốc độ triển khai đồng tiền số của riêng mình, và cả đề nghị hợp tác với các nước Đông Bắc Á  – dù rằng lời đề nghị chưa chính thức do chính phủ Trung Quốc tuyên bố.

Tuy nhiên, tháng 6 vừa rồi đã có những tuyên bố đầu tiên về hợp tác trong lĩnh vực tiền số giữa Trung Quốc và Singapore. Tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải, giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Singapore Ravi Menon tuyên bố rằng hai nước sẽ hợp tác trong nghiên cứu chuyên môn và đang thăm dò khả năng cho phép du khách Trung Quốc sử dụng tiền số DCEP ở nước ngoài.

Công cuộc nghiên cứu và thử nghiệm đồng tiền số của Facebook và Trung Quốc phần nào đó tạo nên sự lo lắng của các nước nhỏ hơn ở châu Á và trên thế giới. “Đồng Libra gây nguy cơ với các quốc gia thiếu tự tin, hoặc nói cách khác là mức tự tin rất kém, vào đồng tiền của họ” – theo lời nhà kinh tế cấp cao Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura. Ông Kiuchi từng là thành viên thuộc ban chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Sự thiếu tin tưởng đó khiến các nước quay sang dùng Libra mà không sử dụng đồng tiền riêng của mình, có nguy cơ làm chính sách tiền tệ trở nên kém hiệu quả. Trong trường hợp Campuchia, nơi chỉ 20% trong tổng số dân 16 triệu có tài khoản ngân hàng, việc ngả sang chọn Libra là rất lớn.

Tuy nhiên, có đến 80% ngân hàng trung ương các nước đang nghiên cứu hay thử nghiệm đồng tiền số của riêng mình. Hôm 4-10, Liên hiệp châu  u (EU) mới tuyên bố bắt đầu nghiên cứu đồng euro số. Với các nước nhỏ, đồng tiền số giống như tuyên bố chủ quyền quốc gia.

Ngân hàng Quốc gia Campuchia vào tháng 7-2019 đã đưa ra thử nghiệm Bakong, nền tảng tiền tệ số đầu tiên của nước này. Hệ thống cho phép người dùng sử dụng smartphone để trả tiền ở nhà hàng hay tiệm tạp hóa hay chuyển khoản giữa các tài khoản cá nhân ở Phnom Penh. Hiện chương trình đã thực hiện toàn quốc.

Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương với vỏn vẹn hơn 50.000 dân đã có đồng tiền số trên công nghệ blockchain tháng 9 năm ngoái. Các nhóm nước vùng biển Caribe ở Trung Mỹ - vốn dựa vào nguồn đầu tư mua quốc tịch – cũng đã tung ra chương trình thử nghiệm tiền số cho khối này.

“Tiền số do các ngân hàng trung ương phát hành dự kiến sẽ tạo những chuyển đổi với hệ thống tiền tệ. Đồng tiền số của Trung Quốc dự kiến sẽ phát hành nhân Olympics 2022 ở Bắc Kinh. Thậm chí, vốn nghi ngờ về sức mạnh của tiền số do ngân hàng trung ương phát hành, Mỹ cũng bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Bài học của những nước ứng dụng sớm, như Campuchia, sẽ cho thấy ảnh hưởng kinh tế và xã hội rõ ràng của tiền số”, Nikkei Asian nhận định.

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Nhật Bản   Swift   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...