30/03/2021 14:06  
Điều hấp dẫn là những cuốn sách ra đời từ blog, facebook hay những trang mạng xã hội khác, khi khoác “áo mới” và được phát hành trên “nền tảng” truyền thống - sách - của văn hóa đọc, lại trở thành những tác phẩm thu hút sự chú ý của độc giả, thậm chí còn là best-seller (bán chạy) như các tập sách của Nguyễn Quang Lập, Cù Mai Công, Nguyễn Thị Hậu…
Sự thành công của việc biến những bài đăng trên mạng xã hội thành những cuốn sách được độc giả đón đợi, đã lan tỏa rộng rãi trong giới viết lách ở Việt Nam hiện nay và tạo ra hiệu ứng ngoài mong đợi. Thậm chí, có những facebooker khi lướt facebook, đọc được những entry, status của người khác, thấy thú vị, cũng comment khích lệ: “Hay đấy, tập hợp lại rồi in thành sách đi. Kẻo phí!”.
Người tiên phong trong việc “chuyển đổi” này, có lẽ là nhà văn Nguyễn Quang Lập. Cách đây chừng 10 năm, blog Quê Choa của ông là một “địa chỉ mạng” được nhiều người tìm đọc. Nguyễn Quang Lập đã đăng lên blog cá nhân nhiều entry kể về những gì ông đã chứng kiến, trải nghiệm trong đời. Bằng lối hành văn một mạc, dí dỏm, đôi khi dung tục nhưng rất lôi cuốn bạn đọc, Nguyễn Quang Lập đã tạo cho mình một sân chơi chữ nghĩa ở trên mạng, có tới vài chục ngàn người theo dõi. Thế rồi, vào một ngày đẹp trời, Nguyễn Quang Lập đã biến những entry này thành những tập sách dày dặn, đặt cho nó những cái tựa, cũng mộc mạc, bình dân như nội dung của các entry này: Chuyện đời vớ vẩn, Bạn văn, Ký ức vụn, xuất bản thành sách và bán đắt như tôm tươi.
TS Nguyễn Thị Hậu, với nick name Hậu Kc Nguyễn, cũng là người thành công khi “chuyển facebook thành book”. Là một người đi nhiều, đọc cũng nhiều, có óc quan sát tinh tế và tư duy sắc sảo, Nguyễn Thị Hậu thường nhanh chóng note lại trên facebook cá nhân những gì chị thấy, trải nghiệm và phản ánh. Chị dùng facebook như cuốn “nhật ký đường đời”, đồng thời cũng là nơi tạo lập và lưu trữ nguồn tư liệu sơ cấp và trực quan, là nguyên liệu làm nên những cuốn sách: Thế giới mạng và tôi, Buổi trưa trong quán café, Quay qua quay lại… Chị cho biết: những gì mình đọc, thấy và chiêm ngẫm ở đâu đó trong ngày, nếu không ghi lại ngay thì sẽ bị lãng quên hoặc chúng tự trôi đi. Nhưng với một cái i-pad, hay smart phone có kết nối internet, mình dễ dàng lưu lại những điều “tận mục sở thị” với nguyên vẹn cảm xúc bằng những status đăng trên facebook. Rồi khi có thời gian và hứng thú thì sẽ copy những status đó, dựng thành bản thảo để in sách; hoặc dùng những status đó như “tài liệu đầu tay” cho những dự án viết lách, in ấn dài hơi sau này”.
Nhưng cú chuyển đổi những status trên facebook Cù Mai Công thành cuốn sách Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” thì mới thực sự ngoạn mục. Cù Mai Công là nhà báo, cũng là một võ sư, nên đã dùng con mắt của dân võ và ngòi bút của dân văn để quan sát tỏ tường, chiêm nghiệp thấu đáo và phản ánh tường minh về khu Ông Tạ (Q.Tân Bình, TP.HCM), nơi anh cư ngụ. Ông Tạ là khu vực hiện có khoảng 150.000 cư dân sinh sống, nhưng là nơi quần tụ nhiều nhất của những nhân vật tiếng tăm trong nhiều lãnh vực: chính trị, quân sự, văn hóa, văn nghệ, giang hồ… của cả hai chế độ trước và sau 1975. Cù Mai Công ở đó trong gần 60 năm trong đời, đã quan sát, trải nghiệm lưu vào ký ức, rồi viết và đăng trên facebook về “khu Ông Tạ”.
Những status của anh về “biệt khu” này nhận được cả trăm, cả ngàn lượt like của các facebooker. Và, Cù Mai Công đã chuyển những status đình đám đó thành cuốn sách Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” (NXB Trẻ, 2021). Chỉ chưa đầy 1 tháng kể từ khi phát hành, 6.000 bản sách đã bán hết. Cù Mai Công cho hay: “Ngày mẹ tôi còn sống, có lần bà nói: Con là nhà văn, nhà báo, sao không thấy viết dòng nào về khu Ông Tạ của mình vậy? Sau khi bà qua đời, tôi hứa với vong linh mẹ: Trong 5 năm sẽ viết xong từ 500 - 800 trang về khu Ông Tạ. Tôi chọn facebook là nơi đăng đầu tiên để “đo lường” sự ủng hộ của độc giả, nhất là độc giả xuất thân từ khu Ông Tạ, rồi mới in thành sách. Cuốn Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” chỉ là cuốn đầu, “lên đời” từ những bài đăng trên facebook. Sắp tới sẽ có cuốn thứ hai, thứ ba về “biệt khu Ông Tạ” này”.
Facebooker Lam Hồng Nguyễn (Nguyễn Hồng Lam), cũng là một nhà báo, đã in bộ sách 3 tập Người của giang hồ (NXB Trẻ), tập hợp nhiều bài viết từng đăng trên facebook, như loạt bài về: giang hồ Trà Bắc, về ông Trùm bến Thượng Hải, quyền lực của vua Mèo trên cao nguyên đá Đồng Văn, vua thuốc phiện Khun Sa...
Ngoài những tay bút lão luyện như trên, còn có những cây bút trẻ như Gào (Vũ Phương Thanh), cũng gom những truyện ngắn đăng trên Yahoo 360 hay blog cá nhân để in thành những ấn phẩm: Cho em gần anh thêm chút nữa, Nhật ký son môi, Tự sát, Hoa linh lan, Anh sẽ yêu em mãi chứ…, lần lượt trở thành best - seller và được tái bản liên tục. Hay facebooker Tờ Pi (Trang Hà Trang) cũng là tác giả đình đám trên mạng xã hội với những bài viết về cuộc sống, tình yêu, gia đình, mới đây đã in cuốn Tạm biệt, em ổn, với “xương sống” là những bài, những thông tin đã xuất hiện trên facebook của cô.
Có lẽ một ngày không xa, Việt Nam sẽ có một “dòng văn học facebook”, và bài viết này sẽ được đưa vào danh mục Tài liệu tham khảo cho một công trình học thuật nào đó về “dòng văn học” này. Biết đâu đấy!

Nguồn tin: thanhnien.vn


HCM   Việt Nam   giang hồ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...