23/03/2021 17:20  
Thị trường lại ngập trong sắc đỏ khi cổ phiếu của hầu hết các nhóm ngành đều lao dốc.

Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 10,98 điểm (0,92%) xuống 1.183,45 điểm; HNX-Index giảm 1,08% xuống 271,87 điểm và UPCom-Index giảm 0,16% xuống 81,14 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 19.359 tỷ đồng khiến HoSE tiếp tục "nghẽn" ngay đầu phiên chiều.

Hầu hết các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp, dầu khí…đều giảm trong phiên hôm nay.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu lớn như BVH, HPG, MSN, VIC, VNM, VRE, POW, VHM, MWG…cũng đóng cửa trong sắc đỏ khiến thị trường không còn trụ đỡ.

FPT, GAS, DPM, DCM, PLX là những cổ phiếu lớn hiếm hoi giữ được sắc xanh trong phiên hôm nay. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu xi măng cũng thu hút dòng tiền với BCC, BTS, HT1 đồng loạt bứt phá.

Cùng với đà giảm của thị trường, nhóm cổ phiếu hàng không hôm nay cũng chìm trong sắc đỏ. Theo đó, HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giảm 2,69% về mốc 32.600 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có tới hơn 2,2 triệu cổ phiếu HVN được nhà đầu tư trao tay.

Tương tự, VJC "nhà" Vietjet cũng chịu cảnh giảm điểm. Chốt phiên VJC giảm 1,28% về mốc 131.000 đồng/cổ phiếu.

Không chỉ khó khăn trên thị trường cổ phiếu, năm 2021 tiếp tục dự báo là năm sóng gió với hàng không Việt Nam.

Theo đó, vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Các hãng hàng không tiếp tục kêu cứu khi dự báo mức lỗ năm nay khoảng 15.000 tỷ đồng do doanh thu tiếp tục giảm sâu ngay mùa cao điểm. Năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã lỗ trên 18.000 tỷ đồng, doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết nguyên nhân lỗ là các đường bay quốc tế vẫn đóng băng do Covid-19.

Các hãng hàng không chủ yếu chỉ vận chuyển khách hồi hương, chuyên gia và hàng hóa trên chặng quốc tế. 2 tháng đầu năm, các hãng chỉ vận chuyển quốc tế 66.600 lượt, một nửa so với cùng kỳ 2019. Doanh thu nội địa dịp Tết giảm bình quân từ 70% đến 80% so với cùng kỳ Tết năm trước. Để kích cầu và thu hút dòng tiền, các hãng buộc phải giảm giá vé khá sâu khiến bị lỗ ngay trong mùa cao điểm.

Không chỉ hãng bay, các đơn vị dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không theo hiệp hội này, cũng giảm sút cả về doanh thu lẫn sản lượng.

Do những tác động nặng nề trong năm 2020, các hãng phải chuyển nhượng tài sản cùng các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền. Vì vậy, sang năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động ngay từ giai đoạn sau dịp Tết cổ truyền. Để hỗ trợ dòng tiền của các hãng, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.

Vietnam Airlines trước đó đã được hỗ trợ tín dụng 4.000 tỷ đồng. Theo đó, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không.

Cụ thể, VietJet đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỷ đồng trong 3 năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Airlines   Chính phủ   Covid   Covid-19   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Việt Nam   chuyên gia   doanh nghiệp   dịch vụ   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...