11/12/2020 16:10  
Chiếc ôtô do người phụ nữ cầm lái đang di chuyển thì bất ngờ lao vào một người dân, đâm vỡ kính showroom Mazda Việt Trì (Phú Thọ), trước đó đã có không ít vụ tai nạn tương tự xảy ra.

Chiều 10/12, chiếc xe Ford Everest mang BKS 88A (Vĩnh Phúc) đang đi trên đường Nguyễn Tất Thành thì bất ngờ lao thẳng lên vỉa hè, đâm vào một người dân, sau đó tông vỡ kính showroom Mazda Việt Trì (Phú Thọ), va chạm với ô tô trưng bày bên trong.

Người bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Hình ảnh tại hiện trường cho thấy mảnh kính bị văng khắp sàn. Xe Ford và một chiếc Mazda bị hư hỏng nặng.

Theo thông tin từ một số người dân tại hiện trường, người điều khiển chiếc xe Ford là một phụ nữ. Trong khi đó, nguyên nhân của vụ tai nạn đang tiếp tục được điều tra. 

Vụ tai nạn trên không phải cá biệt mà trước đó đã có không ít trường hợp đau lòng liên quan đến việc ô tô mất lái gây hậu quả nghiêm trọng.

Một trong những nguyên nhân là do tài xế nhầm giữa chân ga với chân phanh, trong khi đây lại được xem là "lỗ hổng" vì không được đề cập một cách chi tiết cũng như trở thành một yêu cầu bắt buộc trong các giáo trình dạy và học lái xe. Do đó, tài xế nên tự trang bị kiến thức để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người khác.

Kiểm tra và chú ý tư thế ngồi 

Trước khi lên xe, tài xế nên kiểm tra một vòng xung quanh để tránh bị các vật cản, các sự cố tiềm ẩn từ lúc xe đang đỗ. Đó có thể là viên gạch ở bên hông, một con vật nào đó chui vào hốc bánh hay nguy hiểm hơn là trẻ em chơi quanh xe mà ta không biết.

Hãy sử dụng một đôi giày thật sự thoải mái khi điều khiển xe. Phụ nữ tránh đi giày cao gót và các loại giày dép có cấu tạo quá rườm rà vì chúng gây rất nhiều bất tiện trong quá trình vận hành chân ga, chân phanh. Nếu công việc bắt buộc, hãy để sẵn một đôi giày bệt trên xe để dùng khi lái xe.

Sau khi lên xe, tài xế chủ động tìm tư thế thoải mái, ngồi hơi ngả về phía sau, khoảng cách tay tới vô lăng, chân tới bàn đạp ga/phanh phải linh hoạt, tầm quan sát tốt. Hãy ướm chân (nhưng đừng đạp vội), sao cho góc đầu gối và góc khủyu tay khoảng 120 độ. 

Đảm bảo xe đang ở số P hoặc số N, đạp thử chân phanh, "mớm" nhẹ để có cảm giác về chân ga trước khi khởi động xe.

Giữ gót chân cố định trên sàn

Cách làm đúng khi di chuyển giữa chân phanh và chân ga là bạn phải giữ nguyên gót chân và chỉ di chuyển phần mũi chân mỗi khi thao tác tăng tốc hay đạp phanh. Nên nhớ đây là kĩ thuật lái xe an toàn ngoài đường phố.

Việc vừa ga vừa phanh bằng một chân, sử dụng cả mũi chân và gót chân hay một chân ga, một chân phanh chỉ sử dụng trong trường đua hoặc những cách lái xe biểu diễn.

Một nguyên tắc nữa cần lưu ý: Chỉ để chân vào bàn đạp ga khi cần ga, sau đó lập tức chuyển chân về vị trí bàn đạp phanh. Mặc định, bàn chân luôn đặt ở chân phanh, không được để hờ lên bàn đạp ga (dù không đạp) mà chỉ được phép để hờ lên bàn đạp phanh. Như vậy, khi gặp tình huống bất ngờ thì theo phản xạ, sẽ đạp chân và lúc này mặc định là chân phanh, đồng thời tốc độ phanh cũng nhanh hơn.

Ngược lại, nếu để hờ chân ở bàn đạp ga mà gặp tình huống mất kiểm soát, dẫn đến việc đạp ga chính là nguyên nhân của không ít vụ "xe điên".

Trả về N hoặc về P khi dừng xe

Trả số về N và kéo phanh tay khi dừng xe tạm thời, trả số về P khi dừng xe lâu kết hợp kéo phanh tay sẽ tăng tính an toàn. Một số tai nạn bất ngờ có thể khiến tài xế giật mình, nhưng nếu đã ở hai chế độ kia thì dù có đạp nhầm thì xe cũng không di chuyển.

Hơn nữa, một số xe hiện đại có tính năng giữ phanh tự động (Auto Hold) hay phanh tay điện tử. Sự tiện lợi cũng phải đi kèm sự cảnh giác của người lái bởi chỉ một sai sót nhỏ trong thao tác cũng có thể khiến hậu quả trở nên nghiêm trọng.

Gia An

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bài học   Mazda  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...