30/03/2021 17:11  
Masan phải tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ VinCommerce, nhưng tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho rằng, nếu không phải là bước đi đó có lẽ Masan đã để tương lai rơi vào vị thế vô cùng thử thách.

Bước đi chiến lược gặp phản ứng trái chiều

Trong báo cáo thường niên của Tập đoàn Masan (Masan Group - mã chứng khoán MSN) vừa công bố, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT tập đoàn này đã có những chia sẻ đáng chú ý về "Alpha-Bet" - câu chuyện của Masan.

Ông Quang cho biết, trong hành trình của mình, tại mỗi mốc chẵn 10 năm, Masan đều xác lập tầm nhìn chiến lược để tái hoạch định lộ trình tương lại thông qua "tái cấu trúc chiến lược".

Theo đó, hành trình 2020-2030 của Masan đã bắt đầu với việc sáp nhập VinCommerce để thành lập The CrownX, với tham vọng đây sẽ là tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ của Việt Nam.

"Nếu không phải là bước đi đó, có lẽ Masan đã để tương lai của chính mình rơi vào vị thế vô cùng thử thách" - ông Nguyễn Đăng Quang nhìn nhận.

Chủ tịch Masan đánh giá, tương lai của ngành hàng tiêu dùng sẽ nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại. Sự tham gia của kênh bán lẻ hiện đại đã thu hẹp đáng kể khoảng cách về lợi nhuận gộp giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ: Khoảng cách này tại Mỹ và Thái Lan hiện nay là dưới 10% so với trên 20% trước đây. Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn này.

Theo ông Quang, trong thập kỷ tới, lợi nhuận gộp cũng như khả năng chi phối người tiêu dùng sẽ dịch chuyển mạnh mẽ từ các nhà sản xuất sang các nhà bán lẻ. Và đây cũng sẽ là "nguồn nhiên liệu dồi dào" thúc đẩy cỗ máy bán lẻ hiện đại tăng tốc và đạt sự tăng trưởng đột phá thần kỳ và tột bậc trong nhiều thập kỷ tới.

"Khi công bố thương vụ mua lại VinCommerce, chúng ta đã tin rằng mọi nhân viên, các nhà đầu tư và thị trường sẽ nhiệt liệt tán thưởng quyết định này. Nhưng những gì diễn ra đã ngoài tầm dự đoán… Bước đi chiến lược của chúng ta đã nhận nhiều phản ứng trái chiều. Những người tin tưởng nhất vào Masan đã trở nên lung lay và giá cổ phiếu của chúng ta giảm phân nửa chỉ trong một tháng" - vị thuyền trưởng của Masan cho hay. 

Tuy nhiên theo ông Quang, khi nhìn lại, phản ứng dây chuyền này là có thể hiểu được bởi lúc đó, Masan đã tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ VinCommerce, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ.

"Thương vụ đó làm Tập đoàn của chúng ta, vốn đã đa ngành còn trở thành đa ngành hơn nữa, và tiếp tục khắc sâu những nghi ngại là các thương vụ mua bán sáp nhập của Masan dường như không đạt được các mục tiêu chiến lược và tài chính như mong muốn" - ông Quang chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, tại báo cáo thường niên năm 2020, ông Quang đã nêu ra 3 bước cụ thể cho kế hoạch "Alpha-Bet" trong đó,  điểm đầu tiên, vị tỷ phú này nhận định: "lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt".

Theo đó, ông nhấn mạnh rằng, Masan chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng của một doanh nghiệp có quy mô khổng lồ và lợi nhuận vượt trội.

"Masan vận hành với nguyên tắc đơn giản, khi nền móng không vững chắc, ngôi nhà nhất định sẽ bị lung lay" - ông Quang cho biết. Theo đó, mục tiêu đơn giản của Masan là đưa VinCommerce đạt EBITDA hòa vốn trong một năm.

Trên cơ sở này, Masan đã mạnh tay đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả quy trình logistics và luân chuyển hàng hóa, cũng như tinh gọn danh mục hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số.

"Lý thuyết tuy rất đơn giản, nhưng triển khai trên thực tế với kết quả vượt trội là điều không hề dễ dàng" - ông Quang chia sẻ. Kết quả là, VCM đạt EBITDA hòa vốn trong quý 4/2020 và dự kiến sẽ đạt EBITDA dương vào quý 1/2021.

Ai cung cấp dịch vụ tài chính: Câu trả lời rất rõ ràng là Techcombank

Khi nền tảng được tạo lập, Masan đặt mục tiêu đưa kênh bán lẻ hiện đại trên quy mô toàn quốc để phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng. Việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ hiện đại đã gia tăng khả năng tiếp cận thị trường của Masan từ mức chỉ chiếm 1% ngân sách tiêu dùng (wallet-share) lên mức gần 25%.

Kế hoạch 5 năm tới của tập đoàn này đó là xây dựng một mô hình hiệu quả để phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng.

Ông Quang hé lộ tham vọng, khi chuyển đổi sang nền tảng bán lẻ hiện tại, sẽ xây dựng một doanh nghiệp có quy mô doanh thu 7 - 10 tỷ USD và lợi nhuận gộp gia tăng hai con số vào 2025 cho lĩnh vực bán lẻ.

Điều này thú vị nhưng ông Quang đánh giá, đây chỉ mới là bước khởi đầu của The CrownX - "viên ngọc quý trên vương miện" của Masan.

Chủ tịch Masan cho biết, bước cuối cùng của kế hoạch tham vọng này đó là chuyển hóa The CrownX thành nền tảng "Point of Life". Cửa hàng hiện đại là nơi kết nối toàn bộ các nhu cầu của người tiêu dùng lại với nhau để tạo nên một nền tảng bao trùm xuyên suốt từ online đến offline, kết hợp các sản phẩm và dịch vụ khách hàng tốt nhất. Đó là điểm đến "tất cả trong một" (one-stop shop) phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.

Khi kết nối các dịch vụ vào một nền tảng duy nhất, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ "hệ sinh thái" hàng ngày mang lại giá trị cho họ.

Minh chứng đầu tiên về nền tảng "Point of Life" được lãnh đạo Masan dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay. Cụ thể, tập đoàn này sẽ phát triển ít nhất 50% cửa hàng trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số. Từ mức xử lý hơn 1 triệu giao dịch mỗi ngày, con số này sẽ tăng gấp 5-10 lần vào 2025.

Theo tính toán của ông Nguyễn Đăng Quang, việc kết hợp bán lẻ và dịch vụ tài chính với 50% ngân sách tiêu dùng cung cấp cho Masan nền tảng ổn định và có thể gia tăng quy mô để thu hút khách hàng trung thành mà không "đốt" tiền.

Ông Quang cũng rất thẳng thắn đặt vấn đề: "Câu hỏi đặt ra ai sẽ là đối tác cung cấp các dịch vụ tài chính cho chúng ta. Cá nhân tôi cho rằng câu trả lời đã rất rõ ràng: Đó chính là Techcombank". Vị tỷ phú này cũng không ngần ngại tuyên bố mục tiêu tại báo cáo thường niên năm 2020 rằng sẽ "xây dựng Masan trở thành doanh nghiệp tầm cỡ thế giới".

Mai Chi

Nguồn tin: dantri.com.vn


Tập đoàn   Tỷ phú   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   dịch vụ   hành trình 20   logistics   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...