27/12/2020 6:40  
Khi người Anh và người Mỹ đã lần lượt vén tay áo để tiêm vaccine ngừa Covid-19, con đường thoát khỏi đại dịch dường như rõ ràng hơn ở phương Tây, ngay cả khi việc triển khai tiêm chủng trên diện rộng sẽ phải mất nhiều tháng. Nhưng đối với các nước nghèo hơn, lối thoát thực sự vẫn còn xa.
Vì đâu nỗ lực tỷ USD của quốc tế thất bại?
Theo một phân tích mới đây của Liên minh Vaccine Nhân dân (PVA), chỉ 1/10 người từ 67 nước nghèo nhất và đang phát triển trên thế giới có thể được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm 2021, có thể muộn nhất là vào năm 2024, cho đến khi đại đa số các quốc gia trên toàn cầu đã được tiếp cận. Nghĩa là, 87% dân số thế giới có khả năng không được tiêm chủng trong vòng 12 tháng tới. Theo PVA, có 2 nguyên nhân chính góp phần vào thực tế đáng buồn này. Đầu tiên bắt nguồn từ “thói quen” tích trữ vaccine đến thừa thãi của các quốc gia giàu có, và sau đó là các giới hạn trong sản xuất vaccine do kiểm soát sở hữu trí tuệ.
Ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện cách đây tròn 1 năm, loại virus, hiện đã giết chết hơn 1,6 triệu người, đã phơi bày sự bất bình đẳng lớn giữa các quốc gia với những chênh lệch trong hệ thống y tế và tiềm lực kinh tế. Trước một viễn cảnh đã có thể nhìn thấy, sáng kiến COVAX sớm được thành lập bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liên minh vaccine GAVI và CEPI - một liên minh toàn cầu chống lại dịch bệnh, nhằm tránh việc tranh giành vaccine vốn đã từng xảy ra trong các đợt dịch bệnh bùng phát trong quá khứ. COVAX hiện đã huy động được 2,1 tỷ USD, và cho biết sẽ cần thêm 4,9 tỷ USD nữa để đáp ứng mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 20% người dân ở các nước nghèo vào năm tới. Chương trình cũng đang nhận được quỹ từ các nhà tài trợ tư nhân - tiêu biểu là Quỹ Bill & Melinda Gates, hay tỷ phú Carlos Slim - người đã giúp tài trợ cho thỏa thuận 150 triệu liều vaccine Oxford/AstraZeneca ở Mỹ Latinh, dựa trên năng lực sản xuất ở Argentina và quê hương Mexico của ông. Tuy nhiên, nhiều cường quốc, bao gồm cả Mỹ và Nga, đều đã từ chối tham gia chương trình COVAX.

Arnaud Bernaert, Trưởng bộ phận Y tế toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, giải thích: “Đó là một phép toán đơn giản. Trong số khoảng 12 tỷ liều mà ngành công nghiệp dược phẩm dự kiến sẽ sản xuất vào năm tới, khoảng 9 tỷ liều đã được các nước giàu dự trữ. COVAX rõ ràng không thể đảm bảo đủ liều, và tình hình thực tế có thể là chương trình sẽ nhận được những liều vaccine vào thời điểm khá muộn”.

CNN dẫn lời Tiến sĩ Mohga Kamal-Yanni của PVA cho biết: “Các nước giàu có đã đủ liều để tiêm chủng cho tất cả mọi người gần gấp 3 lần, trong khi các nước nghèo thậm chí không có đủ liều để tiếp cận nhóm nhân viên y tế và những người có nguy cơ mắc bệnh của họ”. “Thực tế này đã hoàn toàn đánh bại mọi ý thức đạo đức trong việc chạy đua tích trữ vaccine ở một số nước, khiến các khu vực khác trên thế giới không thể có nổi vaccine”, ông John Nkengasong, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) châu Phi, đánh giá.

Thay vì “cá”, hãy cho “cần câu”?

Đã có không ít thông tin trái chiều khiến công chúng nghi ngại: Liệu các nhà sản xuất vaccine Covid-19 hàng đầu thế giới đang nỗ lực vì sức khỏe của cộng đồng, hay đang chạy đua vì lợi nhuận kinh doanh? AstraZeneca, hãng dược có trụ sở tại Anh, được cho đã cam kết không tăng giá vaccine ngừa Covid-19 cho đến tháng 7/2021. CEO của hãng khẳng định: “Phát triển vaccine lúc này là một phản ứng với tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu, không phải là một cơ hội thương mại”. Johnson&Johnson của Mỹ cũng nói rằng hãng sẵn sàng cung cấp vaccine của mình trên cơ sở “phi lợi nhuận trong đại dịch”.

Giữa bối cảnh đó, PVA đã nhấn mạnh yêu cầu đối với các tập đoàn, tổ chức sản xuất và phát triển vaccine trong các cảnh báo về sự tiếp cận bất bình đẳng trên toàn cầu mới đây. Tổ chức này kêu gọi “tất cả các loại vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm không được phép độc quyền”, mà thay vào đó sẽ được “sản xuất hàng loạt, phân phối công bằng và cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người, ở tất cả các quốc gia”. Về cơ bản, một luận điểm được nêu bật là bất kỳ loại vaccine nào cũng phải là nguồn mở, nhằm nâng cao năng lực sản xuất những liều thuốc an toàn và hiệu quả trên khắp hành tinh. Nghĩa là về lâu dài, các nước nghèo hơn cần được trang bị “cần câu”, thay vì mòn mỏi chờ được “cho cá”.

Nam Phi và Ấn Độ từ lâu đã kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới từ bỏ một số điều khoản quy định quyền sở hữu trí tuệ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất dược phẩm ở những nước nghèo, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng của các nền kinh tế lớn. Lúc này đây, khi thế giới đang vui mừng trước những tiến bộ vượt bậc về vaccine Covid-19, nhiều chuyên gia y tế lâu năm của châu Phi cũng đồng thời nhắc lại những ký ức đau thương của mình, bao gồm việc tiếp cận các loại thuốc chống lại căn bệnh HIV/AIDS - rất lâu sau khi chúng có mặt ở châu Âu, hay gần đây hơn là câu chuyện chờ đợi vaccine cúm H1N1 vào năm 2009. Bài học và hệ quả trong quá khứ còn đó, nhưng giải pháp của hiện tại và tương lai còn đang mang nhiều dấu hỏi.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Bài học   CEO   Covid   Covid-19   Kinh tế   chuyên gia   sản xuất   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...