24/10/2020 7:50  
ng dụng dạy phát âm tiếng Anh của nữ doanh nhân Văn Đinh Hồng Vũ được Google hậu thuẫn và rót vốn hàng triệu USD.

Đại dịch Covid-19 đã mở ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục, đẩy các trường học và tổ chức đào tạo hướng đến phương pháp học trực tuyến. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về ứng dụng tự học online. Một trong số đó là ELSA - nền tảng ngôn ngữ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Phần mềm được thiết kế nhằm giúp người học tiếng Anh không phải là người bản xứ cải thiện kỹ năng nói và phát âm thông qua các bài học ngắn.

Trong thời gian đại dịch, ứng dụng được Google hậu thuẫn đã đạt khoảng 11 triệu người dùng và khai thác nhiều thị trường mới.

Nhu cầu của hơn 1 tỷ người dùng

Vũ Văn (Văn Đinh Hồng Vũ) tạo ra ứng dụng ELSA năm 2015 xuất phát từ thực tế bản thân liên quan cách phát âm tiếng Anh của mình. Cô nhớ như in cách đây vài năm khi mới chuyển đến Mỹ học tập và làm việc, bản thân luôn thấy thiếu tự tin trong giao tiếp, mặc dù thông thạo tiếng Anh.

Đây cũng là vấn đề chung của nhiều người bạn học của Vũ trong lớp MBA ở Đại học Stanford rồi đến một số đồng nghiệp cô trong công việc tư vấn quản lý. Họ đều là những người đến từ các quốc gia không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính. Nỗi lo phát âm sai khiến họ ngại nói, dẫn tới việc bị coi thường, hoặc tệ hơn là không được tin tưởng.

Nếu như đây là vấn đề của họ, thì cũng là vấn đề của rất nhiều người khác. Trong khoảng 1,5 tỷ người nói tiếng Anh trên toàn cầu, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính có khoảng 1 tỷ trong số đó sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.

Nhận ra cơ hội, Vũ lên kế hoạch tạo ra một công cụ dùng AI để phát hiện chính xác lỗi sai trong tiếng Anh của người dùng và đưa ra giải pháp khắc phục dễ dàng với một chi phí bằng một phần nhỏ của việc thuê gia sư.

"Rất khó để phát âm chuẩn giọng Anh hoặc Mỹ, nhưng việc giúp bạn nói tiếng Anh tự tin và trôi chảy hơn để người khác hiểu bạn khi giao tiếp thì có thể. Và nếu việc đó mang lại nhiều lợi ích, tại sao lại không làm?", nữ doanh nhân trả lời trên CNBC Make It.

Tìm người cùng chí hướng

Vì không có kiến thức về công nghệ hay trí tuệ nhân tạo, cô hiểu rằng để hiện thực hóa giấc mơ là điều rất khó. Sau khi nghỉ công việc cố vấn, Vũ dành 6 tháng để tìm một chuyên gia công nghệ cùng cô khởi nghiệp. Trong thời gian này, cô đã tìm đến gần như "tất cả chuyên gia về nhận diện giọng nói bằng AI ở vùng Vịnh" để thăm dò mức độ quan tâm với ý tưởng cũng như tham khảo chuyên môn của họ.

"Cách tiếp cận của tôi khá đơn giản. Mỗi ngày tôi chỉ cần trò chuyện với năm người. Tôi không cần biết họ là ai, chỉ cần tôi có thêm những mối quan hệ, và năm người đó sẽ giới thiệu tôi với năm người khác", Vũ cho biết.

Và rồi, cô tìm đến Đức - nơi tổ chức hội thảo lớn nhất thế giới về nhận diện giọng nói bằng AI, sau khi một giáo sư khuyên "nếu không tìm được ai phù hợp ở nơi đó, cô nên đóng cửa công ty".

Tư tưởng lớn gặp nhau

Trong số 3.000 chuyên gia ở hội thảo, Vũ gặp Xavier Anguera, một nhà khoa học hàng đầu, người mà theo Vũ miêu tả "đã nghiên cứu rất lâu và đang mong đợi thành quả". Chỉ vài tuần sau, vị này đã đồng ý tham gia cùng Vũ, tạm thời xa gia đình ở Bồ Đào Nha và chuyển đến căn hộ của cô ở San Francisco để cùng hiện thực hóa ý tưởng.

Đây là một quá trình đòi hỏi sự trung thực tuyệt đối, và những cuộc nói chuyện căng thẳng giữa hai người diễn ra ngay từ đầu, "về việc lương bổng, chia cổ phần", Vũ nhớ lại. Với sự giúp đỡ của những người bạn cùng khởi nghiệp, Vũ lên danh sách một loạt câu hỏi để thảo luận với Anguera.

"Chúng tôi nói, nếu tới cuối tháng thứ ba mà cả hai vẫn không giết nhau, khi đó chúng tôi sẽ ổn", cô tâm sự.

