02/02/2021 16:10  
tuổi 54, niềm vui mỗi dịp Tết của bà Cúc là năm nào cũng được trở về trên chuyến xe đoàn viên, để gặp lại và chăm sóc mộ phần cho đứa con gái. Bấy nhiêu ấy thôi đã đủ ấm áp cho suốt năm bán vé số của bà tại Sài Gòn.

Món nợ 8 triệu đồng và sự ra đi đột ngột của con gái

Bà Trần Thị Cúc (54 tuổi, quê ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) mãi không quên cuộc điện thoại vào buổi chiều cách đây 17 năm. Người hàng xóm nấc lên từng tiếng nhỏ: "Chị Cúc hả? Về quê mau đi. Con gái chị gặp tai nạn…". Nghe xong, bà Cúc làm rơi cả cọc vé số trên tay xuống đường.

Hôm đó, bà bắt chuyến xe gấp giữa trưa trở về quê. Đến đầu huyện, bà gọi cho người hàng xóm, hỏi lại:

"Con gái chị nằm ở bệnh viện nào để chị chạy vào?".

"Chị về thẳng nhà luôn chị…" - người hàng xóm vẫn khóc. Nghe đến đây, một linh tính không lành khiến bà Cúc òa lên nức nở.

"Họ nói con gái cô bị bệnh vậy mà đã đưa về nhà! Bệnh gì mà phải đưa về nhà hả cậu? Lúc đó tới đầu làng, nghe tiếng nhạc đám tang, thấy nhà treo cờ là cô ngất xỉu".

Lê Ly Na (con gái bà Cúc) gặp tai nạn trên đường đi học về. Cô gái năm ấy vừa tròn 18 tuổi, ra đi khi anh trai đang ở quân ngũ, mẹ bán vé số tại Sài Gòn. Mãi cho đến lúc mất bà Cúc không ngờ rằng mình chẳng thể nào gặp mặt đứa con gái lần cuối.

Năm 14 tuổi, anh Trần Hy Trát (con trai bà Cúc) vì thương mẹ một mình chèo chống nuôi 2 con nên đã quyết định nghỉ học, nhường tiền cho đứa em gái đến trường.

Đợt đó, anh vào Sài Gòn, đi bán số hơn năm thì một lần sang đường bị chiếc xe taxi "liếm ngang". Anh Trát nằm viện 3 tháng, một bên chân gãy phải nẹp đinh vít cố định.

"Nghe tin, cô phải bỏ hết ruộng vườn, vào Sài Gòn để chăm con. Đêm nào nằm ngủ dưới chân Trát, nó cũng nhìn cô mà khóc" - bà Cúc kể lại.

Không có tiền để tiếp tục đóng viện phí, cuối cùng Trát đành chấp nhận trở về quê, sống chung với cái chân nẹp đinh vít. Mãi đến năm 18 tuổi, anh mới được thực hiện ca phẫu thuật miễn phí.

Riêng bà Cúc, vì số tiền nợ 8 triệu đồng trong khoảng thời gian nuôi con tại bệnh viện nên đành ở lại Sài Gòn, tiếp tục thay con đi bán vé số.

"Cô đi chưa được bao lâu thì lại nghe tin con gái mất như thế! Nhiều lúc đi ngoài đường, ngửa mặt lên trời cứ tự hỏi sao lại đối xử tàn nhẫn với mình như vậy!" - bà Cúc khóc.

Cái Tết đẫm nước mắt tại Sài Gòn

Suốt 1 năm sau ngày con gái mất, bà Cúc gần như quỵ ngã. Ngày nào đứng trước bàn thờ, bà đều khóc.

Sang năm sau thì bà rời quê, quay lại Sài Gòn để tiếp tục đi bán số. Với bà, khoảng thời gian đó không còn là những cuộc mưu sinh mà để chạy trốn sự đau khổ.

"Ra đường là cô như người không hồn vậy! Nhiều hôm chẳng biết mình đã đi lạc đến đường. Mời khách mà người ta không mua còn chửi đuổi đi thì nước mắt trào ra".

Cái Tết năm đó, bà Cúc quyết định không trở về quê, ở lại hẳn Sài Gòn. Đêm 30, bà làm mâm cơm rồi tiếp tục lặng lẽ đi bán số.

"Người thân gọi điện trách sao không về. Nhưng lúc đó, một mình thui hủi trong bốn bức tường nhà thì trong lòng cô còn buồn hơn. Có buổi sáng mồng 1, ra đường không một bóng người, cô mới khóc. Lúc đó, cô nghĩ bằng mọi giá, Tết thì cũng phải về, ít nhất lo được mâm cơm cho con…".

Cứ đúng 20 tháng Chạp hằng năm, bà Cúc lại đăng ký vé xe để trở về sớm. Giá vé hơn 500 nghìn đồng làm bà phải tằn tiện khi đi bán vé.

Lắng nghe những khó khăn của các hoàn cảnh như bà Trần Thị Cúc, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) đã tổ chức chương trình "Chuyến xe đoàn viên" đưa khoảng hơn 500 người khó khăn sinh sống tại Tp.HCM trở về quê ăn Tết. Chương trình được thực hiện thường niên như cầu nối yêu thương trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

"2 năm nay, nhờ đăng ký chuyến xe đoàn viên mà cô tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng tiền xe cộ. Không những được các cháu phục vụ chu đáo mà còn có thêm bao lì xì nho nhỏ. Cô cảm thấy ấm áp lắm khi được quan tâm, chăm sóc như vậy" - Bà Cúc chia sẻ.

Những người già ở trong nhà tập thể tại con hẻm 123 Nguyễn Xí (Q. Bình Thạnh, TP. HCM) như bà Cúc, từ đôi chân cày ruộng đã đi khắp Sài Gòn để bán từng tờ vé số, sống bằng tình thương và lòng cưu mang của người Sài Gòn.

Đôi bàn chân họ bẹt, các ngón tõe rộng và cong queo, móng chân hay bị quặp hoặc bị thối hỏng gần hết vì suốt hàng chục năm phải đi bộ, mỗi ngày ít nhất 7 tiếng đồng hồ trong đôi dép nhựa cứng nhằm bán hết khoảng 100-300 tờ vé số. Đau bệnh, đói khát, bị cướp giật, tráo vé số giả,… đã trở thành câu chuyện thường tình.

Thế nhưng, khi được hỏi có mong muốn trở về quê hưởng thụ tuổi già, họ đều lắc đầu: "Ở quê thì lấy gì mà sống hả cậu?".

Với bà Cúc, niềm vui sống của bà là mỗi dịp Tết đến, bà có thể trở về nhà, được gặp lại và chăm sóc cho chiếc bàn thờ cả năm nguội lạnh của đứa con gái.

Giây phút đoàn tụ ấy, ngắn ngủi nhưng trân quý biết bao!

Trường Thịnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


HCM   Vietlott   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...