25/01/2021 6:10  
Tiến tới Đại học thông minh, đa ngành, trường ĐH Giao thông Vận tải đã áp dụng mô hình trường điện tử để thay đổi cách thức và phương pháp quản trị tiên tiến và thay đổi phương pháp giảng dạy, đào tạo

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, hệ thống trường điện tử được thiết kế và phát triển theo mô hình BPM - mô hình quản trị hiện đại đang được áp dụng trên thế giới.

Mô hình BPM (Business Process Management - BPM) dựa trên nguyên tắc quản lý toàn bộ quá trình đối với một doanh nghiệp, với mục đích là cải thiện nâng cao hiệu suất hoạt động bằng phương pháp quản lý và tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ trong một tổ chức, doanh nghiệp.

Đây là quy trình nghiệp vụ được thiết kế để cải thiện thông qua sự kết hợp giữa nghiệp vụ của các bộ phận trong đơn vị và công nghệ thông tin để làm cho các quy trình nghiệp vụ hiệu quả và tối ưu hơn.

Đối với các trường Đại học khi hướng đến tự chủ và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình cần phải hoàn thiện hệ thống quản trị nhà trường, do vậy việc áp dụng mô hình này sẽ nâng cao trách nhiệm của từng bộ phận khi được giao nhiệm vụ và phát huy cao nhất các hoạt động trong nhà trường có kết hợp với công nghệ thông tin.

Hiện nay mô hình của trường đã được thiết kế triển khai các hoạt động quản lý đào tạo, quản lý khoa học công nghệ, quản lý sinh viên, quản lý trang thiết bị và tài chính được quản lý trên hệ thống nền tảng chung. Mô hình này cũng có tính chất mở và được vận hành theo mục tiêu quản lý.

Phóng viên: Thưa ông, trường điện tử có ý nghĩa như thế nào với công tác hoạt động của trường ĐH Giao thông vận tải hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương: Trường điện tử là bước quan trọng trong việc xây dựng và tiến tới xây dựng nhà trường thông minh.

Trong thời gian qua nhà trường đã có những bước chuẩn bị hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm trong quản lý, trong 3 năm qua nhà trường đã triển khai nhiều phần mềm ứng dụng trên hệ thống đáp ứng các yêu cầu phục vụ đào tạo, phục vụ nghiên cứu khoa học, trong quản lý các hoạt động của nhà trường, cụ thể là các hoạt động đào tạo, công tác sinh viên...

Việc xây dựng nhà trường điện tử để hướng đến và bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện và đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong nhà trường.

Trên cơ sở đó sẽ thay đổi cách thức và phương pháp quản trị nhà trường theo hướng hiện đại và tiên tiến, đồng thời thay đổi phương pháp giảng dạy, đào tạo, nâng cao hiệu quả và chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Xây dựng trường ĐH Giao thông vận tải thành Đại học nghiên cứu

Phóng viên: Khi thực hiện tự chủ thì mục tiêu, chiến lược phát triển trường ĐH Giao  thông Vận tải theo hướng nào thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương: Khi tự chủ mục tiêu chiến lược phát triển của trường tập trung chủ yếu vào việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu và có sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Khi thực hiện đảm bảo và nâng cao chất lượng đòi hỏi nhà trường phải nâng cao năng lực quản trị nhà trường, chịu trách nhiệm và giải trình trước xã hội.

Trong chiến lược phát triển nhà trường hướng đến là trường Đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người học, của xã hội và phục vụ cộng đồng và xã hội. Đồng thời đa dạng hóa loại hình và chương trình đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và của xã hội.

Phóng viên: Nếu Trường ĐH Giao thông vận tải xác định mục tiêu xây dựng trường trở thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực thì hiện nay nguồn lực nhà trường đã chuẩn bị như thế nào vì theo một báo cáo, hoạt động khoa học của Nhà trường còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ các nhà khoa học của Trường?

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương: Nếu đánh giá như nhà báo thì có thể là chưa đầy đủ và chưa phản ánh hết được những điều kiện và năng lực của nhà trường trong nghiên cứu và phục vụ lao động sản xuất trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Về nguồn nhân lực hiện nay nhà trường có trên 900 cán bộ, giảng viên các nhà khoa học, trong đó cơ hữu với 150 GS, PGS, gần 300 Tiến sĩ, trong đó 2/3 được đào tạo bài bản ở nước ngoài.

