22/11/2020 11:40  
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) có cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị. Ông cho biết, mặc dù Luật Quản lý thuế đã có hiệu lực từ tháng 7/2020 yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử nộp thuế theo quy định pháp luật nhưng đến nay vẫn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài như Google, Facebook, Netflix.
Thưa ông, pháp luật đã có chế tài nào xử phạt các Tập đoàn công nghệ lớn Facebook, Google, Netflix nếu họ không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định?

- Theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) năm 2019, vừa có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 đã bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, Điều 42 quy định đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Luật còn quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan như Bộ Thông tin & Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước… phối hợp với cơ quan thuế cung cấp, xác định thông tin giao dịch đối với hoạt động thương mại điện tử.
Theo đó, Điều 27 quy định, ngân hàng thương mại có nghĩa vụ khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Đây được coi là biện pháp mạnh mẽ của Việt Nam nhằm chống thất thu thuế đối với các dịch vụ thương mại xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, Điều 26, Luật An ninh mạng có quy định, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Đối với doanh nghiệp nước ngoài phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Theo quy định này thì các công ty công nghệ như Google, Facebook, Amazon, Netflix… khi cung cấp các dịch vụ công nghệ tại Việt Nam sẽ phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định này. Do vậy đến nay, cơ quan chức năng gặp khó trong việc buộc các công ty công nghệ đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới việc quản lý thuế đối với các công ty công nghệ nước ngoài.

Việt Nam cần bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính như thế nào để gắn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với các nhà cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới?

- Thiết nghĩ luật cần quy định rõ hơn về công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, chế độ kế toán thuế thông qua việc đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục, mẫu biểu tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế; đồng thời vẫn đảm bảo cơ quan thuế có đầy đủ thông tin quản lý thuế cần thiết về người nộp thuế.

Đồng thời, cần liên thông với các cơ quan nhà nước có liên quan (cơ quan đăng ký kinh doanh, ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc, hải quan...) trong quá trình giải quyết các thủ tục về thuế cho người nộp thuế như hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thủ tục nộp thuế...

Ngoài ra, cần áp dụng quản lý rủi ro trong công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, hoàn thuế thông qua việc chuẩn hóa thông tin về người nộp thuế trên toàn quốc nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu định danh người nộp thuế đầy đủ, chính xác và cập nhật kịp thời.

Cùng với đó, quy định rõ về chế tài xử phạt có tính răn đe, xử phạt dựa trên doanh thu cũng như quy định cụ thể về khung hình phạt với các cá nhân, tổ chức khi vi phạm.

Hiện các quốc gia tại Liên minh Châu Âu đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook, Netflix... có thể nộp thuế cho các thu nhập phát sinh tại mà không cần đại diện thương mại thông qua hình thức đăng ký trực tuyến. Các doanh nghiệp đăng ký sẽ được cấp mã số thuế và tiến hành khai, nộp thuế theo quy định. Cách làm này có thể áp dụng tại Việt Nam không?

- Cách làm này có thể áp dụng tại Việt Nam. Bởi vì thông qua các ngân hàng và nhà mạng viễn thông có thể ghi nhận các giao dịch được thực hiện đến tài khoản của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới này để nắm bắt số liệu và đối tượng sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook, Netflix... có thể nộp thuế cho các thu nhập phát sinh tại Việt Nam mà không cần hiện diện thương mại thông qua hình thức đăng ký trực tuyến giản đơn. Các doanh nghiệp đăng ký sẽ được cấp mã số thuế và tiến hành khai, nộp thuế theo quy định.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Hà Nội   Kinh tế   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Tài chính   Tập đoàn   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   kế toán  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...