28/09/2020 8:10  
Chi phí... dọn dẹp tăng trong đại dịch. Tổ chức nghiên cứu bất động sản Propmodo thống kê tại các tòa nhà - chung cư hay văn phòng công sở, trường học, thấy chi phí cho vệ sinh tăng mạnh nhất - thường là 10%. Phun chloramine tòa nhà,  khử trùng giày dép, nước rửa tay...

Bất động sản chỉ “ngủ đông" chứ không khủng hoảng nhiều như các ngành khác. Lãi suất gửi ngân hàng giảm, vàng lên vù vù... Thế nên phải chăm cái nhà, giữ cho sạch đẹp vệ sinh nơi sống. Dù mọi ngày “quẳng đấy “ lo kiếm tiền thì nay nằm nhà cách ly, giãn cách, không có việc quan trọng không đi, thế nên phải ở nhà, có thời gian... tự làm osin.

Đã từ lâu thị trường có nghề giúp việc nhà ở các đô thị lớn. Không ai coi thường hay xấu hổ, vì nó là một nghề kiếm sống chân chính. Không phải “có bằng cấp“ gì nhưng có kỹ năng nghề nghiệp cả đó. Trung thực, sạch sẽ, chu đáo, biết cách dọn dẹp vệ sinh, nấu ăn, trông em bé, chăm sóc người già.

Ở nước ngoài phải như một y tá mới trông trẻ - baby sister. Có người sang Đức về bảo nghề điều dưỡng chăm người bệnh người già cũng có thể sống tốt. Nhưng phụ nữ Việt quá nhỏ bé, nhiều khi không bồng bế di chuyển được người Tây to béo cao lớn. Đó cũng thành tiêu chuẩn nghề nghiệp.

Có cái tên osin - cho thấy không ai khinh miệt nghề giúp việc. Bởi Oshin là tên một nhân vật trong phim Nhật Bản dạo nào, nổi tiếng vì chịu khó đi lên từ nghề giúp việc mà thành đạt.

Dịch Covid-19 bùng ra, người “bỏ chạy về quê“ đầu tiên là các cô osin, khiến nhiều nhà xính vính. Cũng may là cách ly, giãn cách, ở nhà - nên tự làm osin.

Mới biết cô con gái công chúa hay chàng hoàng tử của mình có căn phòng bừa bãi cỡ nào. Chỉ nhìn cái kệ giày thôi đủ choáng. Có phòng riêng, lại “bận rộn" bên ngoài, về nhà lướt mạng, chat chit đến khuya, đến sáng mai làm sao mở mắt được, lại phải dậy lao đi.

Thế nên “cái kho" của họ rất bừa bộn mà còn không thích ai vào dọn dẹp, “làm lung tung hết cả”, “vào lục lọi riêng tư của người ta"... Nhưng bề bộn rác rưởi quá, má phải vào dọn, hoặc tự mình phải chăm sóc, mình làm osin cho mình chứ ai.

Mới chăm cái cây, tỉa lọ hoa, xếp lại gấu bông đồ chơi, giặt gối, nệm, bỏ bớt áo quần cũ, lau chùi bộ salon, vứt bớt giấy vụn bàn làm việc... Mới hiểu sao các nhà nghiên cứu bảo sau dịch nhìn lại biết rõ hơn ngành thời trang đã sản xuất vượt xa nhu cầu, tồn đọng lớn lắm.

Mệt ra phết nhưng không gì sướng bằng sau khi dọn xong, up hình lên phây, giường ngủ sạch sẽ, trang hoàng búp bê xinh. Đứa bạn còm “thay cái gối đi" mới biết thiên hạ ngắm kỹ đó.

Rồi tự tay nấu nướng, dù rằng chỉ up hình bánh trái thành công, dù nấu xong để nguyên cái bếp như trận đồ bát quái cho má vào dọn. Vừa dọn vừa la nhưng con đâu có nghe.

Chả phải có đại dịch người ta mới mê căn nhà sống xanh. Nhưng nay càng giá trị hơn, mới đầy trên mạng “căn nhà cây xanh trốn khói bụi giữa thủ đô” hay “căn nhà nhỏ trên thảo nguyên”.

Muốn thu kết quả, phải có “đầu tư “- muốn nhà sạch đẹp, mọi khi có osin, nay thì mình tự làm. Mệt nhưng vui. Có khi còn tiết kiệm tiền, yên tâm hơn, không bị các cô ấy yêu sách, hay bỏ về quê - đó là chưa kể hy hữu có cô cuỗm tiền hoặc lợi dụng ông chủ.

Thôi thì tiền nào của ấy. Dọn dẹp thay cho thể dục. Tiện nhiều bề khi nào dịch đỡ nguy hiểm, các cô ấy lại lên ngay ấy mà. Họ cũng cần tiền để sống, ở quê mãi, hết cơn sợ dịch thì lại cơn chán. Lại lên thành phố.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Bất động sản   bất động sản   thành công   Covid   Lãi suất   tiết kiệm   đô thị   giá trị   Nhật Bản  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...