 Ngoài ra còn có các cán bộ nguyên là giảng viên của trường tham gia thỉnh giảng và tham gia hoạt động nghiên cứu của nhà trường.

Đến nay nhà trường ngoài nghiên cứu theo nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở rộng nghiên cứu theo các chương trình của Bộ KHCN, các bộ ngành và các tỉnh, ngoài ra còn có các đề tài nghiên cứu với các quỹ nghiên cứu trong và ngoài nước.

Một số phòng thí nghiệm đã được trang bị phục vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải. Như gần đây nhất là mặt cầu Thăng Long sau nhiều năm và nhiều đơn vị triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thì đến nay cán bộ KHCN của trường đã tham gia và đáp ứng tốt được yêu cầu và được Bộ GTVT và các đơn vị đánh giá cao.

Tuy nhiên bên cạnh đó trường vẫn còn nhiều khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm cho một số lĩnh vực khác mà xã hội đang đặt ra như cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử,...chính điều này cũng là hạn chế để xây dựng sản phẩm mang thương hiệu của trường.

Mặt khác việc thương mại hóa sản phẩm cũng là một khó khăn cho đầu ra của nghiên cứu khoa học. Do vậy, nhà trường đã xác định khắc phục khó khăn, từng bước đưa sản phẩm nghiên cứu đăng ký các bằng sáng chế, bản quyền và tìm kiếm thị trường và khách hàng sử dụng sản phẩm. Có như vậy mới có sản phẩm mang thương hiệu của trường. Đây cũng là mục tiêu cơ bản của trường trong giai đoạn 2021-2025.

Phóng viên: Vậy trường đầu tư xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh như thế nào, thưa ông?

 PGS.TS Nguyễn Thanh Chương: Nhà trường xác định hướng đến trường đại học nghiên cứu, do vậy, trong chiến lược và kế hoạch cần hình thành các nhóm nghiên cứu làm nòng cốt cho quá trình nghiên cứu của trường. Nhà trường đã chia thành các lĩnh vực nghiên cứu, các nhóm sản phẩm nghiên cứu,...để phát huy thế mạnh của cá nhân và các bộ môn, các khoa trong trường.

Cụ thể như trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông như vật liệu mới, công nghệ thi công mới, phân tích kết cấu. Các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ nano, nghiên cứu cơ bản. Đối với giao thông vận tải đi sâu nghiên cứu như Giao thông thông minh, Trí tuệ nhân tạo trong quản lý giao thông vận tải, đường sắt đô thị, chống sụt lún, logistics,…

Nhà trường căn cứ vào các yêu cầu của từng lĩnh vực để tập trung hai hình thức là đầu tư từ nguồn nghiên cứu khoa học theo Nghị định 99 và nguồn hỗ trợ, tài trợ của các doanh nghiệp và nguồn nghiên cứu khoa học khác.

Phóng viên: Được biết, trường ĐH Giao thông vận tải là 1 trong 7 trường đại học kỹ thuật ký kết hợp tác toàn diện để công nhận về chương trình đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học…như vậy, các trường có thể công nhận tín chỉ của nhau không thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương: Để đi đến ký kết hợp tác toàn diện, 7 trường đã trao đổi bàn bạc về xây dựng chương trình đào tạo Kỹ sư mới, việc thực hiện chương trình đào tạo là bước đi đầu tiên trong hợp tác của 7 trường Kỹ thuật.

Sau khi thống nhất được chương trình đào tạo Kỹ sư, Cử nhân, thống nhất được chuẩn đầu ra của chương trình và môn học và tiến tới công nhận tín chỉ đào tạo của các trường.

Như chúng ta biết, trong 7 trường kỹ thuật hợp tác với nhau thì có 5 trường ở khu vực Hà Nội, vì vậy việc hợp tác và công nhận tín chỉ đối với các trường cũng sẽ thuận tiện hơn và có lợi hơn với người học.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Giáo dục   Hà Nội   Nghị định   chiến lược   doanh nghiệp   hợp tác   logistics   sản xuất   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...