26/01/2021 16:10  
Các tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc được triển khai tới các căn cứ ở nhiều khu vực, đặt Ấn Độ vào tầm ngắm và đe dọa căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã triển khai số lượng lớn bệ phóng dành cho tên lửa đạn đạo tầm trung tiên tiến mới (IRBM) tới các khu vực phía đông và phía tây nước này để huấn luyện. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng vì một loạt các vấn đề, trong đó có Biển Đông.

Theo báo cáo của Liên đoàn Khoa học Mỹ (FAS) tại Washington ngày 21/1, các hình ảnh vệ tinh của công ty Maxar Technologies cho thấy quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều bệ phóng tên lửa DF-26 tới một địa điểm huấn luyện ở tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc. Báo cáo cho biết đây là lần đầu tiên DF-26 được triển khai tại khu vực này.

Tuần trước, Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Defence Review ở Canada, cũng tiết lộ trong một video trên YouTube rằng, Lực lượng tên lửa của Trung Quốc đã triển khai khoảng 16 bệ phóng tên lửa DF-26 tới căn cứ Thanh Châu ở Sơn Đông và một bệ phóng tương tự tại căn cứ Korla ở Tân Cương.

Ông Chang cho biết các địa điểm triển khai DF-26 trên đặt Ấn Độ vào "tầm ngắm", đồng thời đặt ra mối đe dọa với căn cứ hải quân của Mỹ ở Yokosuka cũng như các tiền đồn quân sự khác ở Nhật Bản.

DF-26 là tên lửa đạn đạo được trang bị đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 5.000 km. Trung Quốc gọi DF-26 là "sát thủ tàu sân bay". 

Theo ông Chang, Trung Quốc đã xây dựng 2 nhà kho khổng lồ để chứa các tên lửa DF-26 và đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ triển khai số lượng lớn tên lửa tới khu vực biên giới.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhou Chen Ming nói rằng sự xuất hiện của DF-26 ở Korla nhằm mục đích huấn luyện.

"Đây không phải lần đầu tiên DF-26 xuất hiện tại đó, nhưng là lần đầu tiên được vệ tinh chụp lại", chuyên gia Zhou cho biết.

Chuyên gia Zhou nhận định Trung Quốc không cần sử dụng tên lửa DF-26 uy lực để đối phó với Ấn Độ, trong khi căn cứ Thanh Châu ở phía đông chỉ là thao trường huấn luyện của lực lượng tên lửa.

Theo ông Zhou, căn cứ vào tầm hoạt động của DF-26, các tên lửa này có thể nhắm mục tiêu vào các tàu nước ngoài nếu các tàu này đi vào lãnh hải Trung Quốc.

"Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không triển khai DF-26 tới tiền tuyến hay khu vực ven biển, vì chúng sẽ dễ dàng bị phát hiện và bị các tên lửa Tomahawk trên các tàu của Mỹ tiêu diệt", ông Zhou nói thêm.

Mỹ đã tăng cường hiện diện ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong hai năm qua. Quân đội Mỹ đã điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay và một nhóm tác chiến viễn chinh tới khu vực để thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải. Gần đây nhất, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đã tiến vào Biển Đông tuần trước để thực hiện "chiến dịch thường kỳ".

Nhà bình luận quân sự Song Zhong Ping cho rằng "mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là đẩy lùi các tàu sân bay của Mỹ càng xa càng tốt".

Trong một cuộc thử nghiệm hồi tháng 8 năm ngoái, Lực lượng tên lửa của Trung Quốc phóng một tên lửa DF-26 từ tỉnh Thanh Hải ở tây bắc nước này, nhắm mục tiêu vào một tàu đang di chuyển ở Biển Đông. Theo FAS và chuyên gia Chang, DF-26 từng được triển khai tới ít nhất 4 địa điểm khác ở Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo SCMP

Nguồn tin: dantri.com.vn


Nhật Bản   Trung Quốc   chuyên gia   căng thẳng   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...