Những nỗ lực đó đã bắt đầu mang lại kết quả. Trên cương vị đồng sáng lập và giám đốc công nghệ, Anguera đã cùng với Vũ xây dựng một ứng dụng mẫu; lấy dữ liệu đầu vào là giọng nói của những người không phải bản xứ và so sánh với giọng Mỹ chuẩn. Với Vũ, việc này có nghĩa là phải quay về Việt Nam để giúp AI nhận diện những cách phát âm khác nhau của giọng người không bản xứ, từ tài xế xe buýt đến giám đốc doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vài tháng sau đó, bước ngoặc mới thực sự xuất hiện khi ELSA giành được giải thưởng khởi nghiệp ở cuộc thi South by South West (2016). Nhờ giải thưởng này đã giúp ứng dụng lan toả nhanh chóng, thu hút 30.000 người dùng chỉ sau 24 giờ, và giúp cho nhóm Vũ tiếp cận dữ liệu của người dùng trên khắp thế giới.

"Mục tiêu ban đầu là thu thập dữ liệu, nên việc này diễn ra càng sớm thì quá trình huấn luyện AI càng nhanh", Vũ cho biết.

Được Google hậu thuẫn

Với một lượng lớn dữ liệu thu thập là phát âm tiếng Anh của những người không bản xứ từ Ấn Độ cho đến Tây Ban Nha, việc đào tạo AI bắt đầu chuyển động nhanh..

Sau khi tự vận hành khoảng 6 tháng, Vũ và Anguera nhận được một khoản đầu tư ban đầu để phát triển doanh nghiệp. Đến đầu năm 2018, sau khi có được vài triệu người dùng ở 100 quốc gia và đội ngũ nhân viên ngày càng lớn mạnh, ELSA được rót thêm 3,2 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures.

"ELSA là khoản đầu tư đầu tiên của chúng tôi tại Việt Nam. Vì chúng tôi cảm thấy như được truyền cảm hứng từ niềm tin của Vũ và Xavier rằng họ có thể giải quyết một vấn đề có thực cho khoảng 1,5 tỷ người học tiếng Anh", Peng T. Ong, đồng sáng lập và đối tác quản trị quỹ Monk’s Hill Ventures trả tời CNBC Make It.

Niềm tin này càng được củng cố vào năm 2019, khi họ nhận được hỗ trợ từ Gradient Ventures, một quỹ đầu tư của Google chuyên về lĩnh vực AI. Nhờ đó, tổng số vốn mà ELSA huy động được đã đạt con số 12 triệu USD, đồng thời họ còn được cho phép làm việc cùng đội ngũ kỹ thuật của gã khổng lồ này để xây dựng hạ tầng đầu cuối.

Việc rót vốn của Gradient Ventures chỉ diễn ra vài tháng trước khi đại dịch làm chao đảo ngành giáo dục và thúc đẩy sự phát triển của công cụ dạy và học trực tuyến.

ELSA - ứng dụng cung cấp hơn 1.000 khóa học chỉ với khoảng 3-6 USD một tháng – đã chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng người dùng "gấp ba bốn lần" mỗi tháng, Vũ cho biết.

Số lượng người dùng không chỉ đến từ những người bình thường của ứng dụng, mà còn từ doanh nghiệp, trường học đang muốn áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Công ty này hiện đã thiết lập quan hệ đối tác với hàng chục trường học và doanh nghiệp ở Việt Nam, Ấn Độ, Brazil và Ukraine.

"Covid-19 đã mở ra cho chúng tôi những thị trường chưa từng nghĩ đến", Vũ chia sẻ, Theo cô, có một sự thay đổi lớn trong quan điểm của các bậc phụ huynh về cách học. Thay vì đưa con đến trung tâm ngoại ngữ hay trường học, họ có thể dựa vào công nghệ. Và nhóm của Vũ đã tận dụng điều đó.

Xây dựng tương lai

Nhu cầu của người dùng đối với ELSA vẫn tăng cao trong lúc đại dịch tiếp diễn. "Trong thế giới ngày nay, thạo tiếng Anh là lợi thế để phát triển kinh tế . Chúng tôi hy vọng tiếp tục chứng kiến sự phát triển của công nghệ giáo dục– một phần được thúc đẩy bởi đại dịch ở khu vực Đông Nam Á. Và sẽ có thêm nhiều doanh nhân cải cách giáo dục thông qua công nghệ", ông Ong chia sẻ.

Vũ cho biết sẽ sớm huy động thêm vốn bởi công ty đang muốn mở rộng đội ngũ hiện tại ở Việt Nam, San Francisco, Ấn Độ và Nhật Bản, đồng thời sẽ cân nhắc tham gia các thị trường mới như Brazil và Hàn Quốc. Cũng theo Vũ, ELSA đang phát triển thêm nhiều sản phẩm, như chương trình giám sát liên tục, cho phép ứng dụng đưa ra báo cáo phản hồi dựa trên những cuộc hội thoại trong một ngày. Tuy nhiên, muốn làm được điều này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo mật dữ liệu.

"2020 là một năm khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm rất tốt và đang hướng đến năm 2021", bà cho hay.

Quốc Tuấn (theo CNBC)

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   Kinh tế   Mục tiêu   Nhật Bản   Việt Nam   chuyên gia   căng thẳng   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...