24/10/2020 9:15  

TOSuperTitle"> Từ giã văn phòng làm việc... trên bầu trời

“Thật khó mà bỏ qua khoảnh khắc khi ánh nắng mặt trời chiếu qua cửa sổ máy bay” Allie Malis, nữ tiếp viên 30 tuổi của hãng hàng không American Airlines, nói.

Nhưng giờ đây, quang cảnh thân quen đó đã nằm ngoài tầm mắt của nhiều tiếp viên hàng không. Hồi đầu tháng này, United Airlines và American Airlines thông báo sa thải hơn 32.000 nhân viên sau khi chương trình hỗ trợ trả lương nhân viên ngành hàng không của chính phủ hết hạn. Trong số này, có khoảng 15.000 tiếp viên, tương đương 12% tổng quân số tiếp viên hàng không của Mỹ.

Các hãng hàng không Mỹ chứng kiến mức thua lỗ lên đến hàng tỉ đô la trong năm nay sau nhiều tháng nhu cầu đi lại tê liệt vì cuộc khủng hoảng Covid-19.

Trong khi tương lai du lịch vẫn còn bất ổn, một số tiếp viên đã tính đến việc bỏ nghề dù đó từng là niềm mơ ước của nhiều người muốn có thu nhập ổn định, thích phiêu lưu.

Angel Ricumstrict-Zamora, nữ tiếp viên 41 tuổi, làm việc cho hãng hàng không United Airlines trong 17 năm qua, dự định gắn bó với công việc này suốt đời.

Nhưng trong những tháng gần đây, cô chứng kiến thế giới nghề nghiệp của ngành hàng không đang suy sụp. Cô cho biết Chicago từng là thành phố náo nhiệt và sân bay quốc tế ở thành phố này luôn tập nập người. Nhưng hồi tháng 8, khu vực gần sân bay này giống như một thành phố ma với hơn 50% cửa hàng đóng cửa. “Tất cả chúng tôi, tiếp viên, phi công và các nhân viên hàng không khác điều biết rằng đám mây đen đang treo trên đầu chúng tôi”

Hôm 1-10, Ricumstrict-Zamora nhận quyết định sa thải và chẳng bao lâu sau đó, cô nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và phiếu trợ cấp thực phẩm.

Cô cho biết: “Tôi đã rút phân nửa tiền từ tài khoản lương hưu của tôi. Đến tháng 12, tôi sẽ phải rút cạn lương hưu”. Phillip Delahunty, nam tiếp viên của American Airlines, cũng nằm trong số nhân viên hàng không bị sa thải trong tháng này.

“Tôi 27 tuổi và thế hệ hệ tôi chưa bao giờ trải qua sự ổn định tài chính giống như thời của bố mẹ tôi khi họ ở độ tuổi này...Tôi có một công việc ổn định với mức lương tốt cùng nhiều phúc lợi tuyệt vời. Nhưng giờ đây, tất cả đã biến mất”, Delahunty nói trong chua xót.

Lo lắng về gánh nặng chi phí y tế

Một trong những mối lo lớn nhất của các tiếp viên là chi phí y tế vì họ không còn được đóng bảo hiểm y tế sau khi mất việc.

Amy Ticknor, nữ tiếp viên 29 tuổi, gia nhập American Airlines vào năm 2014. Cô dừng bay kể từ tháng 3 khi đang mang thai đứa con thứ hai. Giờ đây, cô không biết chắc bao giờ có thể bay trở lại. Lo lắng dồn dập thêm khi cô là người cung cấp chi phí bảo hiểm chính cho gia đình.

“Chúng tôi vừa sinh em bé và chúng tôi có lịch hẹn với bác sĩ gần như mỗi tháng nhưng sẽ không thể đến khám nếu tôi không tìm được công việc toàn thời gian có thể cung cấp cho chúng tôi gói bảo hiểm cho gia đình”, Ticknor nói.

“Chuyến bay cuối cùng của tôi kết thúc vào cuối tháng 2 nhưng tôi không biết đó sẽ chuyến bay cuối”, Robert Garcia Remmert, nam tiếp viên 45 tuổi, làm việc cho hãng hàng không United Airlines, nói.
Hồi tháng 3, Remmert xin nghỉ phép không lương để trị bệnh rối loạn miễn dịch và không ngờ bị sa thải vào tháng 10 vừa qua.

Giờ đây, anh lo lắng về khoản bảo hiểm y tế trong năm tới vì nếu không có chi phí nộp bảo hiểm, chi phí điều trị bệnh của anh có thể lên đến 18.000 đô la Mỹ mỗi tháng.

Anh nói: “Tôi không ngờ những thay đổi lớn này lại xảy ra, đặc biệt ở độ tuổi tứ tuần. Sau khi vào nghề tiếp viên, tôi thấy yêu công việc này. Tôi không muốn làm bất kỳ công việc nào khác”.

Mỏi mòn chờ gói cứu trợ

Nhiều tiếp viên hàng không Mỹ đã xin nghỉ phép và không bay trong những tháng qua nhưng sau khi các quyết định sa thải được thông báo, con số này tăng vọt. Giờ đây, họ không còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế mới trong đó bao gồm điều khoản gia hạn chương trình hỗ trợ trả lương để cứu trợ ngành hàng không.

Giống như nhiều đồng nghiệp trong Hiệp hội các tiếp viên hàng không chuyên nghiệp (APFA), tổ chức công đoàn đại diện cho hơn 26.000 tiếp viên của American Airlines, nữ tiếp viên Ticknor viết email cho các dân biểu ở khu vực của cô mỗi ngày, kêu gọi họ nhanh chóng tìm cách thúc đẩy gói cứu trợ mới cho ngành hàng không. Cô cho biết phe Cộng hòa và phe Dân chủ đang đổ lỗi cho nhau về việc cản trở kích thích kinh tế thứ hai.

Nữ tiếp viên Allie Malis của American Airlines, người đại diện về các vấn đề chính phủ trong APFA, cũng đang đấu tranh để gia hạn Chương trình hỗ trợ trả lương (PSP) dành cho nhân viên ngành hàng không. PSP là một phần của gói cứu trợ kinh tế 2.200 tỉ đô la được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3. PSP đã cung cấp 25 tỉ đô la Mỹ để hỗ trợ các hãng hàng không Mỹ trả lương cho nhân viên từ tháng 4 đến tháng 9, giúp họ trì hoãn sa thải giữa lúc nhu cầu đi lại hàng không suy sụp.

Sau nhiều tháng theo dõi Quốc hội Mỹ tranh luận về gói kích thích kinh thế mới, Malis cho biết cô cảm thấy rằng cô và đồng nghiệp giống như những quân tốt trên bàn cờ chính trị.

Malis cho biết cô không có kế hoạch dự phòng nếu gói cứu trợ kinh tế thứ hai sụp đổ. Mục tiêu trước mắt của cô là chờ dự luật cứu trợ được Quốc hội Mỹ  thông qua và được nhận làm việc trở lại.

“Công việc này đã làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi. Nó cung cấp các cơ hội mà chúng tôi không dám mơ tưởng trước đây. Để mất công việc này thật là điều khủng khiếp”.

Theo New York Times

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Airlines   Covid   Covid-19   Hiệp hội   New York Times   du lịch   khủng hoảng   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...