30/03/2021 15:15  
Dù vẫn giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế song vai trò dẫn dắt cũng như động lực tăng trưởng của TP.HCM hiện không còn nổi bật. Một nguyên nhân trong đó là tiềm năng và lợi thế của kinh tế biển đã bị lãng quên quá lâu…

Tại Hội thảo "TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế" do UBND TP.HCM phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay 30/3, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng TP.HCM cũng đang đứng trước thách thức tới hạn về phát triển công nghiệp, bị thu hẹp khoảng cách với các tỉnh thành khác về chỉ số cạnh tranh. Do đó, cần một chiến lược tổng thể và đánh giá đúng vai trò của kinh tế biển, làm bàn đạp cho TP.HCM trở thành một Thành phố "cửa ngõ" kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế. 

Tập trung đầu tư cho Cần Giờ

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh mục tiêu phát triển về hướng biển luôn là mong muốn, ý chí của các thế hệ lãnh đạo và người dân Thành phố trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, TP.HCM và vùng TP.HCM cần định vị lại vị thế cạnh tranh của mình, định hướng thành Trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế, hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao.

Cụ thể, theo ông Hoan, mô hình phát triển trong tương lai của TP.HCM cần đặt ra định hướng kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn nữa để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế. Trong đó, vịnh Cần Giờ (huyện Cần Giờ) là cơ hội để tạo ra bước ngoặt, thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TP.HCM và vùng Thành phố chuyển từ phát triển chủ yếu dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển. Chiến lược nay, theo ông Hoan, hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho TP.HCM và vùng Thành phố trong hành trình vươn ra biển lớn và hội nhập phát triển với các đô thị khác…

PGS.TS Lưu Thế Anh - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường - ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công tại vịnh Cần Giờ tạo "mặt tiền" biển để chủ động đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế, làm bàn đạp cho TP.HCM trở thành một Thành phố "cửa ngõ" kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế.

“TP.HCM khi đó không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của vùng kinh tế phía Nam mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế, như hành lang kinh tế Ấn Độ - Mekong, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sáng kiến Vành đai, con đường. Bắt nguồn từ điểm Hub (trung tâm) về hàng hải sẽ kéo theo việc TP.HCM trở thành điểm Hub về hàng không, đường bộ và đường sắt”, PGS.TS Lưu Thế Anh, nhấn mạnh.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ủng hộ TP.HCM lấy biển Cần Giờ để khai thác kinh tế biển. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, Thành phố này cần có định hướng cụ thể để không ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững. Để làm được điều này, cần tiếp cận theo hướng liên kết vùng, hình thành một hệ sinh thái biển cộng sinh, nương nhờ vào nhau để hoạt động

Cần thay đổi tư duy chiến lược phát triển

Nhận định rõ tầm quan trọng của kinh tế biển, tuy nhiên, theo GS Đặng Hùng Võ, với vị trí địa kinh tế thuận lợi trên tuyến hàng hải kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, lãnh đạo TP.HCM cần có những thay đổi nhất định về mặt tư duy để giành lại vị thế "Hòn ngọc Viễn Đông" đã mất. Một trong những vấn đề quan trọng mà chuyên gia này chỉ ra là trong các chiến lược phát triển cần đặt TP.HCM vào vị trí một Thành phố biển hiện đại.

"Cái Mép - Thị Vải được chọn là cảng nước sâu quốc tế nhưng không nằm trong địa giới hành chính của TP.HCM. Tuy vậy, cảng hàng hải này rất gần TP.HCM và có thể tạo kết nối thuận tiện. Để tận dụng cơ hội, TP.HCM phải tiếp cận hướng phát triển không dựa trên địa giới hành chính mà cần đầu tư rộng hơn, tạo dựng hệ sinh thái cộng sinh, bởi một vùng kinh tế thường không trùng với ranh giới đơn vị hành chính", GS Đặng Hùng Võ đề xuất.

Trong khi đó, PGS.TS Lưu Thế Anh thì nhận định, xu thế hiện nay của các nước trên thế giới có biển hay không có biển đều đang xoay trục từ phát triển dựa vào đất sang phát triển dựa vào biển. Tập trung ở các lĩnh vực như nghề nuôi biển, tài nguyên khoáng sản từ biển, năng lượng tái tạo (thủy triều, gió), an toàn và giám sát hàng hải, vận tải biển, công nghệ sinh học biển, du lịch biển…

“Nếu có chiến lược tốt, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển kinh tế và xã hội tiến biển bền vững để vượt điểm nghẽn thu nhập trung bình, hội nhập khu vực và quốc tế”, chuyên gia này nhận xét.

Cũng theo chuyên gia này, đối với TP.HCM, để phát triển kinh tế biển, mô hình phát triển trong tương lai gần của TP.HCM cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistic gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại vịnh Cần Giờ, tích tụ dân cư biển, đón nhận cơ hội của hậu hiện đại tạo bước ngoặt thay đổi phương thức phát triển của thành phố…

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


HCM   Hà Nội   Kinh tế   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   du lịch   dịch vụ   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...