27/11/2020 18:10  
Tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay, thực tế triển khai tự chủ đại học đặt ra 4 vấn đề vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.

Sáng 27/11, Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề "Tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH) - từ chính sách đến thực tiễn" chính thức được khai mạc tại Nhà Quốc hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và phát biểu khai mạc. Tham dự hội thảo còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đang công tác trong lĩnh vực GDĐH; đại diện các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý cơ sở GDĐH; các chuyên gia, nhà khoa học...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, giáo dục - đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại, được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước.

Đảng, Nhà nước đã khẳng định chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu nên việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay đang là mối quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội, được mọi người dân, mọi gia đình cùng quan tâm.

Mỗi cấp học và trình độ đào tạo đều có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

GDĐH mang chức năng là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo ra tri thức, sản phẩm mới để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế.

Đồng thời đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe tốt, có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc và có ý thức phục vụ nhân dân.

Còn đó những rào cản đổi mới giáo dục đại

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trên 30 năm đổi mới, GDĐH Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho GDĐH phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng. Đặc biệt, có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở GDĐH.

Tuy nhiên, trong thực thi còn những khó khăn, rào cản, đặt ra những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của GDĐH Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2002 là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai; trên cơ sở đó, đề xuất những ý tưởng, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, hướng thực hiện và kinh nghiệm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả tự chủ GDĐH, phát huy sáng tạo của các cơ sở đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công cuộc phát triển đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội thảo cần dân chủ thảo luận, tập trung vào một số nội dung:

Thứ nhất, các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ phải có trách nhiệm giải trình theo quy định, các cơ quan có trách nhiệm đã tôn trọng quyền đó của các cơ sở đại học hay chưa.

Điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, trách nhiệm của hội đồng trường; hội đồng đại học đã phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng thế nào? Quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế về quản lý nội bộ, các chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn Nhà nước quy định ra sao...? 

Thứ hai, về quyền tự chủ học thuật, trong hoạt động chuyên môn - Đây là vấn đề lớn. Các quy định về thực hiện tiêu chuẩn, chất lượng, việc mở ngành, việc tuyển sinh, việc đào tạo gắn với hoạt động khoa học công nghệ, việc hợp tác trong nước và quốc tế sao cho phù hợp với quy định của Nhà nước và hệ thống pháp luật chuyên ngành quy định những nội dung quan trọng này.

Thứ ba, về quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự liên quan đến cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, về tiêu chuẩn, danh mục việc làm liên quan đến tuyển dụng, sử dụng hoặc cho thôi việc với giảng viên, các viên chức và người lao động trong các cơ sở GDĐH.

Đây là một trong những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, có bước đi, cách làm phù hợp, vừa trân trọng và có tính kế thừa đội ngũ cán bộ, chuyên gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.

Thứ tư, đặc biệt rất cần hoàn thiện và mẫu mực về quyền tự chủ trong tài chính và tài sản (kể cả các nguồn thu) quản lý sử dụng tài chính, tài sản, chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển, chính sách học phí, học bổng đối với người học.

Với trách nhiệm: Khi chúng ta bàn về tự chủ đại học rất cần quan tâm đến trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH. Nếu không thực hiện đúng cam kết thì phải xử lý thế nào khi liên quan đến tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, đến mức lương, thưởng, đến các báo cáo tài chính hằng năm và phải nghiêm túc thực hiện kiểm toán đầu tư mua sắm, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH trước chủ sở hữu, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền.

"Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Bộ GD&ĐT khi phải vừa chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật, vừa phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những nội dung trong quản lý Nhà nước của mình ra sao?" - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói, đồng thời tin tưởng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở, lý luận thực tiễn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định các chính sách phát triển giáo dục Đại học, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển giáo dục đại học hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cần hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ về tự chủ đại học

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã phát biểu tham luận liên quan đến triển khai chính sách, pháp luật về tự chủ đại học.

Theo Thứ trưởng, tự chủ đại học là xu hướng tất yếu trên thế giới, nhưng quan niệm và mức độ triển khai còn khác nhau. Tự chủ đại học không còn mới ở Việt Nam, nhưng vẫn còn quan niệm chưa đúng bản chất (vẫn thường được hiểu gắn với tự bảo đảm kinh phí). Do đó, để thực hiện tự chủ cần đổi mới nhận thức. Tuy nhiên, đổi mới nhận thức là một quá trình, cần hành động để thay đổi nhận thức chứ thể không chờ thay đổi nhận thức rồi mới hành động.

Trao đổi về bản chất của tự chủ đại học, Thứ trưởng chia sẻ, đó là vấn đề tự quyết và chịu trách nhiệm của trường đại học về những hoạt động của mình. Ngoài ra, trường đại học có hệ thống quản trị nội bộ để phân quyền và trách nhiệm, đảm bảo quá trình ra quyết định và thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn.

Mục tiêu của tự chủ đại học là tối ưu hóa hoạt động của toàn hệ thống. Theo đó, các trường ĐH năng động, sáng tạo và hoạt động hiệu quả hơn; cơ quan quản lý tập trung làm tốt hơn chức năng giám sát và hỗ trợ; cùng với đó là nâng cao chất lượng, mang lại lợi ích lớn hơn cho người học và xã hội.

Thông tin về một số chỉ số hoạt động của 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 giai đoạn 2015-2020, Thứ trưởng cho hay: tỉ lệ giáo viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%; tăng thu hút thí sinh đại học (tỉ lệ tuyển được/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%).

Số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% toàn quốc. Số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần, nay đóng góp 45% toàn quốc. Tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù ngân sách cấp giảm 2,1 lần). Chúng ta đã có 4 trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021. Đặc biệt là có sự thay đổi lớn về nhận thức trong toàn hệ thống.

Thứ trưởng đề xuất, kiến nghị: Quốc hội quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ đại học.

Về phía Chính phủ, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ với Luật 34 và Nghị định 99, chẳng hạn như: cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý tài sản công, tuyển dụng người nước ngoài.

Ngoài ra, tăng tỉ trọng đầu tư ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học. Thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học và Bộ GD&ĐT là thường trực. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan quản lý trực tiếp hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc sớm thành lập, kiện toàn hội đồng trường và các vị trí lãnh đạo chủ chốt theo quy định của Luật số 34 và Nghị định 99.

Đối với cơ sở giáo dục đại học, cần nâng cao năng lực quản lý và hiểu biết pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý. Hoàn thiện hệ thống văn bản, quy chế nội bộ, phân cấp mạnh tới các đơn vị chuyên môn. Nhanh chóng hoàn thiện tổ chức bộ máy (hội đồng trường, ban giám hiệu). Tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ cơ sở trong mọi hoạt động. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong giai đoạn tới.

Về phía Bộ GD&ĐT, đẩy nhanh xây dựng, ban hành các quy chế, quy định, cẩm nang hướng dẫn. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục đại học. Hỗ trợ nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học qua các đề án, dự án.

Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, giám sát và quản lý chất lượng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đổi mới và tự chủ đại học và thành lập Ban chỉ đạo triển khai tự chủ đại học.

Lệ Thu

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Giáo dục   Mục tiêu   Nghị định   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   diễn đàn   hợp tác   kiến nghị   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...